Pham Sanh Châu đem văn hóa Việt đến với bạn bè quốc tế

Phạm Sanh Châu (Đại sứ, trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao) là một trong những nhà ngoại giao văn hóa vô cùng tâm huyết. Ở bất cứ cương vị nào, Đại sứ cũng luôn quan tâm đến các vấn đề mang ý nghĩa, tầm quan trọng của việc quảng bá văn hóa cũng như những nỗ lực giới thiệu các di sản, danh lam thắng cảnh của Việt Nam đến bạn bè thế giới.

Đại sứ Phạm Sanh Châu chụp ảnh cùng Phó thủ tướng Phạm Bình Minh.

Nhà ngoại giao tài ba

Đại sứ Phạm Sanh Châu sinh năm 1961 tại Myanmar trong một gia đình ngoại giao, lớn lên ở Trung Đông và trở về Việt Nam lúc 10 tuổi. Được sống trong môi trường gia đình tri thức và thừa hưởng nền giáo dục tiên tiến của nhiều nước, từ nhỏ ông đã tỏ ra là một người thông minh, am hiểu nhiều lĩnh vực, đặc biệt sử dụng thành thạo tiếng Anh và tiếng Pháp.

Bắt đầu sự nghiệp ngoại giao từ năm 1983, với trách nhiệm theo dõi các hoạt động chung của Liên Hiệp Quốc và vấn đề về nhân quyền, ông nắm vững luật lệ, thủ tục và thông lệ của tổ chức Liên Hiệp Quốc.

Phạm Sanh Châu là người trẻ tuổi nhất được bổ nhiệm làm đại sứ, trưởng phái đoàn thường trực nước cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam bên cạnh UNESCO (Paris, Cộng hòa Pháp), đồng thời được nhà nước Việt Nam cử làm đại diện của Chủ tịch nước Việt Nam tại Cộng đồng Pháp ngữ.

Trải qua cương vị đại sứ, Trưởng phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO, ông Phạm Sanh Châu  hiểu rất rõ về tổ chức và có những đóng góp cụ thể vào các hoạt động của UNESCO, đặc biệt là các đóng góp mang ý nghĩa lâu dài cho vai trò, vị thế và sự phát triển của tổ chức này.

Kinh qua nhiều năm công tác trong Bộ Ngoại giao, đến năm 2007 ông được giao nhiệm vụ làm công tác ngoại giao văn hóa với vai trò là Vụ trưởng Vụ Văn hóa Đối ngoại và UNESCO, Bộ Ngoại giao. Hơn 10 năm qua, ông đã đóng góp rất nhiều công lao trong việc đưa văn hóa và các di sản của Việt Nam tới bạn bè thế giới.

Nhiều người Việt Nam biết đến Đại sứ Phạm Sanh Châu là một nhà ngoại giao văn hóa vô cùng tâm huyết và tài ba. Trong các cuộc diễn thuyết, phát biểu về các lĩnh vực văn hóa của mình, ông luôn luôn nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đưa văn hóa và nét đẹp truyền thống Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

Nhiều hồ sơ về di sản, sự kiện văn hóa của Việt Nam có sự đóng góp rất lớn và tâm huyết của ông như: Hành trình đưa Phong Nha – Kẻ Bàng trở thành Di sản thiên nhiên thế giới; Chuyến thám hiểm hang Sơn Đoòng với sự tham gia của đoàn Đại sứ các nước vào năm 2016. Mới đây, ông cũng là người phát động dự án “Ngoại giao văn hóa Việt bằng tranh”, giới thiệu tranh của các họa sĩ Việt tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để quảng bá văn hóa đất nước ra thế giới…

Cầu nối văn hóa

Đại sứ Phạm Sanh Châu chia sẻ: “Tôi đã gắn bó với ngoại giao văn hóa hơn 10 năm qua, dành nhiều tâm huyết với công việc này. Cho đến nay, tôi nghĩ rằng, mình có duyên với ngoại giao văn hoá và quảng bá di sản của Việt Nam tới bạn bè năm châu. Tôi đã và đang thực hiện nhiều dự án văn hóa của Việt Nam để được vinh danh, công nhận là di sản văn hóa thế giới, di sản phi vật thể…

Tôi rất vui mừng, phấn khởi và hãnh diện khi được giới thiệu với bạn bè quốc tế rằng, Việt Nam được UNESCO công nhận 38 danh hiệu thế giới; hay các nhà thơ, nhà văn, nhà chính trị kiệt xuất: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du và Hồ Chí Minh được UNESCO công nhận là danh nhân văn hóa thế giới, góp phần quảng bá hữu hiệu về đất nước và con người Việt Nam. Những vinh danh đó góp phần khơi dậy lòng tự hào, tinh thần đại đoàn kết dân tộc, bảo vệ và phát huy các giá trị di sản, đồng thời tô đậm và làm phong phú hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Bên cạnh đó, chúng ta còn có 12 di sản văn hóa phi vật thể được thế giới công nhận: Nhã nhạc cung đình Huế, hát Xoan, Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Không gian cồng chiêng Tây Nguyên, Ca Trù, Hội Gióng tại đền Phù Đổng Bắc Ninh, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, Đờn ca tài tử Nam Bộ, Dân ca Ví, dặm Nghệ tĩnh, Nghi lễ trò chơi kéo co, Thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ của người Việt, Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ.

Ở Việt Nam vẫn còn nhiều danh lam, thắng cảnh đẹp như: Các nhà thờ ở Nam Định, Yên Tử, Chùa Hương, Địa đạo Vĩnh Mốc, Quảng Trị… Tôi đang cố gắng triển khai, và vinh danh Tết Việt thành Di sản phi vật thể của UNESCO; Nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống hay, cuốn hút các bạn bè quốc tế mỗi dịp sang Việt Nam: Tuồng, chèo, xẩm, hò, vè… Chắc chắn, với vai trò Đại sứ văn hóa, tôi sẽ tiếp tục cuộc hành trình tìm kiếm và vinh danh văn hóa Việt Nam để bạn bè thế giới biết đến”.

Phạm Sanh Châu

Đại sứ Phạm Sanh Châu khi còn là Đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề  UNESCO

Đại sứ Phạm Sanh Châu người ngồi chính giữa tại Hội nghị lần thứ 11 của Ủy ban Liên Chính phủ Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) về Bảo vệ Di sản Văn hóa Phi Vật thể đã họp tại Adis Abebas, Ethiopia từ 28/11 – 03/12, cũng tại hội nghị này UNSCO đã thống nhất chính thức ra nghị quyết công nhận “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt” là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại.

“Nhiều người Việt Nam biết đến Đại sứ Phạm Sanh Châu là một nhà ngoại giao văn hóa vô cùng tâm huyết và tài ba. Trong các cuộc diễn thuyết, phát biểu về các lĩnh vực văn hóa của mình, ông luôn luôn nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đưa văn hóa và nét đẹp truyền thống Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.”

Hiền Anh

Báo Giáo dục & Thời đại

 

Đọc thêm:

 

>>> Nhấn Subscribe để theo dõi các video về Phủ Dầy Nam Định tại kênh: Phủ Dầy Nam Định Official

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *