Phủ Bóng Nguyệt Du Cung

Phủ Bóng Nguyệt Du Cung thường gọi ngắn gọn là Phủ Bóng hoặc Nguyệt Du Cung hay đền Cây Đa bóng là di tích quan trọng thứ 4 sau Phủ Chính Tiên Hương, Phủ Vân Cát và Lăng Mẫu trong Quần thể di tích văn hoá Phủ Dầy.

Phủ Bóng Nguyệt Du Cung ở đâu ?

Phủ Bóng Nguyệt Du Cung với vị trí đắc địa, thế đẹp, tọa lạc  ngay tại trung tâm bên cạnh lăng Thánh Mẫu Liễu Hạnh, chỉ cách chừng 100m hướng nhìn về Lăng Mẫu. Trải qua thăng trầm của lịch sử thời gian đặc biệt qua các chiến tranh bảo vệ tổ quốc, ngôi đền đã xuống cấp chỉ còn lại nền móng, tuy nhiên những năm 1995  trở lại đây với tâm huyết bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá vốn cổ của cha ông, Thủ nhang Phủ Bóng  Trần Vũ Toán đã trùng tu xây dựng ngôi đền rất khang trang to đẹp tạo điều kiện cho du khách thập phương về chiêm bái lễ Mẫu dần được khang trang to đẹp như ngày nay. Cứ mỗi dịp tết đến xuân về trẩy hội tháng 3 hằng năm tại khu di tích Phủ Bóng Nguyệt Du Cung lại rộn rã tiếng hát văn đón khách chung vui mở hội Phủ Dầy.

Phủ Bóng Nguyệt Du Cung

Phủ Bóng Nguyệt Du Cung

Cổng vào di tích Phủ Bóng Nguyệt Du Cung  (Phủ Dầy).

Phủ Bóng Nguyệt Du Cung di tích lịch sử văn hoá có bề dày lịch sử hơn 100 năm.

Ở thời phong kiến triều Hậu Lê Phủ Bóng – Nguyệt Du Cung còn có tên gọi Đền Cây Đa Bóng là một trong những  di tích thuộc quần thể Phủ Dầy có vị trí giá trị lịch sử đặc biệt, ngôi đền toạ lạc ở phía Tây Nam lăng Thánh Mẫu Liễu Hạnh, cửa đền hướng về Lăng Mẫu. Tương truyền vào đêm rằm trăng sáng Thánh Mẫu thường cùng các tiên nữ quây quần bên gốc đa, múa hát dưới ánh trăng gần khu mộ. Từ bao đời nay, Phủ Bóng  Nguyệt Du Cung đã nổi tiếng huyền bí, linh thiêng, có sức lôi cuốn, hấp dẫn mạnh mẽ đối với đồng quan, đồng đền, thanh đồng, đệ tử và du khách thập phương. Đây không chỉ là chốn tịnh tâm, nơi thắp hương “giỗ Mẹ” của người Việt mà còn là nét đẹp văn hoá tâm linh của cả dân tộc.

Phủ Bóng Nguyệt Du Cung nằm trong Quần thể di tích Phủ Dầy đã được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.

Thần tích về Phủ Bóng Nguyệt Du Cung.

Trong tâm thức dân gian, Thánh Mẫu Liễu Hạnh đã trở thành biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam tài sắc, đạo nghĩa vẹn toàn. Thánh Mẫu đã ba lần sinh hoá, thể hiện lòng hiếu nghĩa, khát vọng yêu đương, tình yêu lứa đôi chung thuỷ, thiện tâm giúp nước, giúp đời và công bằng xã hội. Thánh Mẫu Liễu Hạnh đã được các triều đại Lê – Nguyễn vinh phong là Chế Thắng Hoà Diệu Đại Vương, là Mã Vàng Bồ Tát, là Thượng Thượng Đẳng Tối Linh Thần; được tôn vinh là bậc Mẫu Nghi Thiên Hạ. Theo sử sách ghi lại: Vào đêm Trung thu năm Đinh Tỵ (1557), đời vua Lê Anh Tông, Thánh Mẫu đã giáng sinh lần thứ hai vào nhà họ Lê ở thôn An Thái, huyện Thiên Bản (nay thuộc xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định). Năm 18 tuổi, kết duyên cùng Trần Đào Lang người ở cùng xã và ba năm sau Thánh Mẫu về trời ở tuổi 21.Thân xác của Mẫu đã được nhân dân an táng tại cồn cây tươi tốt tại cánh đồng xứ Cây Đa. Ở trên thượng giới, Tiên Chúa vẫn ngày đêm khắc khoải không sao quên được tình nghĩa trần gian, Ngọc Hoàng biết chuyện, thương tình cho phép Tiên Chúa được thăm lại chốn cũ người xưa ở trần gian. Cũng từ đó, vào những đêm trăng sáng đầy trời  Thánh Mẫu lại dẫn một đoàn tiên nữ xuống quây quần múa hát bên gốc cây đa gần khu mộ phàm của Mẫu để múa, hát, bay lượn dưới ánh trăng vàng. Dân làng thấy linh ứng đã lập đền thờ dưới gốc cây đa để thờ phụng Thánh Mẫu nên được gọi là Đền Cây Đa Bóng (hay Phủ Bóng). Đền còn có tên là Nguyệt Du Cung do các nhà nho trong làng đặt với ý nghĩa đây là nơi dạo chơi trăng của Thánh Mẫu.

Lịch sử xây dựng hình thành Phủ Bóng Nguyệt Du Cung.

Qua nhiều sách, báo, tạp chí viết về Phủ Bóng Nguyệt Du Cung, du khách thập phương đã biết đến sự linh thiêng nhưng rất gần gũi của nơi thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Đồng thời, người dân ở đây đã ghi nhận công lao to lớn trong việc gìn giữ, tôn tạo từ thuở xưa kia có cây đa cổ thụ và ngôi miếu cổ trên gò đất giữa đồng lúa cho đến sau này mở rộng di tích này của nhiều thế hệ, trong đó nổi bật nhất là Đồng quan Trần Vũ Thực. Ông là thủ nhang thế hệ thứ nhất, cũng là Đồng quan duy nhất trên đất Phủ Dầy. Tính như vậy Phủ từ khi hình thành cho đến nay cũng trên 200 năm. Phủ Bóng trước đây chỉ là một ngôi đền nhỏ, đến thời vua Thành Thái ( 1889 – 1906) cụ Đồng quan Trần Vũ Thực đã để tâm xây dựng và mở rộng. Đền Cây Đa Bóng Nguyệt Du Cung bấy giờ đã có điện thờ nguy nga, tráng lệ có lầu chuông cao đẹp, tượng Thánh Mẫu được đúc bằng đồng, bát hương chuông đồng, chống đồng to đẹp tráng lệ. Trải qua các cuộc chiến tranh, ngôi đền đã bị tàn phá và xuống cấp chỉ còn lại nền móng.

Ở thế hệ thứ tư, Thủ nhang Trần Vũ Toán đã tiếp bước cha ông, một lòng tâm huyết, sáng tạo, dày công tôn tạo lại di tích. Trong suốt hơn 20 qua, được sự ủng hộ của chính quyền, cơ quan chức năng địa phương, gia đình, dân làng, các đệ tử, du khách gần xa, thủ nhang Trần Vũ Toán đã từng bước tôn tạo, xây dựng lại Chính tẩm Nguyệt Du Cung, cung Đệ Nhị, cung Đệ Tam, xây dựng tiền đường rộng rãi, cổng Tam quan bề thế. Đồng thời, ông mua thêm đất để mở rộng diện tích sân, vườn, xây tường bao quanh khuôn viên; tạo dựng vườn hoa, trồng cây cổ thụ, cây cảnh, cây ăn quả. Ngoài ra, ông còn xây dựng thêm nơi nghỉ ngơi, sắp lễ cho đệ tử, du khách bốn phương trước khi vào dâng lên Thánh Mẫu. Thủ nhang Trần Vũ Toán luôn nhận thức sâu sắc rằng phải tạo được Nguyệt Du Cung vừa là nơi du lịch tâm linh bề thế, trang nghiêm vừa là nơi rộng rãi, thoáng đãng, có cảnh quan đẹp mắt để du khách du ngoạn, thưởng thức và nghỉ ngơi. Ông vẫn ngày đêm tâm huyết, chắt chiu, dành dụm để trùng tu, tôn tạo, gìn giữ di tích, bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan đẹp mắt cho Nguyệt Du Cung. Với ông, từ việc “tuần tiết lễ nghi” đến “thay hoa, lọc nước” hay mỗi việc làm hàng ngày không chỉ để góp phần bảo tồn tín ngưỡng thờ Mẫu, bảo tồn di sản lịch sử văn hoá quốc gia mà còn là đạo hiếu nghĩa, đạo làm người. Chính sự gần gũi, ấm áp, một lòng tâm huyết của thủ nhang, thanh đồng, đệ tử ở Nguyệt Du Cung đã tạo nên sức hấp dẫn đối với du khách thập phương.

Kiến trúc Phủ Bóng Nguyệt Du Cung

Phủ Bóng Nguyệt Du Cung là một công trình kiến trúc tâm linh, tố hảo, khang trang với 4 cung trùng thềm điệp ốc. Phía ngoài sân đền là Tam Quan mái cong hoành tráng, với lầu chuông thật uy nghi. Nhiều người cho rằng đến Phủ Dầy mà chưa đến Nguyệt Du Cung thì coi như chưa đến Phủ Dầy.

Phủ Bóng Nguyệt Du Cung đã hòa quyện được cả hai yếu tố lễ hội và du lịch mang lại cho khách thập phương những cảm thức về tâm linh và tinh thần văn hóa để có thể linh cảm được những thời khắc giao thoa giữa trời và đất, giữa Thánh Mẫu với con người. Theo các nhà Phong thuỷ học nhận xét khu di tích địa linh này là một chốn linh thiêng đặc biệt, phía trước là tiền đường có hướng chầu vào khu lăng mộ Đức Thánh Mẫu, phía đằng sau dựa vào đỉnh núi Tiên Hương, hai bên tả hữu đều có Thanh Long, Bạch Hổ cân bằng. Bên tả Thanh Long có thế uốn lượn hiền hoà, ôm bao. Hữu Bạch Hổ có thế cao đầy, vun vút. Nhìn từ xa xa Phủ Bóng Nguyệt Du Cung trông giống hệt như một chiếc Ngai Quan lớn rất vững trãi và uy nghi nằm ở ngay trung tâm của Quần thể di tích Tâm linh Phủ Dầy.

>>> Đọc thêm: Phủ Tiên Hương

>>> Đọc thêm: Phủ Vân Cát

Các hiện vật cổ trong Phủ Bóng Nguyệt Du Cung

Cho đến nay Phủ Bóng vẫn còn lưu giữ một số hiện vật cổ rất quý giá từ thời Lê, thời Nguyễn. Có thể kể đến pho tượng Thánh Mẫu cổ bằng đồng, cao khoảng 60 cm. Hiện pho tượng này được đặt tại cung Mẫu Đệ Nhất. Một chiếc trống đồng cổ được đúc theo kiểu trống da, có tang và đai trống, nhưng âm thanh chẳng khác gì trống đồng Đông Sơn. Chiếc trống này được đúc thời Vua Thành Thái, tức năm Giáp Thìn (1904) do Tri phủ Nguyễn Hưng Trần Tướng Công cùng phu nhân cống tiến. Đặc biệt, tại đền còn lưu giữ hai tấm bia đá xanh ngọc bích tựa đề “Nguyệt Du cung bi ký” đều khắc vào năm Bảo Đại thứ 4 (1929).  Ngoài ra, trong đền có một số cổ vật quý như đôi chéo có khắc chữ chìm, bát hương lớn bằng sứ cao 50 cm, in chìm dòng chữ “Tiên Hương Nguyệt Du Cung”. Hiện trong đền còn có một số câu đối cổ. Chẳng hạn:

Thiên bản địa linh lưu Thánh tích
Nguyệt du thuỷ hoạt tố tuyên nguyên.

Dịch nghĩa:

Thiên Bản đất thiêng in dấu Thánh
Nguyệt Du nước chảy dõi nguồn tiên.

Hay câu đối:

Mẫu Nghi vọng trọng Côi Sơn Thạch
Tử dục đàm ân vị Thuỷ ba.

Dịch nghĩa:

Dáng hình Mẫu sừng sững như đỉnh Non Côi
Tình thương con tràn trề tựa sóng sông Vị.

Trong cuốn “Đạo Mẫu Việt Nam’’ giáo sư Ngô Đức Thịnh nêu rõ: “Phủ Bóng thờ hội đồng các Bóng, các giá, người có đồng phải trình đồng ở đây trước khi hầu đồng ở các di tích trong quần thể Phủ Dầy’’. Đây cũng có thêm một ý nghĩa nữa của Nguyệt Du Cung mang tên Phủ Bóng. Từ nhận thức về tín ngưỡng Tam Phủ, Tứ Phủ, với tâm huyết và niềm tin thờ Mẫu, Nhà đền Nguyệt Du Cung nguyện toàn tâm toàn ý góp phần làm tốt hơn nữa việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử – văn hóa và văn hóa tín ngưỡng dân tộc.

>>> Nhấn Subscribe để theo dõi các video về Phủ Dầy Nam Định tại kênh: Phủ Dầy Nam Định Official – YouTube

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *