Nỗi lo biến tướng đạo Mẫu

Báo cáo của Cục Di sản văn hóa tại Hội nghị – Hội thảo Đánh giá hiệu quả Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt (giai đoạn 2017-2022) cho biết, sẽ kiên quyết xử lý đối với các hành vi lợi dụng di sản để trục lợi, kiếm tiền; cố tình thay đổi hình thức diễn xướng và những việc làm ảnh hưởng đến đời sống tâm linh, tinh thần của cộng đồng tín đồ Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ và toàn xã hội… Không diễn xướng hầu đồng hát văn ở nơi công cộng là điều một lần nữa lại được đặt ra tại Hội nghị đánh giá hiệu quả thực hiện chương trình quốc gia liên quan đến thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu.

“Hầu đồng rồi ngửa tráp xin tiền”

Việc chỉ cho phép thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu ở những nơi thờ tự có bàn thờ Mẫu được nhắc tới nhiều lần tại Hội thảo Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt diễn ra hôm qua 7.12 tại Hưng Yên. Nhờ đó, nhiều cuộc hát văn, hầu đồng trên vỉa hè, trước cổng chợ đã bị ngăn chặn. Tuy nhiên, Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Trần Thị Huệ, thủ nhang phủ chính Phủ Dầy (Nam Định), cho hay: “Hầu đồng ở cổng chợ Đồng Xuân, rồi còn ngửa cái tráp xin tiền. Như thế là sai với tín ngưỡng. Hiện sự biến tướng rất nhiều, không những hầu đồng mà cả hát văn nữa. Nhiều khi đưa thêm kèn vào, nghe hát hầu thánh mà như hát đám hiếu”.

Nghệ nhân Nhân dân Lưu Ngọc Đức cho rằng: “Nói về vấn đề hát văn thì xưa kia duy nhất lối hát này được dùng trong không gian đền, phủ, điện thờ, có hát thi, hát thờ và hát khi các thanh đồng thực hành nghi lễ hầu Thánh với 4 lối hát chính là Dọc, Cờn, Phú, Xá”. Theo nghiên cứu của PGS-TS Nguyễn Thị Hiền, ĐH Quốc gia Hà Nội, nhiều thanh đồng cũng có ý kiến không được thực hành diễn xướng hát văn trên sân khấu.

NNƯT Trần Thị Huệ trong một vấn hầu

Nhiều vấn đề đáng lo ngại khác cũng được đưa ra tại hội thảo. GS-TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian VN, cảnh báo về sự xô bồ của những danh hiệu, giấy chứng nhận, kỷ niệm chương, ghi danh, tọa đàm, hội thảo. Điều này dẫn đến di sản cũng như danh hiệu của nó bị nhàm chán, trần tục hóa, mất đi tính thiêng liêng. Ông nhận định điều này “giống như các di sản vật thể bị khai thác một cách vô tội vạ từng bị UNESCO tuýt còi ở một vài nơi”.

PGS-TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội đồng di sản quốc gia, cho biết theo quan niệm truyền thống, muốn trở thành đồng thầy, người thực hành ít nhất cũng phải trải qua 12 năm rèn luyện, tu dưỡng và thực hành di sản mới được “đẻ đồng”. Tuy nhiên, không ít người mới “thử đồng” hoặc thực hành tín ngưỡng được 2, 3 năm, chưa đủ uy tín trước cộng đồng bản hội đã “tự phong là đồng thầy”. Sai lầm hơn nữa, nhiều vị lại coi việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ như một nghề, lợi dụng lòng tin của mọi người để thu lợi cá nhân, thương mại hóa di sản.

PGS-TS Bài cũng nhắc tới việc đang có chiều hướng một số người, trong đó có cả thanh đồng, tự biến một số đền, miếu, am thờ và những thiết chế thờ các vị nhân thân – anh hùng dân tộc có công với dân với nước thành thờ Tứ phủ. “Nó dẫn đến nguy hiểm là thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu không được diễn ra tại không gian văn hóa linh thiêng vốn gắn chặt với đạo Mẫu. Mặt khác, còn góp phần làm sai lệch bản chất cũng như giá trị văn hóa của các tôn giáo tín ngưỡng khác”, PGS-TS Bài cảnh báo.

Nội lực đạo Mẫu

PGS-TS Bài cho rằng trước nguy cơ biến tướng, các địa phương cần quan tâm hơn đến việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Đồng thời, bản thân những người thực hành tín ngưỡng này cũng cần tự nâng cao nhận thức để thực hiện “thanh lọc” trong đội ngũ. Ông chỉ ra vấn đề gốc: “Những bất cập, hạn chế trong bảo tồn thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ sau khi được UNESCO vinh danh là do nhiều địa phương chưa chủ động và tích cực triển khai chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”.

Hầu đồng ở cổng chợ Đồng Xuân, rồi còn ngửa cái tráp xin tiền. Như thế là sai với tín ngưỡng. Hiện sự biến tướng rất nhiều, không những hầu đồng mà cả hát văn nữa.

NNƯT Trần Thị Huệ, thủ nhang phủ chính Phủ Dầy

NNƯT Trần Thị Huệ cho biết cộng đồng đạo Mẫu cũng tổ chức hội thảo để nhìn lại việc thực hành tín ngưỡng của mình. Hội Di sản văn hóa Thăng Long cũng tổ chức mời các ông bà đồng đến Phủ Dầy để hầu theo lối cổ. Kỷ niệm 5 năm thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu được UNESCO ghi danh, 40 ông bà đồng đã về Phủ Dầy để cùng bắc ghế hầu thánh. “Cung văn cổ ngày xưa cũng không còn nhiều. Chúng tôi cũng nói với các cụ là mời những nghệ nhân hát văn cổ về Phủ Dầy, vừa để hầu vừa để ghi hình lại làm tư liệu”, bà Huệ cho biết.

Theo PGS-TS Nguyễn Thị Hiền, việc được phép hát văn ở đâu, có được đưa hát văn và hầu đồng lên sân khấu hay không còn tùy thuộc vào góc nhìn. Hát văn với tính chất văn nghệ khác với hát văn là một phần của nghi lễ hầu các vị thánh. Tách một phần nghệ thuật diễn xướng hát văn ra để thực hành cũng là một phần của xu hướng phát triển văn hóa. Tuy nhiên, không được lẫn lộn giữa hai việc biểu diễn văn nghệ với nghi lễ. Bà cũng cho biết một số hoạt động thờ Mẫu vượt ra ngoài khuôn khổ vốn có như Lên đồng trình diễn ở quán cà phê, một số biểu hiện phạm thánh như hầu giá Thánh Mẫu, Phật Bà Quan Âm, Tôn Ngộ Không.

Theo PGS-TS Hiền, sau 5 năm thực hiện chương trình hành động quốc gia, số lượng các địa phương có đề án chi tiết cụ thể hóa nội dung của chương trình này còn rất ít. Hai địa phương đã làm được điều đó là Nam Định và Ninh Bình. Một số địa phương khác tuy không có đề án nhưng vẫn tiếp tục nghiên cứu di sản tín ngưỡng thờ Mẫu. “Ngân sách cho các vấn đề bảo tồn di sản không có bao nhiêu. Để một đề án đưa ra, số tiền thực hiện cũng phải 3 – 10 tỉ đồng. Đấy là một ngân sách lớn với một tỉnh, nhất là khi đầu tư văn hóa không được nhiều”, bà Hiền nói. Bù lại, bà cho biết các thầy đồng rất ý thức với việc mở rộng hoạt động, hỗ trợ cộng đồng của mình.

Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2016. Năm 2017, tại Lễ đón Bằng của UNESCO ghi danh di sản, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL đã công bố Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt (giai đoạn 2017 – 2022). Từ đó, các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan ở các tỉnh/thành phố có di sản cụ thể hóa các nội dung trong Chương trình hành động để triển khai và thực hiện Chương trình.

 

Nghệ nhân nhân dân Lưu Ngọc Đức (Đền Lảnh Giang Vọng Từ) nêu ý kiến tại hội thảo: Đừng vì một mục đích, lý do gì mà làm thay đổi nền móng trong việc thực hành tín ngưỡng mà chúng ta đang nắm giữ, vì “căn thâm mạt mậu”, gốc rễ sâu thì cành ngọn mới tốt bền chắc chắn. Song cũng không vì thế mà chúng ta trở thành người lạc hậu với thời cuộc. Một khi xã hội phát triển thì mọi lĩnh vực cũng phát triển theo, trong đó có văn hóa – tín ngưỡng. Chúng ta tôn trọng, kế thừa nhưng có những nghi lễ xưa không phù hợp với xã hội đương đại có thể có những đổi mới làm tốt hơn, đẹp hơn, tích cực hơn mà không phá vỡ và làm biến đổi cơ bản của sự kế thừa. Khi đó chúng ta có thể chọn lọc, bổ sung giúp cho việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam – Tứ phủ của chúng ta sao cho hoàn thiện hơn

Nghệ nhân nhân dân Lưu Ngọc Đức (Đền Lảnh Giang Vọng Từ).

Những nhận thức sai lầm cần khắc phục kịp thời

Nhiều ý kiến được các chuyên gia, nghệ nhân thực hành di sản trình bày và gửi đến Hội nghị – Hội thảo. Nhấn mạnh vai trò của các tổ chức hội trong việc tham gia thực hiện chính sách, pháp luật về di sản văn hóa phi vật thể qua trường hợp di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, GS.TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng, nhằm thực hiện cam kết của quốc gia với UNESCO, cùng với các cơ quan quản lý thuộc Bộ VHTTDL, các cơ quan của các tỉnh, thành phố trực thuộc còn có đông đảo các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các tổ chức và cá nhân liên quan trên địa bàn cả nước. Những hội này như một cánh tay nối dài của Nhà nước trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa.

“Vai trò của các tổ chức hội trong việc tham gia thực hiện chính sách, pháp luật về di sản văn hóa phi vật thể nói chung, trường hợp Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt nói riêng sẽ ngày càng được coi trọng. Điều đó hướng đến việc khai thác các giá trị văn hóa của tín ngưỡng này cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước mà vẫn giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc, không bị trần tục hóa và thương mại hóa một cách thô thiển, kệch cỡm…”, GS.TS Lê Hồng Lý nhấn mạnh. Ông cũng lưu ý, muốn như vậy, các hội phải cùng với sự vào cuộc của tất cả hệ thống chính trị và toàn thể xã hội để phát huy tốt nhất những giá trị của di sản này. Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu không chỉ là tín ngưỡng cho người dân, mà còn như một sản phẩm du lịch tâm linh thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế tham dự. Theo PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, sau 6 năm được vinh danh, bước đầu di sản này đã khẳng định sức sống bền vững và có sự lan toả mạnh mẽ thông qua nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị của cộng đồng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, ông Bài cho rằng, đang có xu hướng “cao trào mở phủ, hầu đồng”, cho nên không tránh khỏi những mặt hạn chế và cần có biện pháp khắc phục kịp thời. Không ít người mới “thử đồng” hoặc thực hành tín ngưỡng được hai, ba năm, chưa đủ uy tín trước cộng đồng bản hội đã “tự phong là đồng thầy”. Sai lầm hơn nữa, nhiều vị lại coi việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ như một nghề, lợi dụng lòng tin của mọi người để thu lợi cá nhân, tức là “thương mại hóa” di sản, làm sai lệch giá trị của di sản.

Ông Bài cũng lưu ý việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ đang có chiều hướng khó kiểm soát, diễn ra ở hầu khắp các vùng miền của đất nước, cá biệt do thiếu hiểu biết một số người, trong đó có cả thanh đồng Đạo Mẫu đã tự biến một số đền, miếu, am thờ và những thiết chế thờ các vị nhân thần – anh hùng dân tộc có công với dân với nước thành thờ Tứ phủ. Điều nguy hiểm là thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu không được diễn ra tại không gian văn hóa linh thiêng vốn gắn chặt với Đạo Mẫu; mặt khác còn góp phần làm sai lệch bản chất cũng như giá trị văn hóa của các tín ngưỡng tôn giáo khác. Hiện tượng cần sớm chấn chỉnh nữa là việc các cá nhân, tổ chức phi chính phủ lợi dụng việc xã hội hóa các hoạt động bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, tổ chức diễn đàn trao tặng các “danh hiệu”, giấy khen, giải thưởng, chứng chỉ không đúng chức năng để huy động nguồn lực, kể cả kinh phí từ các bản hội và các thanh đồng gây rối loạn, bức xúc và hiểu lầm lớn trong cộng đồng.

“Những bất cập, hạn chế trong bảo tồn thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ sau khi được UNESCO vinh danh do nhiều địa phương chưa chủ động và tích cực triển khai “Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”, ông Bài nhận định. Đồng thời, ông nhấn mạnh, từ thực trạng nói trên đặt ra yêu cầu phải tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước để huy động các nguồn lực tổng hợp của toàn xã hội cho việc bảo vệ và phát huy tốt nhất giá trị của di sản.

 Bên cạnh những kết quả đạt được, trên thực tế, việc thực hành, quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt vẫn để xảy ra những hiện tượng phản cảm, sai lệch với bản chất của di sản như: Tổ chức hầu đồng không đúng không gian tâm linh, ở khu vực công cộng với tính chất một loại hình du lịch hay ca nhạc đường phố; sử dụng nhiều vàng mã và đồ lễ đắt tiền để chia, phát lộc trong lễ hầu đồng.

Có hiện tượng lợi dụng hầu đồng, lợi dụng niềm tin của nhân dân để trục lợi, kiếm tiền và làm ảnh hưởng đến đời sống tâm linh, tinh thần của cộng đồng…

(Thứ trưởng HOÀNG ĐẠO CƯƠNG)

 

Có thể bạn quan tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *