Hội thảo Quốc tế lần thứ 13 : “Mở rộng ranh giới: tính vật chất, tính dân tộc và tính thiêng”

Ngày 04/12/2017, tại Phủ Chính Tiên Hương, Phủ Dầy-Vụ Bản-Nam Định đã diễn ra Hội thảo Quốc tế lần thứ 13 “Mở rộng ranh giới: tính vật chất, tính dân tộc và tính thiêng” do Bảo tàng dân tộc học phối hợp với Hiệp hội Nghiên cứu Học thuật Quốc tế về Shaman giáo (International Society for Academic Research on Shamanism – ISARS), Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á (CESEAP) tổ chức nhằm mục tiêu thúc đẩy các nghiên cứu về lĩnh vực này, góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các thực hành tín ngưỡng dân gian. 

Hội thảo chính thức diễn ra từ ngày 01 – 04/12/2017 tại Bảo tàng dân tộc học Việt Nam. Tham gia hội thảo có 13 quốc gia và hơn 80 nhà khoa học của các nước. Sau khi các nhà khoa học đăng ký các bài tham luận, Ban tổ chức đã mời các nhà khoa học về Phủ Chính Tiên Hương để tham dự chiêm ngưỡng nghi thức hầu Mẫu. Qua đây, các nhà khoa học sẽ có thêm cơ sở tìm hiểu kỹ hơn về văn hoá, về dân tộc Việt Nam, về tín ngưỡng thờ Mẫu cũng như các loại hình nghệ thuật trong tín ngưỡng thờ Mẫu tứ Phủ của người Việt để phục vụ cho các nghiên cứu sẽ tham gia tại Hội thảo.

Tiếp đón các nhà khoa học, Bà Trần thị Kim Huệ – Thủ nhang Phủ Chính Tiên Hương, Phủ Dầy, tỉnh Nam Định đã giới thiệu về lịch sử Đức Thánh Mẫu thần chủ và tín ngưỡng thờ Mẫu. Đặc biệt bà đã giới thiệu về công lao to lớn của Đức Thánh Mẫu trong việc giúp vua giữ nước, trừ yêu dẹp loạn, giúp nhân dân có cuộc sống ấm no, yên bình. Nhớ ơn công đức Thánh Mẫu, các Vua đã phong tặng các sắc phong và lập đền thờ Mẫu tại nhiều địa phương trong đó có Phủ chính Tiên Hương. Nhờ đó, hàng năm nhân dân thập phương về các Đền, Phủ để lễ Mẫu và các vị Thánh trong tứ Phủ. Bà Huệ mong muốn, sau khi các nhà khoa học xem nghi thức hầu Mẫu tại Phủ Chính Tiên Hương sẽ có những đánh giá và nghiên cứu nhiều hơn để giúp cho Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt được giới thiệu, quảng bá rộng rãi khắp thế giới.

Phát biểu tại Hội thảo, PGS, TS Võ Quang Trọng – Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học cảm ơn các nhà khoa học đã đến Việt Nam tìm hiểu văn hoá và tín ngưỡng thờ Mẫu. Ông cũng cho biết Hội thảo lần này sẽ tìm hiểu mối tương quan giữa tính dân tộc, tính vật chất và tính thiêng. Hội thảo sẽ tập hợp những đóng góp nghiên cứu từ nhiều chuyên ngành khác nhau và khuyến khích những đề xuất thảo luận liên quan đến những vấn đề về bản sắc, những thực hành mang tính thiêng và văn hóa vật chất. Hiểu biết về vai trò của bản sắc tộc người và việc trình diễn mang tính tâm linh trong những không gian nghi lễ và xã hội cho phép chúng ta nêu bật được sự đa dạng của những thực hành và tầm quan trọng về mặt xã hội của các khía cạnh trong văn hóa vật chất.

Một số hình ảnh thực hành nghi thức hầu Mẫu của Thủ nhang Trần thị Kim Huệ

Hội thảo Quốc tế lần thứ 13 : “Mở rộng ranh giới: tính vật chất, tính dân tộc và tính thiêng”

Hội thảo Quốc tế lần thứ 13 : “Mở rộng ranh giới: tính vật chất, tính dân tộc và tính thiêng”

Các nhà khoa học của các nước đang xem thực hành nghi thức hầu Mẫu

 Cụ Trần Thị Duyên – Cựu Thủ nhang Phủ chính Tiên Hương, Đồng thầy Nguyễn Thanh Bình và các nhà khoa học

Giá hầu Quan lớn đệ Ngũ Tuần Tranh

Giá hầu Quan Hoàng Mười Nghệ An

Giá hầu Cô Bơ Bông

Tác giả: Ngọc Diệp
Ảnh: Nguyễn Long Hưng

Nguồn Báo thethaovietnam.vn

Xem thêm:

>>> Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt

>>> Gìn giữ và phát huy nét đẹp của thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ

 

>>> Nhấn Subscribe để theo dõi các video về Phủ Dầy Nam Định tại kênh: Phủ Dầy Nam Định Official – YouTube

Có thể bạn quan tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *