Vương Cô Đệ Nhất Trần Triều là ai ?

Trong hệ thống công đồng Trần Triều, Vương Cô Đệ Nhất là một trong Nhị Vị Vương Cô không chỉ anh linh đức độ mà nổi tiếng linh thiêng. Cuộc đời và những dấu ấn linh thiêng của Vương Cô Đệ Nhất vẫn còn lưu truyền sử sách cho đến ngày nay, nhân dân tôn kính phụng thờ.

“Thét một tiếng tà tinh chốn lủi
Phép vương cô dũng mãnh tài cao.
Tang hình biến tướng trăm chiều
Trừ tà sát quỷ phép càng thần thông.”

 

vương cô đệ nhất

 

>>> Xem thêm: Tứ Vị Vương Tử Trần Triều là ai ?

 

Vương Cô Đệ Nhất là ai ?

Vương Cô Đệ Nhất tên thật là Trần Thị Trinh, hiệu là Quyên Thanh Công Chúa, ngài là con gái lớn của Đức Thánh Trần Hưng Đạo Đại Vương và Nguyên Từ Quốc Mẫu. Có thể thấy, với xuất thân trong gia đình dòng dõi đế vương võ tướng anh hùng, với thân phụ là bậc lương đống rường cột của quốc gia, còn thân mẫu hết mực đảm đang đoan hiền, là hậu cứ vững chắc và góp công không nhỏ trong trận chiến chống quân Nguyên Mông. Sớm tiếp nhận và thừa hưởng những giá trị truyền thống của gia đình, ngài lớn lên trở thành người con gái đức hạnh, bao dung nhân hậu, tài năng xuất chúng hiếm có, đạo trung hiếu, am hiểu binh thư võ nghệ, dám vượt lên khuôn phép ràng buộc gò bó của thân mẫu. Sau đó được gả cho vua Trần Nhân Tông vào năm Giáp Tuất (1274), trở thành Bảo Thánh Hoàng Hậu và được vua vô cùng sủng ái.

Sau khi hạ sinh vua Trần Anh Tông và khi vua Anh Tông lên ngôi, ngài được phong thành Đệ Nhất Khâm Từ Hoàng Hậu Quyên Thanh. Tháng Chín năm Quý Tỵ (1293), Khâm Từ Bảo Thánh Hoàng Thái hậu bị bệnh nặng và ngày càng trầm trọng. Đến ngày 13 tháng Chín thì bà mất tại cung Lỗ Giang, phủ Long Hưng (nay thuộc Thái Bình ngày nay). Cho đến năm Canh Tuất (1310) thì được hợp táng cùng linh cữu vua Trần Nhân Tông tại lăng Quy Đức.

Tương truyền ngài là tiên nữ giáng sinh hạ phàm, đầu thai nhà họ Trần, làm rạng danh cho dòng tộc và vương triều vì thế trong Công đồng Trần Triều, ngài được tôn là Vương Cô Đệ Nhất. .

Bà hạ sinh được nhiều người con lỗi lạc như: Thái tử Trần Thuyên( Trần Anh Tông), Hoàng tử Trần Quốc Chẩn, Công chúa Huyền Trân, công chúa Thiên Trân.

Đền thờ Vương Cô Đệ Nhất

Vương Cô Đệ Nhất được thờ cùng với Đức Thánh Trần trong các đền phủ thờ Ngài. Ở đền Kiếp Bạc (Chí Linh, Hải Dương) và Đền Bảo Lộc (Nam Định) thì Vương Cô Đệ Nhất ngồi cận bên tả (bên trái) Đức Vương Phi.

Ngoài ra, đền Trần Thương (Lý Nhân, Hà Nam) và đền thờ Đức Thánh Trần (Nha Trang) đều có ban thờ Nhị vị Vương Cô (hay Cô Đôi Nhà Trần) được nhân dân thờ cúng nghiêm cẩn. Tại đền Đức Thánh Trần tại Nha Trang còn bức bửu cáo viết những dòng ca ngợi bà như sau:

Đông A chi ngọc diệp lưu căn, giang sơn chung tú
Nam Việt chi kim âu vĩnh diện, thảo mộc quyết linh
Hương trú xuân viên, thụ kiếm nhi cao tiên chỉ điểm

Hầu giá Vương Cô Đệ Nhất

Trong công đồng Trần Triều, Vương Cô Đệ Nhất thường ít khi ngự đồng, ngài thường chỉ loan giá ngự đồng những ai xát căn cô thì mới tung khăn hầu giá.

Khi ngự đồng cô mặc áo màu vàng thêu phượng, cũng có khi mặc áo gấm đỏ thêu rồng (màu đặc trưng của hàng Đệ Nhất), đầu đội xếp có thắt nét dài hoặc voan đỏ. Sau khi làm lễ tấu hương, cô múa cờ ra trận, làm phép chứng sớ, ra uy trừ tà.

 

 

Khánh tiệc Vương Cô Đệ Nhất

Ngày tiệc của Vương Cô Đệ Nhất là ngày 3 tháng 7 âm lịch hàng năm. Vào ngày này, các ngôi đền thờ Cô đều làm lễ thỉnh long trọng. Trong đó, người ta thường hát câu hát rằng:

“Hoa hải đường thần thông Cô Nhất
Tức Mạc Thư là đất trâm anh”.

Hoặc cũng có khi hát là:

“Đức Thái hậu ban cho mỹ tự
Đệ Nhất Vương Cô đại nữ Quyên Thanh
Kim chi ngọc diệp rành rành
Cung phi nhất phẩm đương triều ai hơn”.

Với tấm lòng tưởng nhớ công ơn của vị Vương Bà đôn hậu, tâm đức, những lễ tiệc này đều thu hút đông đảo các con nhang, đệ tử đổ về chiêm bái nơi cửa đền để dâng lên những vật phẩm thành kính nhất.

Bản văn Vương Cô Đệ nhất

Chi tiết xem thêm tại bài viết:  Bản văn Vương Cô Đệ Nhất

Cuộc đời và những dấu ấn Vương Cô Đệ Nhất

Là người sáng suốt, nhân từ, Bảo Thánh Hoàng hậu còn là người mưu trí, dũng cảm. Thời vua Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông chỉ huy cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên- Mông xâm lược, bà đóng vai trò rất quan trọng ở chốn hậu cung và ổn định nội tình nơi cung thất, thậm chí có lần còn trực tiếp “thanh gươm yên ngựa” xông pha trận mạc giết giặc khiến chúng kinh hồn. Tương truyền trong một số trận đánh quân Nguyên – Mông, Bảo Thánh còn sát cánh cùng phụ vương Trần Hưng Đạo, vì thế ở nhiều đền miếu thờ vị danh tướng kiệt xuất đều đặt tượng bà ở cạnh.

Tại đền thờ Đức Thánh Trần ở Nha Trang có phối thờ Đệ nhất Vương cô Quyên Thanh Công chúa – Bảo Thánh Hoàng hậu. Bức tượng của bà được tạc với dáng vẻ uy nghi mình mặc chiến bào màu trắng, tay trái cầm cờ lệnh.  Sự quả cảm của Bảo Thánh Hoàng hậu còn được sử sách ghi lại qua hai câu chuyện bà quên mình bảo vệ vua. Theo đó, Trần Nhân Tông có một thú vui là được xem quân lính đấu với hổ vì thế ông đã cho làm chuồng đấu hổ ở Vọng Lâu. Một lần, có tù trưởng vùng sơn cước dâng triều đình một con hổ lớn vằn đen vàng, lưng thẳng, bụng thon. Vua Trần Nhân Tông bèn cho tổ chức buổi đấu hổ trước Vọng Lâu với sự tham gia của Hoàng hậu, phi tần và các quan trong triều.

Bảo Thánh Hoàng hậu thấy chuồng cũi không an toàn, vô cùng lo lắng nên gọi viên tổng quản nhắc nhở: “Ông cho kiểm tra cái cũi này chưa? Con hổ to lớn dữ dằn đấy. Hôm nay, bệ hạ đến ngự xem, ông phải rất cẩn thận mới được”.

Viên tổng quản đáp: “Bẩm Hoàng hậu, đây là con hổ mới được đưa vào cung, thần đã lo liệu đầy đủ cả. Xin lệnh bề trên cứ yên tâm”.

Một lúc sau, quân lính khiêng một cũi sắt nữa vào chuồng đấu. Nhưng sự thực thì con hổ đã bị bỏ đói mấy bữa, khi thấy đông người, hổ nhe nanh gầm gừ đe dọa. Trong khi tất cả đang hào hứng chuẩn bị xem màn đấu hổ thì bất ngờ con hổ thoát ra khỏi cũi rồi nhảy lên, lao về phía chỗ ngồi của vua Trần Nhân Tông cùng Hoàng hậu, phi tần và bá quan văn võ. Mọi người đứng chết lặng trong giây lát rồi hoảng sợ bỏ chạy, duy có Bảo Thánh tiến lên phía trước, xả thân che cho nhà vua, đối diện hổ dữ. Không hiểu vì khiếp sợ uy lực của bà hay vì lý do nào đó mà con hổ chỉ lúc lắc cái đầu, nhìn Hoàng hậu một lúc, rồi quay đi, nhảy xuống chuồng thú.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết về chuyện này như sau: “Thượng hoàng (tức Trần Nhân Tông) thường làm chuồng hổ ở thềm Vọng Lâu rồi sai quân sĩ đánh nhau với hổ. Có lần Thượng hoàng ngồi xem, Thái hậu (tức Bảo Thánh) và phi tần đều theo hầu. Vì thềm lầu thấp, chuồng và thềm cũng thấp, con hổ bỗng nhảy ra khỏi chuồng leo lên lầu, mọi người đều sợ chạy tan cả, duy chỉ còn có Thái hậu và bốn, năm người thị nữ vẫn ở đấy. Thái hậu nghĩ bụng không khỏi bị hại, mới lấy chiếu che cho Thượng hoàng và cả mình. Con hổ lên lầu kêu gầm rồi vội vàng nhảy xuống, không vồ hại ai cả”.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết, vào một lần khác, Trần Nhân Tông đang ngự tại điện Thiên An, xem đấu voi ở Long Trì. Con voi bỗng nhiên sổng thoát định xông lên điện tới nơi vua ngồi, khiến tả hữu sợ hãi chạy tán loạn, chỉ có Bảo Thánh không dao động, bình tĩnh đối phó với thú dữ, bảo vệ nhà vua…

Sử thần Ngô Sĩ Liên khi nhắc đến Bảo Thánh đã ca ngợi rằng: “Voi và hổ là bậc hung dữ, ai cũng phải sợ, thế mà lúc voi, hổ hung tợn làm ngang, Hoàng hậu vẫn thản nhiên không sợ. Hoàng hậu thực sự là một anh hùng trong đám nữ lưu vậy” (Đại Việt sử ký tiền biên).

Tháng Chín năm Quý Tỵ (1293) Bảo Thánh Thái hậu bị bệnh, từ Vua quan đến dân chúng đều lo lắng, cầu khấn mong bà sớm qua khỏi nhưng biết bệnh tình ngày càng trầm trọng, Thái hậu đã ủy thác cho em gái là Tuyên Từ thay mình chăm sóc Trần Anh Tông và còn dặn dò các đại thần nên tận trung báo quốc, vì nước vì dân. Đến ngày 13 tháng Chín năm đó thì bà mất tại cung Lỗ Giang, phủ Long Hưng (nay thuộc Thái Bình) để lại bao tiếc thương chứ không như một số người nói vương cô mất tại quảng ninh. Được tin vợ qua đời, vua Trần Nhân Tông lúc này đang tu ở yên tử làm Trúc Lâm đại sĩ rồi cùng vua Trần Anh Tông và quần thần tổ chức tang lễ, đưa thi hài bà về táng ở bên lăng các tiên đế.

>>> Nhấn Subscribe để theo dõi các video về Phủ Dầy Nam Định tại kênh: Phủ Dầy Nam Định Official – YouTube

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *