Phủ Chính Tiên Hương

Phủ Chính Tiên Hương hay còn gọi là Phủ Tiên Hương nằm ở xóm 1 thôn Tiên Hương xã Kim Thái, Vụ Bản  Nam Định. Là một trong ba địa danh nổi bật trong quần thể di tích lịch sử văn hóa Phủ Dầy  hàng năm thu hút hàng ngàn khách tham dự.

Phủ Chính Tiên Hương ở đâu ?

Phủ Chính Tiên Hương hay còn gọi là Phủ Tiên Hương nằm ở xóm 1 thôn Tiên Hương xã Kim Thái, Vụ Bản  Nam Định. Là một trong ba địa danh nổi bật trong quần thể di tích lịch sử văn hóa Phủ Dầy  hàng năm thu hút hàng ngàn khách tham dự.

Kiến trúc Phủ Chính Tiên Hương

Với thế ngự  quay mặt theo hướng Tây Nam, chỉ cách đường tỉnh lộ 56 khoảng 500 mét và cách núi Tiên Hương khoảng chừng 1 km. Theo quan niệm dân gian, Phủ Chính Tiên Hương được xây dựng trên một thế đất đẹp, Phủ nằm trên đầu con rồng, với hồ bán nguyệt xây dựng ngay trước Phủ là hàm rồng, phía Nam có một con lạch chạy dài là vòi rồng.

Phủ Chính Tiên Hương hay còn gọi là Phủ Tiên Hương

Không gian Phủ Chính Tiên Hương hay còn gọi là Phủ Tiên Hương

Với tổng cộng 19 tòa cùng 81 gian lớn nhỏ, cao thấp khác nhau, nhưng xây với nguyên tắc rất cân đốì hài hòa, có quy hoạch chính – phụ, cao thấp hợp lý, tạo được không gian thoáng đãng mà vẫn được trang nghiêm nơi thờ cúng. Nếu nhìn tổng thể, từ  bên ngoài vào là một hồ nước rồi đến ba tòa phương đình, một hồ bán nguyệt và đến công trình chính (bốn lớp cung). Hai bên công trình chính là hai dãy nhà dài chạy suốt nối liền lầu Cô, lầu Cậu với nhà bia, nhà khách, nhà bếp.

Hồ đầu tiên bắt gặp trên đường vào Phủ Chính Tiên Hương được coi là điểm tụ thủy cho thế đất. Giữa hồ có một đảo nhỏ để đặt cột dựng cờ bằng đá. Tiếp đó, một khoảng sân rộng nối với hệ thống nghi môn trụ, trên đỉnh trụ đắp phượng tượng trưng cho không gian, và lân kiểm soát tư cách khách hành hương. Ba tòa nhà dàn ngang phương du ở giữa, hai phương đình hai bên tiếp theo được dựng trên đền cao, xây cất bằng gỗ lim, trống ở bốn phía, mái được làm bằng ngói ống. Cả ba tòa này đều được kiến trúc hai tầng tám mái phản ánh nhận thức về vũ trụ theo dịch học: cả khối nhà như một thể thống nhất tượng trưng cho “thái cực”, hai tầng mái (trên nhẹ là dương, dưới nặng là âm) tức “lưỡng nghi” do thái cực sinh ra. Bốn phía tượng trưng cho “tứ tượng”. Tám mái tượng trưng cho “bát quái”. Đó là sự hình thành thế giới đi từ vô hình đến hữu hình. Tám góc đao cong hòa nhập với lối kiến trúc bẩy kẻ, mê cốn tạo nên vẻ thanh thoát cho công trình. Mỗi công trình có hai bậc lên xuống, mỗi bậc có hổ đá chầu ở hai bên.

Phương du gồm 3 gian, còn phương đình hai bên chỉ có một gian, đều được trùng tu năm Bảo Đại thứ 7 (1932). Phía trong phương đình là sân rộng. Giữa sân có hồ bán nguyệt dài 26 mét, kè bằng những viên đá hình lục lăng, có lan can bao quanh. Hai lối lên xuống được xây thành bậc, có tay vịn bằng đá được chạm rồng lượn mềm mại, có vân ám đan xen ở trụ trên, trụ dưới. Phần chính giữa tường hoa bao quanh hồ là một cuốn thư ghi chép lịch sử xây dựng và những người có tâm cúng tiền để xây dựng Phủ.

Hệ thống công trình chính của Phủ Chính Tiên Hương nằm phía trong hồ, còn đối xứng qua hồ ở hai bên công trình chính là nhà bia và lầu Cô (bên phải Phủ), nhà bia và lầu Cậu (bên trái).

Công trình chính gồm có bốn lớp cung bề thế, mái nối mái, nhở dần từ ngoài vào trong, tạo không gian nội thất trong Phủ Tiên Hương rộng phía ngoài và sâu hút phía trong. Cung đệ tứ rộng nhất, dài 20m, rông 9m8, hai hồi bít đốc, lợp ngói âm dương, trên bờ nóc mái cung đều có ngoàm đỡ hoành được nối với nhau thành bộ khung chắc chắn. Các hệ thống kèo, xà ngang, xà dọc, được gia công, soi chả chạm khắc rất công phu với nhiều họa tiết sinh động: dơi, chim, cá, nho, lựu, trúc, hoa sen, hoa cúc. Giữa cột chính với xà ngang các vì có chạm hình cá hoa long mềm mại. Mỗi vì kèo phần trên xà thượng lên đến thượng lương được chạm bong những vân mây và mặt hổ phù cách điệu, các bức cốn, mê nách diễn tả cặp tiền “ngũ phúc”, những trái đào lồng được chạm khắc tinh xảo.

Chính điện Phủ Chính Tiên Hương

Chính giữa cung đệ tứ có nhang án thờ Tứ phủ Công đồng. Một tòa cửu long với 36 ngọn đèn được đặt trước nhang án. Trong cung còn có các kiệu thờ Mẹ và kiệu võng.

Cung đệ tam thấp và hẹp hơn cung đệ tứ, gồm 5 gian, dài 13m, rộng 6m3. Hai sập thờ trong cung chân uốn cong, chạm nổi các mặt hổ phù, hoa lá, bốn góc chạm hình “thao thiết” (nửa mặt hổ phù). Trong cung, có giá để những đồ bát bửu, hai giá chiêng, trống mà thanh giá được tạo bởi hình chạm hai con rồng quay đuôi vào mặt trời ở giữa. Theo quan niệm chung, đây là biểu tượng cầu mưa của cư dân nông nghiệp (gõ vào mặt trống là sấm sét trên bầu trời để gọi mưa).

Cung đệ nhị được xây hẹp lại như kiểu nhà cầu – rộng 2m5, dài 11 m3, nối mái cung đệ nhất với cung đệ tam. Trong cung, có một ban thờ Tứ vị chầu Bà và ba bộ long ngai lớn đặt trên ba sập thờ.

Cung đệ nhất (cung cấm) tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài bởi một hệ thống cửa ngăn với cung đệ nhị, dùng hoàn toàn ánh sáng điện hoặc nến mờ ảo, tạo không gian linh thiêng. Cung này dài 10 m, rộng 7m6, gồm ba gian, là nơi thờ Tam tòa Thánh Mẫu và Tổ Phụ, Tổ Mẫu. Năm pho tượng trong năm khám nhỏ và đặt trong một khám to khảm trai. Mẫu đệ nhất ở giữa, mặc áo đỏ – đồng nhất với Liễu Hạnh. Mẫu đệ nhị Thượng Ngàn – áo xanh và Mẫu đệ tam Thoải Phủ – áo trắng đặt ở hai bên. Nhiều người quan niệm ba pho tượng này đều là Mẫu Liễu phân thân. Nhìn vào đây có thể thấy, tượng Liễu Hạnh vừa là tượng Mẫu, vừa là tượng một nhà sư, lại vừa mang dáng dấp tượng một đạo nhân, và phải chăng đó cũng là một bằng chứng cho thấy sự dung hội giữa đạo Phật, đạo Mẫu và đạo Thần tiên ở Việt Nam.

Cách cấu trúc sâu và hẹp của bốn lớp cung gây ấn tượng cho khách đi lễ bái từ chỗ trần tục đời thường đến chỗ thâm nghiêm linh thiêng. Ba cung sau, hình khắc ít, trang trí chủ yếu bằng các tán lọng, hoành phi câu đối, nón công đồng, các đồ thờ tự, đặc biệt là các bức y môn được chạm trổ cầu kỳ. Y môn chia làm ba ô bằng các gờ nổi trụ lửng kiểu dải lụa, trang trí lưỡng long chầu nhật, hình hoa lá, hình long mã trong tư thế chạy xô vào trên sóng nước. Các bức y môn rực rỡ này tạo thêm độ sáng cho kiến trúc trong Phủ.

Đằng sau Phủ Chính Tiên Hương có một khu vườn nhỏ gắn với sự tích về nơi học hành của Liễu Hạnh. Ở đây ngoài động Sơn Trang còn có cây chuối với buồng chuối hàng trăm nải, cây thị trăm tuổi…

Năm 1986, theo báo cáo kiểm kê của Bảo tàng Nam Hà, trong số 230 hiện vật ở phủ Tiên Hương có 63 hiện vật mộc, 51 hiện vật sành sứ, thủy tinh, 116 hiện vật kim loại. Di tích có 31 đạo sắc phong kể từ năm Chính Hòa thứ tư (1688) đến năm Khải Định thứ chín (1924), 14 văn bia cổ, 3 quả chuông, 2 chiêng đồng (rất tiếc là các sắc phong ấy nay đã bị thất lạc).

Mời các bạn cùng xem thêm:

>>> Tham Quan Phủ Chính Tiên Hương

>>> Nhấn Subscribe để theo dõi các video về Phủ Dầy Nam Định tại kênh: Phủ Dầy Nam Định Official

Có thể bạn quan tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *