Giá trị lịch sử văn hóa quần thể di tích Phủ Dầy

Quần thể di tích Phủ Dầy ở xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Ðịnh có hơn 20 di tích, trong đó ba di tích chính là hai phủ Tiên Hương, Vân Cát và Lăng Mẫu đã được cấp Bằng Di tích LSVH quốc gia từ năm 1975. Gắn liền với di tích LSVH Phủ Dầy là Lễ hội Phủ Dầy nhằm tôn vinh Thánh Mẫu Liễu Hạnh, một biểu tượng trong “Tứ bất tử” thuộc tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

Ngày 9-9-2013, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 30884/QÐ-BVHTTDL công nhận có Lễ hội Phủ Dầy là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Quần thể Phủ Dầy

Phủ Chính Tiên Hương di tích quan trọng bậc nhất trong Quần thể Phủ Dầy

Phủ Dầy mảnh đất giàu truyền thống lịch sử văn hóa

Vụ Bản là một huyện hình thành sớm trong tỉnh Nam Ðịnh, có lịch sử lâu đời và truyền thống cách mạng vẻ vang. Thuở Hùng Vương dựng nước, là bộ Bình Chương (một trong 15 bộ của nước Văn Lang). Là miền đất cổ, huyện Vụ Bản giàu truyền thống LSVH, có nhiều danh nhân nổi tiếng như Trạng nguyên Lương Thế Vinh; nhà cách mạng Trần Huy Liệu; nhạc sĩ Văn Cao; nhà thơ Nguyễn Bính; ba anh em nhà văn, nhà thơ Vũ Cao, Vũ Ngọc Bình và Vũ Tú Nam; nhà nông học Bùi Huy Ðáp… Vụ Bản còn là miền quê của thi ca như nhà thơ Nguyễn Bính viết “Trong bụng  mẹ đã từng mê tiếng hát/Nên quê tôi ai cũng biết làm thơ”; của hát chầu văn kết hợp múa được sử dụng nhiều trong hoạt động tín ngưỡng – đây là hình thức sinh hoạt tôn giáo mà múa, hát, nhạc đã tạo niềm phấn khích đưa con người hợp nhất với thần linh.

Về đời sống tinh thần và tâm linh,  ở Vụ Bản còn lưu giữ nhiều sinh hoạt tín ngưỡng nguyên sơ, đậm nét bản sắc văn hóa dân tộc. Nhiều thôn, làng còn lưu tồn tục thờ các thế lực siêu nhiên có tác động đến đời sống con người. Nhưng phần lớn cộng đồng cư dân ở đây thường thờ những người có công với nước, giúp dân mở mang hương ấp, dắt dẫn dân sản xuất, mở mang văn hóa; các vị thần bảo vệ dân trước thiên tai, địch họa, chống giặc ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập dân tộc. Ðó là tục thờ thần Bắc Nhạc, Ðông Hải, Tây Hải (là ba trong số 50 người con của Mẹ Âu Cơ theo Cha Lạc Long Quân xuống biển); thờ các thần trông coi mùa màng như Thần Nông, Hậu Tắc, Câu Mang, thần mây mưa, sấm sét… Trong đó đặc sắc, tiêu biểu nhất là thờ Mẫu Liễu Hạnh, trung tâm của đạo Tam phủ, Tứ phủ ở quần thể di tích LSVH Phủ Dầy.

Ðặc sắc Lễ hội Phủ Dầy

Theo các tài liệu nghiên cứu, hai phủ Tiên Hương, Vân Cát được xây dựng sớm nhất, vào thời Hậu Lê – thế kỷ 17; cùng với đó, dân làng Kim Thái mở hội tưởng nhớ ngày Giáng Tiên về Thượng giới của Mẫu Liễu Hạnh (ngày mồng ba tháng ba âm lịch hằng năm). Lễ hội được mở rộng phạm vi, quy mô gắn liền với công lao của Vương phi Trần Thị Ngọc Ðài (1577 – 1669), người tổng Ðồng Ðội, huyện Thiên Bản (nay là xã Cộng Hòa, huyện Vụ Bản). Bà là người đã xin chúa Trịnh miễn cho dân làng mình không phải đi lao dịch đắp đê ở kinh thành. Nhớ lời bà dặn, khi về qua Phủ Dầy dân làng làm lễ tạ Thánh Mẫu Liễu Hạnh bằng cách xếp cuốc xẻng thành chữ “Cung tạ”. Từ đó “Hoa trượng hội” (còn gọi là hội Kéo chữ) ra đời và trở thành một hoạt động tiêu biểu trong Lễ hội Phủ Dầy (có phát triển thêm các chữ “Quốc thái dân an”, “Thiên hạ thái bình”), được duy trì đến ngày nay.

Năm 1936, Hội Kinh Xuân Phổ Hóa (Huế) xin triều đình nhà Nguyễn cho phép khai thác, vận chuyển đá từ núi Nhồi (Thanh Hóa) về xây dựng Lăng Mẫu (Lăng Bà Chúa Liễu Hạnh). Hai năm sau, Lăng Mẫu được hoàn thành. Cùng với đó, một số di tích khác ở hai thôn Tiên Hương, Vân Cát (thuộc xã Kim Thái) cũng được nhân dân xây dựng, trùng tu và rước thần vị của các vị thần trong hệ thống Tứ phủ vào thờ. Phủ Dầy trở thành trung tâm của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ. Trong đó hai phủ Tiên Hương, Vân Cát và Lăng Mẫu là di tích hạt nhân.

Lễ hội Phủ Dầy có lịch sử lâu đời gắn liền với tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, do cộng đồng sáng tạo. Trải qua nhiều thế hệ, các giá trị truyền thống đó được bồi đắp, kết tinh, hội tụ và lan tỏa ra mọi miền quê trong cả nước. Về phương diện văn hóa, Lễ hội Phủ Dầy mang giá trị nhân văn sâu sắc, đặc biệt coi trọng quyền năng sáng tạo, sinh sản của người Mẹ; lấy hình tượng Mẹ (Mẫu) để tôn thờ, gửi gắm vào đó những ước vọng tốt đẹp, sự bao dung, che chở trong cuộc sống. Tình yêu Mẹ, trở thành cội nguồn, gắn liền với tình yêu quê hương, đất nước, thiên nhiên, giúp con người tin tưởng vào cuộc sống tươi đẹp từ đó sống có ý thức, trách nhiệm với cộng đồng.

Lễ hội Phủ Dầy với các hình thức sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh phong phú, độc đáo như nghi lễ chầu văn hầu đồng, rước thỉnh kinh, Hoa trượng hội (Kéo chữ), cờ người, cờ hoa đăng, hát xẩm; diễn ra trong không gian thiêng với cảnh quan sơn thủy hữu tình đã tạo nên một bức tranh tổng thể đa mầu sắc về đời sống văn hóa tinh thần của làng quê Việt Nam. Ðây chính là giá trị nhân văn sâu sắc giúp con người hướng tới những giá trị chân – thiện – mỹ. Cùng với quần thể di tích kiến trúc độc đáo, Lễ hội Phủ Dầy là một kho tàng di sản văn hóa phản ánh phong tục, tập quán, tín ngưỡng, nghệ thuật, thẩm mỹ thể hiện tư duy, nhận thức về nhân sinh quan, thế giới quan của cộng đồng dân cư, góp phần nghiên cứu đời sống văn hóa, xã hội truyền thống của làng quê Việt Nam.

Quần thể di tích lịch sử văn hóa Phủ Dầy

Lễ hội tại Quần thể Phủ Dầy

Ðể Lễ hội Phủ Dầy xứng tầm lễ hội cấp quốc gia

Sau 20 năm, được Nhà nước cho phép mở hội trở lại, chương trình Lễ hội Phủ Dầy đã được xây dựng, bổ sung ngày càng hoàn thiện phong phú và hài hòa giữa phần lễ với phần hội. Lễ hội Phủ Dầy là một trong năm lễ hội truyền thống trong cả nước, thu hút đông đảo du khách về du xuân, tham quan và lễ Mẫu.

Huyện ủy, UBND huyện Vụ Bản tăng cường sự chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND xã Kim Thái về bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội gắn liền với bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa của quần thể di tích Phủ Dầy; bảo đảm việc tổ chức lễ hội an toàn, tiết kiệm; khuyến khích các thành phần kinh tế, các tổ chức, cá nhân tham gia lễ hội nhằm tôn vinh, quảng bá, tạo điều kiện phát triển du lịch tâm linh; thực hiện việc quản lý lễ hội, di tích bảo đảm chặt chẽ, theo đúng Luật Di sản văn hóa, ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực.

Trước khi vào mùa lễ hội hằng năm, UBND huyện Vụ Bản xây dựng Kế hoạch tổ chức lễ hội báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Nam Ðịnh, Cục Văn hóa cơ sở và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nam Ðịnh. Ðồng thời thành lập Ban tổ chức lễ hội, Ðoàn kiểm tra liên ngành hoạt động tại lễ hội với quyết tâm tổ chức lễ hội vui tươi, lành mạnh, an toàn và tiết kiệm. Ðồng thời tăng cường các hoạt động văn hóa, tôn trọng văn hóa dân gian truyền thống. Ðặc trưng của Lễ hội Phủ Dầy là lễ hội tâm linh, đầu xuân mọi người đi hội là để cầu may mắn, hạnh phúc cho cả năm và có tính hướng thiện cao. Du khách đến với Lễ hội Phủ Dầy còn là về với Mẹ (Mẫu) để được tiếp thu những ảnh hưởng về đức tính cao quý của “Người Mẹ” đã in sâu vào tiềm thức của mỗi người con đất Việt.

Việc tổ chức và quản lý Lễ hội Phủ Dầy đã góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tinh thần độc đáo của đất nước và quê hương; đáp ứng nhu cầu về văn hóa tín ngưỡng, tâm linh, tham quan du lịch của nhân dân địa phương cùng đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Ðồng thời khẳng định hướng đi đúng trong việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” tại địa phương. Lễ hội Phủ Dầy diễn ra theo đúng quy định của Nhà nước, thực hiện đầy đủ nội dung chương trình lễ hội; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn cho các đối tượng tham gia lễ hội; tôn trọng tự do tín ngưỡng của nhân dân, chống mê tín dị đoan; tổ chức dịch vụ thuận lợi, quản lý chặt chẽ các hoạt động dịch vụ và các nguồn thu góp phần tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương; giữ gìn nét đẹp văn hóa trong lễ hội.

Năm 2013, Nghi lễ hát Chầu văn của người Việt, Lễ hội Phủ Dầy ở Nam Ðịnh đã được công nhận là hai Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội Phủ Dầy

Giá trị văn hóa của Quần thể di tích phủ dầy

Ðể Lễ hội Phủ Dầy xứng tầm lễ hội quốc gia, tỉnh Nam Ðịnh, huyện Vụ Bản đang tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất (nhất là đường giao thông, bến bãi); quy hoạch không gian tổ chức lễ hội, tạo cảnh quan môi trường “sáng – xanh – sạch – đẹp” cho quần thể di tích; quan tâm bồi dưỡng kiến thức pháp luật trong lĩnh vực quản lý di sản văn hóa cho các thủ nhang, đồng đền và cộng đồng để họ thật sự là chủ nhân giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản. Ðồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu quảng bá hình ảnh lễ hội, các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của quần thể di tích LSVH Phủ Dầy trên các phương tiện thông tin đại chúng để du khách đến với lễ hội hiểu biết sâu sắc hơn những nét độc đáo, đặc sắc của Lễ hội Phủ Dầy.

Với phương châm: “Tạo không khí vui tươi, phấn khởi, an toàn, lành mạnh và tiết kiệm; góp phần quảng bá hình ảnh quần thể di tích và Lễ hội Phủ Dầy trên cả nước và quốc tế, tạo điều kiện phát triển du lịch lễ hội tâm linh”, huyện Vụ Bản đang tập trung thực hiện một số công việc cụ thể sau:

– Rà soát lại quá trình thực hiện lễ hội trong 20 năm qua, để bổ sung hoàn thiện quy trình tổ chức và quản lý lễ hội hợp lý, có sự tham gia của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở và của cả cộng đồng.

– Tăng cường đoàn kết nội bộ, chỉ đạo chặt chẽ việc phối hợp của các cơ quan, đoàn thể, đơn vị trong huyện cùng tham gia. Trong đó, Phòng Văn hóa thông tin giữ vai trò làm tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện Vụ Bản về tổ chức, quản lý lễ hội.

– Giao UBND xã Kim Thái trực tiếp quản lý lễ hội dưới sự hướng dẫn chuyên môn của Phòng Văn hóa thông tin; có quy định cụ thể về trách nhiệm của thủ nhang, đồng đền trong việc trông coi bảo vệ di tích và tham gia lễ hội.

– Tăng cường lực lượng an ninh, y tế, thanh tra văn hóa nhằm bảo đảm an ninh trật tự;  an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường và sức khỏe cho mọi đối tượng tham gia lễ hội; kiểm soát thị trường kinh doanh, dịch vụ thương mại và văn hóa phẩm, phát hiện và xử lý kịp thời những hiện tượng tiêu cực, lợi dụng tín ngưỡng, mê tín dị đoan.

TRẦN ANH DŨNG

Bí thư Huyện ủy Vụ Bản

>>> Xem thêm: Phủ Chính Tiên Hương    >>> Phủ Bóng Nguyệt Du Cung    >>> Phủ Vân Cát

>>> Nhấn Subscribe để theo dõi các video về Phủ Dầy Nam Định tại kênh: Phủ Dầy Nam Định Official – YouTube

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *