Phủ Vân Cát

Phủ Vân Cát là một công trình di tích lịch sử quan trọng trong hệ thống các di tích thuộc Quần thể Phủ Dầy, bên cạnh Phủ Chính Tiên Hương và lăng Mẫu Liễu Hạnh. Năm 1975, Phủ Vân Cát đã được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia nhờ những giá trị lịch sử và văn hóa tâm linh của dân tộc.

Nằm ở phía Bắc thôn Vân Cát thuộc xã Kim Thái, cách Phủ Chính chừng 1 km về phía Tây Nam, Phủ Vân Cát được xây dựng trên một khu đất rộng khoảng 1 hecta, quay về hướng Tây nhìn dãy núi Tiên Hương (núi Ngăm). Phủ Vân Cát là một trong những phủ chính thuộc khu di tích Phủ Dầy. Từ Phủ Chính Tiên Hương đi thẳng tới Ủy ban nhân dân xã Kim Thái, rẽ bên phải đi tới lăng Mẫu, còn đi về bên trái là đi tới Phủ Vân Cát.

Phủ Vân Cát

Toàn cảnh Phủ Vân Cát

Từ ngoài vào, phía trước phủ Vân Cát là hồ bán nguyệt xây bằng đá xanh, đây là đặc trưng của các phủ tại quần thể Phủ Dầy. Giữa hồ bán nguyệt có một phương du nằm ở ngay chính giữa và có hai cầu đá dẫn lối lên xuống. Phương du gồm có ba gian làm bằng gỗ lim, mái có góc uốn cong, xung quang lan can thấp ghép bằng những tường hoa đá.

Trên tường trang trí bằng những mảng phù điêu chạm khắc một số loài hoa và những con lân, con voi, hổ. Phương du có bốn mặt thoáng, là nơi khách đứng xem kéo chữ, tổ chức hát văn vào ngày hội.

 

Từ cổng bước vào là Ngũ Vân Lâu, gác chuông với 5 cổng lớn xây dựng từ thời vua Tự Đức.

Bên trong phủ Vân Cát cũng có 4 cung thờ. Cung Đệ nhất và cung Đệ nhị đều được xây dựng ba gian, được tôn tạo và mở rộng từ đời Tự Đức năm Kỷ Mão (1879). Cả hai cung này đều bị giặc Pháp phá hủy bằng ném bom, năm 1959 dân làng xây dựng lại cung Đệ nhất còn cung Đệ nhị mới được tôn tạo lại vào năm 1992.

Cung đệ nhất là chính cung khép kín thờ Tam tòa Thánh Mẫu, tượng bằng đồng gồm có Mẫu Đệ nhất Thượng Thiên ngồi giữa, Mẫu Thượng Ngàn ngồi bên trái và Mẫu Đệ tam thoải phủ ngồi bên phải.

Cung đệ nhị thờ Tứ vị chầu Bà và Tam tòa Quan lớn, đặc biệt có hai khám thờ hai bên thờ Ông Hoàng Mười bên phải và thờ Ông Hoàng Bảy bên trái

 

Cung đệ tam, tại đây có thờ Công đồng tứ phủ, cung này cũng có ban thờ Bà chúa bản đền.

Cung đệ tứ hay còn gọi là tòa Bái Đường, cung này có thờ Quan Giám sát

Trong phủ cũng có cung cấm thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, nơi đây theo truyền thống chỉ những ngày lễ trọng đại hoặc khai hội mở đền mới mở phủ và rất ít khi được phép ra vào.

Trong phủ có nhiều dấu tích các câu đối hoành phi, câu đối, đại tự có giá trị.

Ngoài ra, nét độc đáo còn nằm ở văn bia cùng ngũ vân lâu ngay tại mặt chính trước cửa phủ Các công trình bố trí chặt chẽ tạo thành thể thống nhất, giữ lại nét giá trị từ ngày đời nay. Cùng với hệ thống đồng trụ tường hoa khiến tổng công trình nội trùng thiềm, ngoại chữ quốc ở đây bố cục chặt chẽ – là di tích xếp hạng di tích lịch sử quốc gia

 

Văn bia được đặt ở Ngũ Vân Lâu trước phủ Vân Cát do Tổng tài quốc sư quán đời Nguyễn là Cao Xuân Dục soạn năm Thành Thái Tân Sửu (1901) viết về quá trình xây dựng phủ Vân Cát: “ …Khoảng đời Cảnh Thịnh (1794 – 1800) hội nguyên Trần Gia Du, thiếu tả giám Trần Công Bản đã mở rộng ra. Đến năm Kỷ Mão (1879) đời Tự Đức, quan huyện Lê Kỳ đã sửa lợp lại. Năm Thành Thái thứ 10 (1898) đền phủ bị hư hại nhiều vì mưa gió nên các quan huyện… cùng các bậc thân hào đứng ra sửa. Đến năm Thành Thái thứ 12 (1900) thì hoàn thành.”

Thủ nhang Phủ Vân Cát Trần Văn Cường loan giá thực hiện nghi thức hầu Mẫu

Phủ nằm giữa đền làng Vân Cát và chùa Long Vân nơi thờ Phật, vì thế tạo nên một quần thể thờ Phật-Mẫu-Thần. Cùng với Phủ Tiên Hương và lăng Mẫu Liễu Hạnh, phủ Vân Cát đã được Nhà nước xếp hạng cấp quốc gia từ năm 1975 nhờ những giá trị lịch sử và văn hóa tâm linh của dân tộc.

>>> Xem thêm: Phủ Tiên Hương

>>> Nhấn Subscribe để theo dõi các video về Phủ Dầy Nam Định tại kênh: Phủ Dầy Nam Định Official – YouTube

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *