Vụ Bản tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị quần thể Di tích Lịch sử – Văn hóa Phủ Dầy

Để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về di tích, lễ hội Phủ Dầy theo hướng giao cho cộng đồng dân cư là chủ thể văn hóa trực tiếp tham gia quản lý di tích, thực hành lễ hội, tránh tư nhân hóa di tích, huyện Vụ Bản đang tích cực hoàn tất việc xây dựng, ban hành Quy chế “Quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị quần thể Di tích Lịch sử – Văn hóa Phủ Dầy”.

Di tích Lịch sử - Văn hóa Phủ Dầy

Vụ Bản tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị quần thể Di tích Lịch sử – Văn hóa Phủ Dầy

Đây sẽ là cơ sở pháp lý để quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của quần thể di tích đã được Nhà nước xếp hạng là Di tích lịch sử  – văn hóa cấp quốc gia.

Quần thể Di tích Lịch sử – Văn hóa Phủ Dầy, xã Kim Thái (Vụ Bản) đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ VH, TT và DL) xếp hạng cấp quốc gia ngày 21-2-1975; trong đó có 3 di tích kiến trúc nghệ thuật gồm: phủ Tiên Hương, phủ Vân Cát và Lăng Mẫu đã được cấp Bằng Di tích lịch sử – văn hóa. Theo các tài liệu nghiên cứu, hai phủ Tiên Hương, Vân Cát được xây dựng sớm nhất, vào thời Hậu Lê – thế kỷ XVII; cùng với đó, dân làng Kim Thái mở hội tưởng nhớ ngày Giáng Tiên về Thượng giới của Mẫu Liễu Hạnh (ngày mồng 3-3 âm lịch hằng năm). Theo đó, Lễ hội Phủ Dầy có lịch sử lâu đời gắn liền với tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, do cộng đồng sáng tạo. Về phương diện văn hóa, Lễ hội Phủ Dầy mang giá trị nhân văn sâu sắc, đặc biệt coi trọng quyền năng sáng tạo, sinh sản của người Mẹ; lấy hình tượng Mẹ (Mẫu) để tôn thờ, gửi gắm vào đó những ước vọng tốt đẹp, sự bao dung, che chở trong cuộc sống. Lễ hội Phủ Dầy với các hình thức sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh phong phú, độc đáo như nghi lễ chầu văn hầu đồng, rước thỉnh kinh, hoa trượng hội (kéo chữ), cờ người, hát xẩm; diễn ra trong không gian thiêng với cảnh quan sơn thủy hữu tình đã tạo nên một bức tranh tổng thể đa mầu sắc về đời sống văn hóa tinh thần của làng quê Việt Nam.

Những năm qua, Huyện ủy, UBND huyện Vụ Bản tăng cường chỉ đạo các ngành chức năng và UBND xã Kim Thái bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội gắn liền với bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa của quần thể Di tích Lịch sử – Văn hóa Phủ Dầy; thực hiện việc quản lý lễ hội, di tích bảo đảm chặt chẽ, theo đúng Luật Di sản văn hóa. Do đặc thù là một quần thể di tích gồm hơn 20 đền, chùa, lăng, phủ trải rộng khắp diện tích gần 10km2, từ năm 1994 đến nay thực hiện mô hình công tác quản lý di tích và lễ hội chủ yếu thông qua hệ thống thủ nhang. Mỗi di tích có một thủ nhang (là người sở tại) được giao nhiệm vụ trông coi, bảo quản di tích. Tuy nhiên, việc quản lý quần thể di tích có lúc, có nơi còn buông lỏng; tình trạng lấn chiếm, tự ý xây sửa không xin phép cấp có thẩm quyền làm di tích biến dạng diễn ra ở một số nơi; việc kinh doanh dịch vụ ở một số điểm di tích còn lộn xộn, phản cảm; nguồn thu từ các dịch vụ và lễ hội chưa phản ánh đúng với thực tế; tình trạng vận động, quyên góp trái quy định ở một số điểm di tích còn diễn ra, gây bất bình trong nhân dân. Những khuyết điểm, yếu kém trên cũng là lý do mà Bộ VH, TT và DL đã có ý kiến tại tại Công văn số 3147 ngày 20-10-2014 trả lời UBND tỉnh về việc xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt quần thể Di tích Phủ Dầy: “Việc quản lý, bảo vệ quần thể di tích Phủ Dầy rất phức tạp, chưa thống nhất, việc quản lý nguồn thu còn chưa minh bạch dẫn đến tranh chấp quyền lợi tại các điểm di tích….; khu vực dịch vụ, bến xe…, cảnh quan di tích còn nhếch nhác, lộn xộn. Vì vậy, Bộ VH, TT và DL thấy rằng chưa nên đặt vấn đề xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với quần thể Di tích Phủ Dầy trong thời điểm hiện nay”.

Để thực hiện tốt việc quản lý quần thể Di tích Phủ Dầy theo quy định, Ban Thường vụ Huyện ủy Vụ Bản đã có Kết luận 42 về việc tiếp tục thực hiện Kết luận 07-KL/HU ngày 22-6-2008 của Ban Thường vụ Huyện ủy về “Công tác quản lý quần thể Di tích Lịch sử – Văn hóa Phủ Dầy”. Trong đó, xác định rõ mục tiêu xây dựng Quy chế “Quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị quần thể Di tích Lịch sử – Văn hóa Phủ Dầy” là nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước về di tích, mở rộng xã hội hóa trong việc bảo vệ, bảo quản di tích; đồng thời bảo đảm ổn định xã hội và phát huy tốt giá trị di tích, phục vụ trực tiếp đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân và góp phần phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương. Ngày 12-6-2014, UBND huyện ra Quyết định 1840 thành lập Tổ biên tập xây dựng Quy chế của huyện, gồm 16 thành viên do đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện là Tổ trưởng, có sự tham gia của các ngành hữu quan và chính quyền xã Kim Thái; của cán bộ, đảng viên, nhân dân xã Kim Thái; có sự tham vấn của cộng đồng. Trong quá trình xây dựng Quy chế “Quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị quần thể Di tích Lịch sử – Văn hóa Phủ Dầy”, Tổ biên tập đã căn cứ ý kiến kết luận của HĐND tỉnh tại Thông báo số 88/HĐND-TB ngày 23-7-2014, về quản lý di tích và quản lý lễ hội trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời, căn cứ Luật Di sản văn hóa; Nghị định 98/2010/NĐ-CP ngày 21-9-2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa; Nghị định 70 ngày 18-9-2012 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh; Thông tư liên tịch số 04 ngày 30-5-2014 của liên Bộ VH, TT và DL và Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo; Thông tư số 09 ngày 14-7-2011 của Bộ VH, TT và DL quy định về nội dung hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh; Thông tư số 18 ngày 28-7-2012 của Bộ VH, TT và DL quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; Quyết định số 39 ngày 23-8-2001 của Bộ VH, TT và DL về việc ban hành Quy chế tổ chức lễ hội; Quyết định số 1100 ngày 20-8-1999 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy chế quản lý và phát huy tác dụng di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh ở Nam Định. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của lãnh đạo tỉnh, ý kiến đóng góp của các ngành hữu quan, Tổ biên tập xây dựng Quy chế đã hoàn thành dự thảo trình cấp có thẩm quyền, triển khai lấy ý kiến tham vấn ở cộng đồng, cơ sở. Ngày 20-11-2014, UBND xã Kim Thái đã tổ chức hội nghị, thành phần tham dự có 92 đại biểu, gồm cán bộ, đảng viên, cán bộ chủ chốt xã Kim Thái, bí thư chi bộ, trưởng, phó xóm, các đoàn thể từ xã đến xóm, đại diện thủ nhang, người trông coi các di tích trên địa bàn xã. Sau khi tổ chức thông qua Quy chế, phát phiếu lấy ý kiến tham vấn, kết quả, chỉ 5 đại biểu không nhất trí ban hành Quy chế; còn lại các đại biểu đồng tình, nhất trí cao việc ban hành Quy chế và bổ sung Quy chế.

Dự thảo Quy chế “Quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị quần thể Di tích Lịch sử – Văn hóa Phủ Dầy” gồm 6 chương, 18 điều, quy định rõ đối tượng áp dụng, nguyên tắc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của di tích. Đồng thời nêu ra các hành vi bị nghiêm cấm là: Hủy hoại hoặc gây nguy cơ hủy hoại công trình kiến trúc, tài sản, cảnh quan môi trường, không gian văn hóa của di tích. Tự ý san lấp, chuyển đổi, chuyển nhượng, hiến tặng đất để mở rộng xây dựng thêm công trình tại di tích hoặc lấn chiếm, sử dụng đất của di tích trái quy định của pháp luật. Xây dựng, sửa chữa, phục hồi không đúng với yếu tố nguyên gốc. Di dời, thay đổi tượng pháp, di vật, cổ vật, bảo vật và các khí tự khác; tượng linh vật ngoại lai không đúng với lịch sử của các di tích và các hành vi khác khi chưa được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Tuyên truyền, giới thiệu sai lệch về lịch sử nội dung giá trị của di tích làm tổn hại đến văn hóa truyền thống, tác động xấu đến tâm tư, tình cảm của nhân dân với di tích, gây mất đoàn kết trong các bộ phận dân cư giữa các di tích trong quần thể Di tích Lịch sử – Văn hóa Phủ Dầy. Tự đặt tên không đúng với tên, địa danh của di tích. Lợi dụng lễ hội gây mất trật tự an ninh, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến văn hóa thuần phong mỹ tục; dùng loa kêu gọi công đức, xóc thẻ, đổi tiền lẻ, hành khất và các trò chơi kiếm tiền bất hợp pháp, các hoạt động lợi dụng di tích để trục lợi kinh tế. Dự thảo Quy chế cũng chỉ rõ các hình thức xử lý vi phạm là: Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của pháp luật về di sản văn hóa, vi phạm Quy chế “Quản lý và phát huy giá trị của quần thể Di tích Lịch sử – Văn hóa Phủ Dầy” tùy theo tính chất và mức độ mà bị xử lý phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan của Nhà nước vi phạm thì bị xử lý từ khiển trách đến buộc thôi việc theo quy định, nhân viên hợp đồng vi phạm thì chấm dứt hợp đồng. Người chủ trì, trông coi, quản lý di tích nếu vi phạm một trong các hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 5 (Chương I) và không hoàn thành nhiệm vụ theo quy định tại Điều 12 (Chương IV) của Quy chế sẽ bị chấm dứt hợp đồng…

Đồng chí Phạm Văn Quyết, Chủ tịch UBND huyện Vụ Bản cho biết: Việc xây dựng và ban hành Quy chế “Quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị quần thể Di tích Lịch sử – Văn hóa Phủ Dầy” nhằm tăng cường quản lý Nhà nước về di tích, lễ hội theo hướng giao cho cộng đồng dân cư là chủ thể văn hóa trực tiếp tham gia quản lý di tích, thực hành lễ hội, tránh tư nhân hóa di tích. Nâng cao trách nhiệm của chính quyền, các cơ quan, ban, ngành và nhân dân trong việc bảo vệ và phát huy giá trị quần thể di tích Phủ Dầy; bảo tồn các yếu tố nguyên gốc của di tích, quản lý tốt việc tu bổ di tích theo Luật Di sản văn hóa và các quy định khác của pháp luật. Duy trì và phát huy giá trị văn hóa của chợ Viềng Xuân và Lễ hội Phủ Dầy. Thực hiện đúng Quy chế tổ chức lễ hội của Bộ VH, TT và DL và các quy định của UBND tỉnh về quản lý di tích và lễ hội.

Hy vọng rằng, khi quy chế “Quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị quần thể Di tích Lịch sử – Văn hoá Phủ Dầy” được ban hành, công tác quản lý, bảo vệ di tích và các hoạt động lễ hội ở Phủ Dầy sẽ đi vào nề nếp./.

Bài và ảnh: Khánh Ngọc

Báo Nam Định

>>> Nhấn Subscribe để theo dõi các video về Phủ Dầy Nam Định tại kênh: Phủ Dầy Nam Định Official – YouTube

Có thể bạn quan tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *