Liên hoan nghệ thuật hát Chầu Văn tại Lễ hội Phủ Dầy năm 2024

Trong khuôn khổ các hoạt động Lễ hội Phủ Dầy năm 2024, sau lễ khai mạc Lễ hội Phủ Dầy năm 2024, vào sáng ngày 12 tháng 4 (tức ngày mùng 4 tháng 3 âm lịch), Ban tổ chức Lễ hội Phủ Dầy của huyện Vụ Bản tổ chức Liên hoan nghệ thuật Chầu văn tại Phủ Chính và Phủ Vân Cát.

Đến tham dự Liên hoan nghệ thuật Chầu văn tại Phủ Chính và Phủ Vân có NSƯT Nguyễn Thị Diệu Hằng, Giám đốc Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Nam Định; đại diện lãnh đạo phòng Văn hóa và Thông tin huyện; Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện; các Thành viên Ban giám khảo hội thi Hát chầu văn lễ hội Phủ Dầy; lãnh đạo Đảng ủy, chính quyền, các ban ngành đoàn thể của xã Kim Thái; đại diện thủ nhang của Phủ Chính, Phủ Vân Cát và các diễn viên, nhạc công thuộc các Đền, Phủ thuộc Quần thể di tích lịch sử văn hóa Phủ Dầy.

Liên hoan nghệ thuật hát Chầu Văn tại Lễ hội Phủ Dầy năm 2024

Nghệ nhân ưu tú Trần Kim Huệ – Thủ nhang Phủ Chính Phủ Dầy, Ban tổ chức tặng cờ và chụp ảnh lưu niệm cùng các cung văn tham dự Liên hoan nghệ thuật Hát Chầu văn hội Phủ Dầy năm 2024

Hát văn, chầu văn là loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc của dân tộc gắn liền với sinh hoạt tín ngưỡng thờ Mẫu, trải qua hàng trăm năm, với bao biến cố, thăng trầm, có những lúc tưởng chừng đã mai một. Nhưng hiện nay nghệ thuật hát văn, chầu văn với những giá trị đặc sắc riêng có đã được khôi phục bảo tồn và phát triển. Năm 2016, tổ chức giáo dục, khoa học, văn hóa Liên hợp quốc, UNESCO, đã công nhận thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt, trong đó có nghi lễ hát văn, hầu đồng, là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đó là sự khẳng định những giá trị quý giá của tín ngưỡng thờ Mẫu nói chung, của nghệ thuật hát văn nói riêng trong đời sống xã hội.

Liên hoan nghệ thuật hát Chầu Văn trong lễ hội Phủ Dầy năm 2024 được tổ chức tại khu vực phương du Phủ Chính và Phủ Vân Cát. Trong không gian cổ kính và linh thiêng càng tôn thêm sự trang trọng ý nghĩa của liên hoan, để mọi người cùng hòa mình vào không gian tâm linh, nghệ thuật và diễn xướng truyền thống, để cảm nhận đầy đủ các cung bậc cảm xúc trang trọng, linh thiêng và càng thêm trân trọng những di sản quý báu của ông cha để lại.

Đến với Liên hoan năm nay có 9 cung văn tham gia hát tại Phủ Chính và 6 cung văn tham gia hát tại Phủ Vân Cát. Với 15 tiết mục hát văn như: Chầu Đệ Nhị Thượng Ngàn, Chầu Lục Cung Nương; Chầu Bé; Chầu Bé Thượng; Quan lớn Tam phủ; Quan lớn Đệ Tam; Chúa Đông Cuông, Chúa ThácBờ… Các tiết mục được cung văn sử dụng thủ pháp tự sự trữ tình thể hiện qua lối hát Văn và hát chầu dùng trong nghi lễ, các làn điệu với kỹ thuật nẩy hạt, thô mộc, giản dị, đậm chất dân giã của âm nhạc cổ truyền trước đây nhưng cũng khéo kết hợp tính hoa mỹ, tinh tế với âm lượng và câu chữ của Chầu văn và dân ca của dân tộc. Chính vì vậy, nghệ thuật hát Chầu Văn mang một giá trị văn hóa tinh thần cao đẹp, đó là tinh hoa văn hóa được chắt lọc qua suốt chiều dài lịch sử, là biểu tượng cho sức mạnh cộng đồng, cho sự sáng tạo và phát triển không ngừng của dân tộc Việt Nam. Với ý nghĩa cao đẹp đó, Liên hoan nghệ thuật hát Chầu Văn là một nội dung quan trọng không thể thiếu trong Lễ Hội Phủ Dầy hàng năm.

Liên hoan nghệ thuật Chầu văn tại Lễ hội Phủ Dầy với mục tiêu tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại; đồng thời, tôn vinh, quảng bá và phát huy các giá trị nghệ thuật của loại hình hát văn, hát chầu văn; tạo cơ hội để các cung văn, thanh đồng, đạo quan gặp gỡ, học tập, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm; giới thiệu với công chúng, du khách về di sản văn hoá phi vật thể của địa phương./.

Kính mời quý vị cùng đón xem live tại fanpage Facebook Phủ Dầy-Vụ Bản-Nam Định

Có thể bạn quan tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *