Ngày 1/12/2016, Di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt chính thức được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là một tín ngưỡng bản địa thuần Việt tôn thờ nữ thần, người mẹ của thiên nhiên, thông qua hình ảnh Thánh Mẫu, một vị thần tối cao có quyền năng sáng tạo, cai quản và phù trợ cho con người. Đặc biệt, hình thức thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ với đỉnh cao là nghệ thuật hầu đồng huyền bí, chứa đựng niềm tin và khát vọng sống mãnh liệt của con người, đã làm nên nét đặc sắc và sức sống trường tồn cho loại hình tín ngưỡng đặc biệt này
Phủ Dầy – trung tâm của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ
Người Việt có câu “Tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ”. Tháng Tám âm lịch hàng năm người Việt có lễ giỗ Cha để tưởng nhớ công ơn của Đức Thánh Trần, và tháng Ba âm lịch giỗ Mẹ để tưởng nhớ công đức của Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Đó là đạo lí uống nước nhớ nguồn có từ hàng nghìn năm nay của người Việt.
Theo các nhà nghiên cứu về đạo Mẫu, trong Di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, Mẫu Thượng Thiên, vị đệ nhất Thánh Mẫu có quyền năng cai quản bầu trời, làm chủ các thế lực siêu nhiên như mây mưa, gió bão, sấm chớp… chính là Thánh Mẫu Liễu Hạnh, bậc “mẫu nghi thiên hạ”, một trong bốn vị thánh bất tử của người Việt.
Ở Việt Nam, đạo Mẫu nói chung và Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ nói riêng có ở nhiều nơi, nhưng Nam Định được coi là trung tâm với gần 400 điểm thờ cúng Thánh Mẫu, trong đó Phủ Dầy là tâm điểm của hoạt động thực hành tín ngưỡng này.Phủ Dầy ở xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định là một quần thể kiến trúc nổi tiếng liên quan đến Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Trong tổng số 21 công trình kiến trúc của quần thể Phủ Dầy có ba công trình liên quan chặt chẽ tới Thánh Mẫu Liễu Hạnh là phủ Tiên Hương (phủ chính), phủ Vân Cát và lăng Chúa Liễu.
Phủ Dầy là nơi thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, tức Mẫu Thượng Thiên, vị thánh đứng đầu trong số ba vị thánh trong tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt.
Nghi lễ rước Mẫu diễn ra hàng năm tại Phủ Dầy, Nam Định.
Nguyệt Du Cung, tục gọi Phủ Bóng, là một công trình kiến trúc ở quần thể di tích Phủ Dầy, tương truyền đây là nơi Thánh Mẫu Liễu Hạnh thường hiển linh về múa hát vào những đêm trăng tròn.
Năm 1975, Phủ Dầy đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp bằng xếp hạng Di tích Văn hóa Lịch sử cấp Quốc gia. Năm 2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lại có Quyết định công nhận nghi lễ chầu văn – hầu đồng ở tỉnh Nam Định và Hà Nam, một nghi lễ diễn xướng điển hình của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Lễ hội Phủ Dầy được tổ chức vào tháng Ba âm lịch hàng năm. Đây là lễ hội tôn vinh Thánh Mẫu Liễu Hạnh, vị thần chủ trong Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Thánh Mẫu Liễu Hạnh được thờ cúng ở nhiều nơi nhưng lễ hội Phủ Dầy là lớn hơn cả và độc đáo hơn cả. Lễ hội kéo dài nhiều ngày và có nhiều hoạt động độc đáo, trong đó nổi bật nhất là nghệ thuật hát văn và hầu đồng, một nghi lễ diễn xướng mang đậm màu sắc văn hóa tâm linh huyền bí làm nên nét đặc sắc và sức sống mãnh liệt cho loại hình tín ngưỡng đặc biệt này.
Nói như các nhà nghiên cứu văn hóa thì lễ hội Phủ Dầy là một thành phần quan trọng tạo nên “bản đại diễn xướng sử thi Liễu Hạnh”. Điều đó cho thấy Phủ Dầy chính là trung tâm của Di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.
Mẫu – vị thần chủ trong tâm thức tín ngưỡng của người Việt
Theo Giáo sư Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam, Di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt hình thành và phát triển trên nền tảng của tín ngưỡng thờ nữ thần, coi tự nhiên là một người Mẹ, tôn thờ với tư cách là vị thần tối cao, có quyền năng sáng tạo, cai quản, phù trợ cho con người, mang lại cho con người sức khỏe, tài lộc trong đời sống trần gian.
Trong quá trình phát triển, tín ngưỡng này đã khéo léo dung nạp những ảnh hưởng từ nhiều tôn giáo, tín ngưỡng khác như tục thờ tiên của Đạo giáo, tục thờ Phật Mẫu của đạo Phật… Từ thế kỷ 16, việc thực hành tín ngưỡng này trở thành một sinh hoạt văn hóa có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội và tâm thức người dân Việt Nam.
Tam phủ trong tín ngưỡng thờ Mẫu tương ứng với các miền khác nhau trong vũ trụ, đó là: Thiên phủ (miền Trời), Nhạc phủ (miền rừng núi) và Thoải phủ (miền sông nước). Đứng đầu mỗi phủ là một vị Thánh Mẫu, gồm: Mẫu Thượng Thiên (Mẫu đệ nhất) cai quản bầu trời, làm chủ các quyền năng mây mưa, gió bão, sấm chớp…; Mẫu Thượng Ngàn (Mẫu đệ nhị) trông coi miền rừng núi, địa bàn sinh sống chính của nhiều dân tộc thiểu số, và Mẫu Thoải (Mẫu đệ tam) trông coi các miền sông nước, giúp ích cho nghề trồng lúa nước và ngư nghiệp.
Trong điện thờ thần của Tam phủ, Thánh Mẫu Liễu Hạnh luôn đồng nhất với Mẫu Thượng Thiên, ngồi chính giữa và mặc trang phục màu đỏ, bên trái là Mẫu Thoải (trang phục màu trắng) và bên phải là Mẫu Thượng Ngàn (trang phục màu xanh).
Do có sự dung nạp và ảnh hưởng từ nhiều tôn giáo và tín ngưỡng khác, nên ngoài ba vị nữ thần tối cao là Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải, đạo Mẫu còn thờ khoảng 50 vị thần, trong đó có nhiều vị là nhân vật lịch sử, là anh hùng của dân tộc được dân gian thần thánh hóa như Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão… Ngoài ra, có nhiều vị thần không phải là người Kinh mà là người thuộc các dân tộc thiểu số khác như Tày, Nùng, Dao… Điều đó cho thấy Di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt thể hiện rất rõ truyền thống uống nước nhớ nguồn, chủ nghĩa yêu nước được tâm linh hóa, ý thức về sự giao lưu văn hóa và mối quan hệ bình đẳng, gắn bó giữa các dân tộc.
Một điểm thú vị khác, đó là Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt khác với các tôn giáo và tín ngưỡng khác, đó là không hướng con người và niềm tin của con người vào thế giới sau khi chết, mà hướng vào thế giới hiện tại, thế giới con người đang sống với những ước muốn hết sức tự nhiên và thực tế về sức khỏe, tiền tài và quan lộc. Đây là cách tư duy thể hiện tính thực tế của con người Việt Nam, và cũng là một nhân sinh quan mang tính tích cực, phù hợp với quan niệm hiện sinh của con người trong thế giới hiện đại.
Hầu đồng – nghi lễ của hoài nghi và bí ẩn
Trong Di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ có một nghi lễ hết sức đặc biệt, đó là nghi lễ chầu văn – hầu đồng, một nghi lễ diễn xướng dân gian mang đậm màu sắc văn hóa tâm linh huyền bí. Thông qua nghi lễ này, con người hi vọng sẽ giao tiếp được với các đấng thần linh nhằm gửi gắm, biểu đạt những mong muốn, khát vọng của mình. Chính vì tính huyền bí cũng như sự biến tướng thành mê tín dị trong quá trình thực hành, nên ở Việt Nam hầu đồng từng bị cấm đoán khá nặng nề suốt một thời gian dài.
Theo các nhà nghiên cứu, hầu đồng thực chất là một hình thức diễn xướng dân gian dựa trên việc kết hợp hát chầu văn, một loại hình âm nhạc mang tính tâm linh với lời ca trau chuốt, giai điệu dặt dìu cuốn hút cùng với những điệu múa uyển chuyển và các nghi lễ trang nghiêm… từ đó đưa con người (thanh đồng) vào trạng thái ngây ngất, thăng hoa, lên đồng.Các thanh đồng là những người trực tiếp thực hành nghi lễ hầu đồng. Nhiều người tin rằng, thanh đồng là người có khả năng đặc biệt, đóng vai trò trung gian trong mối liên kết giữa con người với các thần linh. Thanh đồng là nhân vật trung tâm của nghi lễ hầu đồng nên bao giờ cũng là người đẹp nhất, nổi bật nhất. Họ luôn được chăm chút, trang điểm xiêm áo lộng lẫy. Đặc biệt, khuôn mặt của thanh đồng luôn được trang điểm mang nét đẹp của một người phụ nữ. Điều đó thể hiện rất rõ đặc trưng tôn sùng nữ thần trong Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.
Phụ giúp thanh đồng trong các buổi hầu đồng còn có hai hoặc bốn người hầu dâng (tục gọi là tứ trụ), có nhiệm vụ giúp thanh đồng việc dâng hương, dâng lễ vật, thay trang phục khi chuyển từ giá hầu này sang giá hầu khác…Trong nghi lễ hầu đồng có tất cả 36 vỡ diễn xướng, tục gọi là 36 giá đồng, mỗi giá nói về huyền tích của một vị Thánh. Tuy nhiên, trong một buổi hầu đồng các thanh đồng không bao giờ trình diễn đủ 36 giá, mà thường chỉ chọn một số giá có nội dung phù hợp với buổi hầu đồng đó mà thôi.
Khi diễn xướng hầu đồng, tuỳ theo ý nghĩa của từng giá đồng mà các thanh đồng thực hiện những điệu múa khác nhau như: múa tay không, múa tung nước thánh, múa ban lộc, múa dâng đèn, múa quạt, múa kiếm, múa kích, múa cung… Trang phục của thanh đồng cũng rất phong phú, đa dạng tùy theo nội dung của từng giá đồng, thường thì nó thể hiện rất rõ đặc tính cũng như nguồn gốc xuất thân của từng vị Thánh trong mỗi giá đồng. Ngoài ra, nó cũng thể hiện phần nào tính cách và thị hiếu thẩm mĩ của từng thanh đồng.
Với những giá trị đặc biệt trên, ngày 1/12/2016, tại Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ về Bảo vệ Di sản Văn hóa phi vật thể lần thứ 11 của UNESCO diễn ra ở thủ đô Addis Ababa của Ethiopia, Di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt chính thức được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là di sản văn hóa phi vật thể thứ 11 của Việt Nam được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa phi vật thể của thế giới./.
Có thể bạn quan tâm
Phủ Chính Phủ Dầy thành kính tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một mất mát vô...
Khải Thánh Từ Phủ Dầy thờ Thánh Tổ, Thánh Phụ sinh ra Đức Thánh Mẫu thần chủ
Khải Thánh Từ Phủ Dầy tức Đền Khải Thánh, tục hiệu Phủ Tổ ở Giáp...
Đền Công Đồng Phủ Dầy
Đền Công Đồng Phủ Dầy là một ngôi đển nguy nga, bề thế, cung phủ...
Đền Giếng Phủ Dầy (Thủy Tiên Từ) thờ Mẫu Thoải – Cô Chín
Đền Giếng Phủ Dầy (Thủy Tiên Từ) dân thường gọi là đền Mẫu Thoải –...
Lễ rước Mẫu thỉnh kinh Phủ Chính hội Phủ Dầy năm 2024
Tiếp nối chương trình Lễ hội Phủ Dầy năm 2024, sáng ngày 14/4, (tức mùng...
Liên hoan nghệ thuật hát Chầu Văn tại Lễ hội Phủ Dầy năm 2024
Trong khuôn khổ các hoạt động Lễ hội Phủ Dầy năm 2024, sau lễ khai...
Hình ảnh khai mạc lễ hội Phủ Dầy năm 2024
Tối ngày 11/4/2024, tức ngày mùng Ba tháng Ba năm Giáp Thìn, tại sân vận...
Chính thức Khai mạc Lễ hội Phủ Dầy năm 2024
Tối ngày 11 tháng 4 (tức mồng 3 tháng 3 âm lịch), tại sân vận...