Tứ Vị Vua Bà là ai và đền thờ ở đâu ?

Đối với cư dân các vùng duyên hải miền trung thì tục thờ Tứ Vị Vua Bà hay còn gọi là Tứ Vị Hồng Nương vô cùng phổ biến. Vậy Tứ Vị Vua Bà là ai ? tại sao lại được phối thờ trong hệ thống thần linh tứ phủ, trong bài viết này hy vọng cung cấp tới bạn đọc một vài thông tin liên qua.

tứ vị vua bà

 

Tứ Vị Vua Bà là ai ?

Trong tín ngưỡng thờ Mẫu tứ phủ, Tứ Vị Vua Bà là vị Mẫu Thần được phối thờ cùng hệ thống thần điện. Nhân dân vùng duyên hải nước ta tin rằng bà có quyền phép linh thiêng sẽ phù hộ cho mưa gió thuận hòa, nhân dân làm ăn thuận lợi, có tiền có của, bình yên, êm ấm, cho những chuyến đi biển được bình an may mắn.

Tôn hiệu bà được ghi chép lại rất đa dạng, và thường thấy trong các thần tích là :

  • Đại Càn tứ vị Thánh mẫu (Ninh Bình)
  • Đại Càn quốc gia Nam hải tứ vị thánh nương (Hà Nội)
  • Đại Càn quốc gia Nam hải tam tòa tú vị hồng thánh nương đại nương (Nam Định)
  • Nam Việt Tống triều quốc mẫu tứ vị hồng nương Càn hải linh từ (Hà Nam)
  • Tứ thánh miếu sự tích (Bắc Ninh)

      >>> Xem thêm:

Sự tích Tứ Vị Vua Bà

Tứ Vị Vua Bà được người đời truyền tụng rất nhiều sự tích. Phổ biến nhất, người ta cho rằng danh xưng này để chỉ bốn vị thánh nữ có nguồn gốc từ Trung Quốc, được thờ nhiều ở vùng duyên hải Thanh Hóa Nghệ An. Tại những địa phương có xây đền thờ các vị này đều cho rằng nhân vật chính là thân mẫu vị vua cuối cùng đời nhà Tống. Ba người còn lại được kể lại bằng những sự tích không thống nhất lắm.

Trong cuốn Đạo Mẫu Việt Nam có kể lại rằng:

Năm 1276 quân Nguyên Mông ồ ạt tấn công Nam Tống khiến hàng vạn quân Tống bị đánh tan. Tháng 1/1279, quân Nguyên tấn công căn cứ cuối cùng của quân Nam Tống. Trong lúc nguy khốn, Thái hậu và các công chúa nhà Tống xuống thuyền chạy về phía Quảng Đông nhưng không may gặp gió mạnh thuyền bị đắm, mọi người đều chết. Lúc đó, bỗng đâu xuất hiện rồng vàng tới hộ giá mẫu hậu và ba vị công chúa trôi dạt tới biển Cờn Hải. Tại đây, họ được vị sư già chùa Quy Sơn cứu sống và cho trú ngụ tại đó. Sau một thời gian trong chùa bỗng có nhiều điều dị nghị về vị sư già với Tống Hậu. Vị sư già này không biện bạch được bèn khấn Phật và nhảy xuống biển tự vẫn. Mẫu hậu và ba vị công chúa thấy vị sư già vì mình mà chịu oan khuất cũng liều mình nhảy xuống biển chết theo, xác của họ dạt vào cửa Cờn Hải. Họ hiển linh và được dân làng lập đền thờ và phong là “Nam Hải Phúc Thần” cai quản 12 cửa biển. Từ đó phàm những người đi biển đều đến cầu đảo Tứ vị Thánh Nương thì gặp nhiều may mắn, vạn sự hanh thông.

Sau này, khi vua Trần Nhân Tông, Lê Thánh Tông đi chinh phạt giặc Chiêm Thành và ở phương nam theo đường biển lại được Tứ Vị Thánh Nương hiển linh và trợ giúp. Sau khi thắng trận trở về, các vua Đại Việt đều lễ tạ ơn và phong thần “Quốc Mẫu Vương Bà Tứ Vị Thượng Đẳng Thần” và “Đại Càn Thánh Nương Quốc Gia Nam Hải Tứ vị Thánh Nương Thượng Đẳng Thần”. Sự kiện này được sách “Việt Điện u linh” của Lý Tế Xuyên ghi chép lại.

Đại Việt sử ký toàn thư chép về sự kiện này như sau: “(Hưng Long) năm thứ 19 (1311)… Mùa đông, tháng 12, vua thân đi đánh Chiêm Thành, vì chúa nước ấy là Chế Chí phản trắc… (Hưng Long) năm thứ 20 (1312)… Mùa hạ, tháng 5, dụ bắt được chúa Chiêm Thành Chế Chí đem về… Tháng 6, vua từ Chiêm Thành về (đến kinh đô)… Lập đền thờ thần ở cửa biển Cần Hải. Trước đây, vua đi đánh Chiêm Thành, đến cửa biển Cần Hải (trước là Càn, tránh tên húy đổi là Cần), đóng quân lại, đêm nằm mơ thấy một thần nữ khóc lóc nói với vua: “Thiếp là cung phi nhà Triệu Tống, bị giặc bức bách, gặp phải sóng gió, trôi giạt đến đây. Thượng đế phong thiếp làm thần biển đã lâu. Nay bệ hạ mang quân đi, thiếp xin giúp đỡ lập công”. Tỉnh dậy, vua cho gọi các bô lão tới hỏi sự thực, cho tế, rồi lên đường. Biển vì thế không nổi sóng. (Quân vua) tiến thẳng tới thành Đồ Bàn, bắt được (chúa Chiêm) đem về. Đến nay, sai hữu ty lập đền, bốn mùa cúng tế”.

Đền thờ tứ vị thánh nương được vua ban tặng sắc phong ghi nhận công trạng “Đại Càn quốc gia Nam Hải tứ vị thánh nương”, cấp tiền bạc sửa sang, xây dựng khang trang, nhờ đó mà danh tính của vị thần thờ trở nên linh thiêng trong tâm thức của người dân.

Ngoài ra còn một số sự tích Tứ Vị Vua Bà khác

Sự tích ở đền Mẫu – Hưng Yên

Truyện kể rằng, sau khi Nam Tống thất thủ, bà quý phi họ Dương đã nhảy xuống biển. Thi thể của bà xuôi theo dòng nước trôi về Phố Hiến. Nhân dân ở đây thương xót nên chôn cất chu đáo cẩn thận thi thể của bà. Rồi đến người nội thị triều đình Bắc Quốc là quan thái giám họ Di trong cơn loạn lạc cũng đã tới Phố Hiến. Tại đây được nhân dân giúp đỡ, đã tập hợp những người Hoa lánh nạn rồi hưng công lập nên làng Hoa Dương. Sau khi vị thái giám này mất, họ tôn người này làm Thành Hoàng và chôn cất kín đáo trong khuôn viên đình Hiến. Tại đền, cũng có đặt tượng thờ Dương Phi cùng 2 người hầu là Kim Thị và Liễu Thị.

Sự tích Tứ Vị Vua Bà theo bản ghi chép tay chữ Hán Nôm cuốn “Thanh Chương huyện chí”

Trong sách có ghi về một sự việc khi hoàng hậu một triều vua bị vu oan là con đẻ “bất thành nhân dạng”. Nên bốn mẹ con tức hoàng hậu, 2 cô công chúa cùng vị hoàng tử bị đày lên đảo. Tuy nhiên, thuyền gặp nạ và dạt vào đền cửa Cờn nhưng cả 4 mẹ con đều đã bị chết ở đó. Ngọc Hoàng biết chuyện lấy làm thương xót đã phong họ làm thần chuyên phụ trách việc gió mưa ở biển nơi đây. Nhân dân thấy được sự linh ứng đã lập đền thờ Tứ Vị Đại Vương. Vì có một hoàng tử nên, thay vì gọi là Tứ Vị Vua Bà, họ gọi là Tứ Vị Đại Vương.

Sự tích Tứ Vị Vua Bà được chéo trong thần tích làng Cơ Xá (đền Lộ)

Thần tích kể lại rằng 4 vị thần được thờ đó chính là Hoàng hậu và ba công chúa triều Tống. Hoàng hậu là người con gái ở Cần Hải, Hoang Châu. Sau bà làm vợ của Tống Đế Bính. Bà sinh được 3 cô công chúa nhưng sau khi gặp nạn trôi dạt vào cửa Cờn. Sau đó, khoảng cuối nhà Trần, khi ấy nước sông Nhị Hà lên cao. Bỗng xuất hiện 4 có nồi úp dưới cái nón trôi dạt vào bờ sông thuộc bản xã. Khiến nơi đây không an ổn. Lúc ấy có vị thần báo mộng cho nhân dân phải lập đền thờ mới được yên lành. Nhân dân đã lập đền thờ và cúng bái. Thần tích này xuất hiện sau các thần tích kể trên.

Đền thờ Tứ Vị Vua Bà

Tục thờ Tứ Vị Thánh Nương hiện rất phổ biến ở nhiều làng người Việt ven biển từ Bắc vào Nam, ngoài ra còn thấy ở các làng ven biển Trung Bộ. Tuy nhiên tục thờ này phổ biển nhất là miền biển duyên hải miền Trung Bộ, mà trung tâm là Đền Cờn (Nghệ An). Hàng năm, lễ hội đền Cờn lại được tổ chức trong thể với nhiều hoạt động mang nét tâm linh được diễn ra. Đền Cờn là một trong bốn ngôi đền linh thiêng bậc nhất ở Nghệ An: “Nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng”.

Đền Cờn thờ Tứ Vị Vua Bà

Đền Cờn Nghệ An là một ngôi đền nằm trên gò Diệc, hướng mặt ra sông Hoàng Mai. Đền thuộc địa phần phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An. Mặt trước đền được xây dựng giống như một bến thuyền nên trông xa toàn bộ kiến trúc rất uy nghiêm và đồ sộ. Tiến lại gần, chúng ta có thể thấy rõ được vết tích thời gian lưu lại trên những chi tiết kiến trúc đền. Có sự rêu phong, có sự cổ kính. Tuy vậy trông đền vẫn rất uy nghiêm, bề thế bởi hầu hết chất liệu xây dựng đền đều từ đá.

Vì đền Cờn được xây dựng từ rất lâu nên còn lưu giữ rất nhiều vết tích kiến trúc cổ xưa như hoa văn chạm khắc tinh xảo trên các dường, cột bên trong đền và các hoa văn chạm khắc tại phía ngách nhà đền. Hiếm có ngôi đền nào lại lưu giữ được nhiều nét văn hóa cả về tinh thần tín ngưỡng lẫn nét kiến trúc truyền thống như nơi đây.

tứ vị vua bà

 

Năm 2017, đền được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vô cùng quý giá.

Đền Cờn hàng năm đều tổ chức lễ hội vào ngày 20, 21 tháng Giêng là ngày tiệc Tứ Vị Vua Bà đền Cờn Môn.

Lễ hội đền Cờn được mệnh danh là một trong những lễ lớn và linh thiêng nhất. Tại ngày diễn ra đại lễ, người dân tiến hành rất nhiều các phần lễ nhỏ có thể kể đến lễ khai quang, lễ yết cáo, lễ khai hội, lễ cầu ngư, lễ hợp tế, lễ yết vị, lễ đại tế và lễ tạ. Sau phần đại lễ là tới phần hồi. Phần hội chủ yếu phục vụ du khách gần xa tới tham quan, chiêm ngưỡng nét đặc sắc văn hóa đền Cờn với các làn điệu hát dân ca, các môn thể thao dân gian như đẩy gậy, đua thuyền, …

Theo Ninh Viết Giao, ngoài đền Cờn còn có hơn 30 làng khác nữa ở Quỳnh Lưu (Nghệ An)  cũng thờ Tứ Vị Thánh Nương. Riêng huyện Hoàng Hóa (Thanh Hóa) cũng có 20 làng thờ Tứ Vị Thánh Nương dưới dạng thờ Tống Hậu ,Thiên Hậu.

Đền Lộ thờ Tứ Vị Vua Bà

Đền Lộ hay còn gọi là đền Đại Lộ Hà Nội là một trong hai đền nổi tiếng thờ Tứ Vị Vua Bà. Sau nhiều lần đổi địa danh hành chính, hiện nay đền Lộ nằm tại địa chỉ thôn Đại Lộ, xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, Hà Nội.

Theo văn bia ghi tại đền, đền Lộ được xây dựng vào cuối nhà Trần, sau tích 4 nồi úp dưới cái nón trôi dạt vào bờ sông cạnh xã. Tính đến ngày nay, ngôi đền đã có giá trị lịch sử trên 700 năm. Ban đầu chỉ là một ngôi miếu với nhà tranh, tre nứa. Sau năm 1937, đền được tu sửa rộng rãi với khu đền chính xây theo kiểu 2 tầng tách mái cong cong lợp ngói mũi hài. Đậm nét kiến trúc đình đền chùa cổ. Hiện nay, đền được chát bê tông và bổ sung thêm một số công trình nhỏ lẻ nữa nên trông đền rộng rãi và bề thế hơn.

Lễ hội đền Đại Lộ được tổ chức từ ngày mùng 1 đến ngày mùng 10 tháng 2 âm lịch hàng năm. Lễ đền Lộ được tổ chức nằm trong khuôn khổ lễ hội đền quan, Chùa Đại Lộ nên cực kỳ linh đình và nổi tiếng.

Ngoài ra, ở Quảng Nam – Đà Nẵng tục thờ Tứ Vị Thánh Nương rất phổ biến, hầu như làng nào cũng có. Tuy nhiên, ít khi có miếu hay đền thờ riêng bà. Như trường hợp làng Mỹ Khê gọi là Miếu Cả, còn phần lớn là phối thờ với các vị thần khác và được gọi với cái tên là Bà Giàng Lạch, tức vị thần chủ sông biển.

Dâng lễ Tứ Vị Vua Bà gồm những gì ?

Hàng năm cứ đến ngày đầu xuân năm mới hoặc ngày tiệc lễ Tứ Vị Vua Bà, nhân dân khắp nơi lại nô nức sắm lễ, quần áo chỉnh tề lên cửa Tứ Vị Vua Bà và cúng lễ. Điểm đặc biệt ở đây là, các đền thờ Tứ Vị Vua Bà thu hút rất nhiều ngư dân miền biển đến dâng lễ. Bởi người ta cho rằng các bà có quyền phép cao siêu, điều khiển thời tiết vùng biển. Xin lộc các bà ắt sẽ được yên ổn làm ăn nơi biển cả mênh mông.

Một mâm lễ Tứ Vị Vua Bà gồm các thức lễ như một đĩa hoa, một đĩa quả gồm nhiều loại quả, một cơi trầu, quả cau, cút rượu, xôi thịt, nén hương, giấy tiền, và một cánh sớ.

 

Bản văn Tứ Vị Vua Bà

Hoa thơm hoa nở bốn mùa

Trên ngàn xanh đua sắc hương bay

Gió rung cây lay lay cành lá

Nhác trông lên nhang xạ ngát mùi

Cảnh rừng núi anh linh lừng lẫy.

Nức danh thơm đã dậy muôn phương

Vẻ cốt cách hình dung tươi tốt,

Nét thanh tân tuyết nhường màu da

Gió thoảng đưa mái tóc rườm rà

Con tiến dâng văn tứ vị vua bà

Cờn môn nơi ấy bao xa

Danh lam cổ tích một tòa ngôi cao

Cảnh bồng lai tiêu giao một thú

Khi ngao du bến thủy sông thao

Lạng Sơn Yên Bái Nghệ An ra vào

Vận bốn mùa cầu đảo khói nhang

Khi ngự đèo kẻng lại sang Bảo Hà

Thượng ngàn nức tiếng vua bà

Ban tài tiếp lộc gần xa cho đồng

Nguyện tâm thành sở cầu tất ứng

Sắm lễ trình ắt thời chứng cho

Vua bà chứng cho tai qua nạn khỏi

Cứu người đời thoát mọi trầm luân

Nước tiên tẩy sạch bụi trần

Lưu tài giáng phúc độ trì muôn dân

Ân trên ghi nhớ đời đời

Ngồi lặng nhìn hoa rơi lai láng

bức rèm châu thấp thoáng sang canh

Đệ tử con một dạ lòng thành

Cứu xin vua bà ngự giáng chứng minh

Độ cho đệ tử khang ninh thọ trường

Dù ai lưu xứ xa phương

Nhớ ngày mở hội về cờn môn

Lòng tôn kính dâng hương bái thánh

Độ cho người phúc thọ trường sinh

Cửa nhà phú quý khang vinh đời đời

Dưới trần gian mấy lời kêu tấu

Từ cổ triều lưu dấu anh linh

Xe loan thánh giá hồi cung.

 

>>> Nhấn Subscribe để theo dõi các video về Phủ Dầy Nam Định tại kênh: Phủ Dầy Nam Định Official – YouTube

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *