Sự tích Quan Hoàng Mười trấn thủ Nghệ An

Theo nhân gian kể lại Quan Hoàng Mười là nhân vật lịch sử có thật, ngài vâng lệnh vua cha giáng trần để giúp đời. Người dân xứ Nghệ cho đến tận ngày nay vẫn còn lưu truyền các truyền thuyết về lai lịch, thân thế, sự nghiệp của Quan Hoàng Mười với những nhân vật có thật trong lịch sử Việt Nam.

“Trấn thủ Nghệ An Quan Hoàng Mười ngài trấn thủ Nghệ An
Về huyện Thiên Bản ngài được làm quan đất Phủ Dầy”

 

Quan Hoàng Mười

      

Sự tích Quan Hoàng Mười ba lần giáng thế

Theo truyền thuyết, Ông Hoàng Mười là con thứ mười của Đức Vua cha Bát Hải Động Đình. Theo lệnh, ông giáng trần để giúp dân. Ông Hoàng Mười không chỉ vì ông là con trai thứ mười mà ông là người tài đức vẹn toàn, văn võ song toàn (“mười” mang ý nghĩa tròn đầy, viên mãn). Không những là vị tướng xông pha chinh chiến nơi trận mạc, ông còn là người rất hào hoa phong nhã, giỏi thơ phú văn chương. Với truyền thuyết về vị tướng “Tài đức vẹn toàn”.

 

Văn khấn Quan Hoàng Mười

Quan Hoàng Mười vị thánh hoàng linh thiêng nhất đất Nghệ An

Tiệc vui ông về bút phê sớ hồng – Văn Quan Hoàng Mười

Tướng quân Nguyễn Xí là hiện thân của Quan Hoàng Mười

Sự tích này kể rằng, Quang Hoàng Mười ngài giáng thế làm tướng quân Nguyễn Xí người có công xông pha chinh chiến giúp vua Lê Thánh Tông dẹp giặc nhà Minh. Tướng Nguyễn Xí được vua trọng dụng, giao cho trấn giữ vùng đất quê nhà Nghệ An, Hà Tĩnh.

nguyễn xí

Tại nơi đây ông luôn hết lòng vì dân, lo cho dân. Ông đã từng mở kho cứu trợ tiếp tế, sai quân đốn gỗ làm nhà cho dân khi vùng này gặp hoạn nạn thiên tai. Trong một lần đi thuyền trên sông, thuyền của ông bị nhấn chìm bởi một trận phong bão và ông đã hóa ngay trên dòng sông Lam. Dân chúng biết tin liền đến bên đôi bờ sông Lam mà tỏ lòng thương tiếc, người người khóc thương vị quan hết lòng vì dân

Lúc đưa tiễn ông, bầu trời đang cơn cuồng phong bão táp bỗng chốc tan biến, nổi áng mây vàng ngũ sắc, thi thể của ông nổi lên mặt nước, sắc mặt hồng hào như người nằm ngủ. Khi dạt vào bờ, đất xung quanh bỗng bao bọc lấy di quan. Cùng lúc, trên nền trời bỗng xuất hiện mây ngũ sắc, kết thành xích mã (có bản nói là xích điểu), người ta tin rằng đây chính là các thiên binh thiên tướng đang xuống để rước ông về trời.

Vua Lê Thánh Tông hết lòng thương tiếc vị tướng tài, liền truy tặng ông hàm Thái sư cường quốc công và sai lập đền thờ ở Thượng Xá. Cảm kích trước tấm lòng đức độ của tướng Nguyễn Xí, người dân vùng này tôn ông làm Ông Mười (còn gọi là Ông Mười Củi). Với ý nghĩa số “mười” mang sự vẹn toàn đầy đủ, viên mãn, cũng giống như ông Mười là người văn võ song toàn, tài đức trọn vẹn. Mặt khác, ông cũng là người con thứ Mười của Đức Vua Bát Hải Động Đình. Sau này ông lại được các triều đại phong kiến của Việt Nam tặng nhiều  sắc phong mỹ tự, hiện còn 21 sắc phong của ông được ban tặng đều được lưu giữ tại đền thờ ông.

>>> Xem thêm:

                 Đền Quan Hoàng Mười ở đâu ?   

                 Sự tích Quan Hoàng Chín Cờn Môn và đền thờ quan     

                 Thập vị Quan Hoàng trong tín ngưỡng thờ Mẫu

Quan Hoàng Mười giáng thế làm tướng Lê Khôi

Một sự tích khác cho rằng, Quan Hoàng Mười  hiện thân làm tướng Lê Khôi một khai quốc công thần của nhà Lê Sơ cũng là tướng lĩnh trong cuộc chiến Lam Sơn lẫy lừng. Sử sách còn ghi tướng Lê Khôi là cháu ruột của vua Lê Lợi, ông được vua giao chức trấn thủ Hóa Châu. Vừa hết lòng trấn thủ, giúp vùng an yên ấm no, ông còn luôn đem quân tiếp ứng cho vua dẹp loạn quân Bế Khắc Thiệu, quân Chiêm Thành,… và lập được nhiều công lao to lớn.

Trận đánh ải Khả Lưu, Lê Khôi cùng Lê Sát xông lên trận tiền, bắt sống đô đốc Chu Kiệt, chém tướng Hoàng Thành. Ông lại cùng Phạm Vấn, Lê Sát phá giặc Minh ở thành Xương Giang, bắt sống Hoàng Phúc và Thôi Tụ, dẹp yên giặc Ngô, khôi phục Đông Đô.

  • Năm Thuận Thiên thứ nhất 1428, ông được phong Bảo Chính công thần nhập nội thiếu úy.
  • Năm Thuận Thiên thứ 2 khắc biển công thần, đứng hàng thứ 2 trong bảng Đình Thượng hầu thập tứ nhân.
  • Năm Thuận Thiên thứ ba 1430, Thái Tổ Lê Lợi sai Lê Khôi trấn giữ châu Thuận Hóa, vì người Man quấy phá. Lê Khôi vào đây, dỡ bỏ trạm gác, dạy bảo dân trồng dâu cày ruộng, ngày đêm tập luyện quân sĩ, giữ vững bờ cõi biên cương. Lấy nhân đức cai trị. Đánh nhiều trận, bắt nhiều giặc, nhưng ông đều đối đãi tử tế, tha cho về. Giặc Chiêm vừa sợ vừa mến đức ông. Cống sứ Chiêm ra Bắc, đều ghé thăm ông. Cũng năm đó, Bế Khắc Thiệu, Nông Đức Thái bạo loạn ở Thanh Lâm, Thái Nguyên, Lê Khôi đem quân hợp binh cùng Lê Lợi đánh, bắt bọn Thiệu. Vua Lê tặng kim phù và áo bào.
  • Năm Thuận Thiên thứ sáu, vua bệnh nặng, gọi Lê Khôi vào cung, bàn việc truyền ngôi cho Nguyên Long. Ông một lòng giúp Lê Thái Tông việc nước.
  • Năm Thiệu Bình thứ tư 1437, Lê Thái Tông cho ông làm Nhập nội tư mã, tham dự chính sự, coi việc quân ở đạo Hải Tây (Thanh Hóa, Nghệ An, Tân Bình và Thuận Hóa).
  • Đến năm Thiệu Bình thứ sau 1439, Lê Khôi đánh Ai Lao, bắt sống tướng Man là Đạo Mông.
  • Năm Đại Bảo thứ nhất 1440, theo vua đánh Thuận Hóa.
  • Năm Đại Bảo thứ hai, ép tù trưởng Man Nghiễn ra hàng. Khuất phục Thuận Hóa. Công lao quá lớn, được phong Nhập nội đô đốc. Phạm việc nhỏ to, vua đều hỏi ông mới quyết định.
  • Sau này, vì việc riêng, mà ông bị cách chức. Ông về nhàn cư ở nhà, vui vầy với dân làng, không bất mãn oánh trách.

Lê Nhân Tông lên ngôi, coi ông là bậc nguyên thần cũ, nên năm Thái Hòa thứ nhất 1448, vời ông ra làm Nhập nội thiếu úy, coi việc phủ Nghệ An.

Sử chép, khi Lê Khôi quay về trấn Nghệ An, nhân dân đứng đón ông chật hai bên đường. Chỉ vài năm chính sự được công bằng, kiện cáo được xét xử thỏa đáng, mùa màng tốt tươi, dân yên vật thịnh, tiếng ca tụng ân đức của ông lan truyền từ thành thị đến làng xã ngõ vắng. Tính ông bình dị, gần dân nên được nhân dân cả vùng yêu mến tin tưởng.

  • Năm Thái Hòa thứ hai 1449, chúa Chiêm Thành là Bí Cái dốc hết lực lượng trong nước ra cướp thành Châu Hóa.
  • Năm Thái Hòa thứ ba lại đem quan đánh thành An Dung (thuộc Châu Hóa). Lê Nhân Tông sai quan tư đồ Lê Thận (Nguyễn Thận), đô đôc Lê Xí (Nguyễn Xí) đem quân đánh dẹp, sai Lê Khôi đem quân đi tăng viện. Chiêm Thành thua to phải bỏ chạy về nước. Vua phong Lê Khôi là Nhập nội tham dự việc quan trọng triều chính, nhưng vẫn giữ trấn Nghệ An.
  • Năm Thái Hòa thứ tư 1451, Lê Nhân Tông sai đô đốc Lê Khả (Trịnh Khả) đánh dẹp phương Nam, Lê Khôi đem quân bản bộ tiến trước. Khi đến đất địch, tướng giặc biết có quân Lê Khôi bè gọi sang hỏi: “Có phải Tư Mã đến đấy không?”. Ông bèn bỏ mũ trị ra cho giặc nhìn thấy mặt. Giặc đều xuống ngựa lạy xin hàng, nộp cống vật địa phương. Quân Lê Khôi đi đến đâu giặc tan đến đó. Ông đánh vào tận thành Đồ Bàn, bắt chúa Chiêm là Bí Cái, rồi mới thu quân về.

Trên đường về, Lê Khôi bị bệnh nặng và mất ở chân núi Long Ngâm, gần cửa biển Nam Giới, tức địa danh Hà Tĩnh, cách không xa Hưng Nguyên thuộc Nghệ An bây giờ. Quân sĩ thương xót, kêu khóc vang trời dậy đất, vua bỏ triều ba ngày, sai quan đến phúng điếu, tăng chức Nhập nội đô đốc.

Tướng quân Lê Khôi hiện thân của Quan Hoàng Mười

Tướng quân Lê Khôi hiện thân của Quan Hoàng Mười

Các tài liệu cổ cũng như dân gian ở Thọ Xuân còn ghi rõ, người dân đất Hoan Châu (Nghệ An) bây giờ thương tiếc và nhớ ân đức của ông nên lập miếu thờ phụng.

  • Lê Khôi là người làng Lam Sơn (Lương Giang, nay là làng Cham, thị trấn Lam Sơn, Thọ Xuân, Thanh Hóa). Ông là em Thái úy Lê Khang, con Hoàng Dụ Vương Lê Trừ, gọi Lê Thái Tổ là chú ruột.
  • Năm Quang Thuận thứ tư 1463, triều vua Lê Thánh Tông, con trai ông làm nhập nội Đại hành khiển tâu xin dựng bia ở Nam Giới (Hà Tĩnh giờ) để ghi sự tích. Vua sai thượng thư Nguyễn Như Đỗ soạn văn bia để khắc và được tấn phong Chiêu Trưng Vương.

Ở Nghệ Tĩnh (Nghệ An và Hà Tĩnh ngày nay) có tới 7 ngôi đền thờ Quan Hoàng Mười (chỗ ông Lê Khôi khi mất), còn Hưng Thịnh (Hưng Nguyên, Nghệ An), thì có một ngôi đền rất to. Đền này xây dựng về sau, từ năm 1634, mãi gần 200 năm sau khi tướng Lê Khôi mất. Đền đổ nát, đến tận 1995 mới xây dựng lại, được thổi lên nhiều huyền thoại mới nổi tiếng như hiện nay.

Sự tích Quan Hoàng Mười giáng thế làm Lý Nhật Quang

Một dị bản giải thích cho sự tích Quan Hoàng Mười ghi chép rằng, ông hóa thân làm Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, là con trai thứ 8 của vua Lý Thái Tổ. Lý Nhật Quang là anh em cùng cha khác mẹ với vua Lý Thái Tông.

Từ nhỏ, Lý Nhật Quang nổi tiếng thông minh lỗi lạc, được vua cha dạy bảo nghiêm minh để trở thành rường cột nước nhà. Lớn lên, ông được cử vào châu Nghệ An lo việc thu thuế. Ông làm việc cần mẫn, thanh liêm, chính trực, được nhân dân tin tưởng và sau đó được phong chức tri châu Nghệ An. Nhờ có ông, cuộc sống ở Nghệ An đang hỗn loạn, phức tạp trở thành nơi có kỷ cương phép tắc, bách tính ổn định sinh sống.

Không những vậy, Lý Nhật Quang còn góp công không nhỏ trong việc xây dựng trại Bà Hòa. Nhờ có trại kiên cố vững chắc, vua và quân yên tâm chiến đấu và đã đánh chiếm được Chiêm Thành.

Được vua phong tước Vương, ông vẫn hết sức quan tâm đến cuộc sống người dân và sự phát triển kinh tế đất nước. Ông đã hướng dẫn nhân dân dệt lụa, dệt vải, làm nông,… và trở thành tổ sư của nhiều nghề thủ công nghiệp tại Nghệ An. Với con mắt của danh tướng có tầm nhìn chiến lược sâu sắc, ông đã trấn an lòng dân, khai đất khẩn hoang, tạo dựng các tiềm năng thế mạnh để giữ gìn và phát triển bờ cõi đất nước.

Lý Nhật Quang

Tượng thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang.

Khi mất, ông được nhân dân hai vùng Nghệ An, Hà Tĩnh lập đền thờ phụng ở rất nhiều nơi để bày tỏ công ơn, ghi dấu sự tích đền ông Hoàng Mười.

Trên đây, ban biên tập xin đưa ra ba sự tích về Quan Hoàng Mười, chúng tôi không bình luận cái nào đúng và cái nào sai, mà chỉ là tổng hợp lại những quan điểm hiện đang còn lưu truyền trong dân gian về vị thánh hoàng nổi tiếng lừng danh bậc nhất trong tứ phủ này.

Hầu giá Quan Hoàng Mười

Quan Hoàng Mười được coi là một trong hai vị Quan Hoàng hay về ngự đồng nhất, do ông là người được  Mẫu giao đi chấm lính nhận đồng. Những người sát căn ông Mười thì thường hào hoa phong nhã, văn võ song toàn đặc biệt là văn chương rất giỏi. Khi ngự về đồng, ông thường mặc áo vàng có thêu rồng uốn lượn thành chữ Thọ. Đầu đội khăn xếp thắt lét vàng, kim cài lệch màu vàng kim. Ông ngự về tấu hương rồi khai quang. Sau đó, ông múa cờ chinh chiến, có khi lại ngâm thơ, cũng có lúc ông lại lấy dải lụa vàng như đang cùng người dân kéo lưới trên sông Lam, tượng trưng cho việc kéo tài lộc về cho bản đền. Giống như ông Bảy, ông Mười cũng cầm cây hèo cưỡi ngựa đi chấm đồng.

Quan Hoàng Mười

Khi lễ ông, người ta thường dâng đọi chè xanh, miếng trầu, thuốc lá là những đặc sản quê hương Nghệ An để ông ngự vui, cùng những điệu hò xứ Nghệ mượt mà say đắm dâng ông.

>>> Xem thêm Bản văn Quan Hoàng Mười : Tiệc vui ông về bút phê sớ hồng – Văn Quan Hoàng Mười

>>> Nhấn Subscribe để theo dõi các video về Phủ Dầy Nam Định tại kênh: Phủ Dầy Nam Định Official 

Có thể bạn quan tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *