Toàn văn bài phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại lễ đón Bằng UNESCO ghi danh “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”

Ban biên tập xin giới thiệu toàn văn phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vào tối 2/4 tại lễ đón Bằng UNESCO ghi danh “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tại quần thể di tích lịch sử-văn hóa Phủ Dầy.

Toàn văn bài phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

Toàn văn bài phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam

Kính thưa bà Susan Vize, Quyền Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO; các vị đại sứ, các vị trưởng đoàn ngoại giao tại Việt Nam

Kính thưa quý vị đại biểu,

Kính thưa toàn thể đồng bào, đồng chí,

Hôm nay chúng ta đặc biệt vui mừng được đón nhận bằng UNESCO ghi danh “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đặc biệt lễ đón nhận được long trọng tổ chức ngay tại phủ thờ của Thánh mẫu Liễu Hạnh, vị thần chủ của tín ngưỡng thờ Mẫu, một trong “Tứ bất tử” của người Việt, trên quê hương Nam Định – vùng đất “địa linh, nhân kiệt”, “Bắc kỳ đa sỹ, Nam Định vi ưu”. Vùng đất gắn liền với triều Trần, với hào khí Đông A, với Đức Thánh Trần được tôn thờ là “Thánh Cha” của người Việt.

Đây là niềm tự hào của Nam định, của các địa phương đã cùng bảo tồn, phát huy di sản tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ và của cả Việt Nam ta. Thêm một di sản văn hóa vô giá mà cha ông ta đã sáng tạo, đã bồi đắp, đã gìn giữ, đã trao truyền lại cho cháu con bằng trí lực, mồ hôi và cả máu xương, được vinh danh, được cam kết sẽ tiếp tục tỏa sáng trong dòng chảy văn minh nhân loại.

 Thay mặt Chính phủ, tôi xin chúc mừng và biểu dương các cấp chính quyền, cộng đồng dân cư Nam Định và các tỉnh có di sản đã bằng trí tuệ, bằng tấm lòng hiếu nghĩa hướng về tiên tổ, bằng trách nhiệm đối với thế hệ mai sau đã chung sức bảo tồn, phát huy di sản chứa đựng những giá trị nhân văn hết sức sâu sắc và độc đáo. Tôi đặc biệt trân trọng ghi nhận sự đóng góp không thể thiếu của các các nghệ nhân tham gia thực hành, truyền dạy tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ ở khắp mọi miền đất nước và cả ở nước ngoài.

 Thật khó có thể tìm thấy một sự phối kết nhuần nhuyễn nhiều yếu tố văn hóa dân gian như trang phục, thơ ca, âm nhạc, diễn xướng với những triết lý, quy tắc tín ngưỡng, tôn giáo… và những điều bình dị trong cuộc sống thường nhật được thể hiện hết sức sống động, quan niệm rất nhân văn về thiên nhiên, về lịch sử, văn hóa, bản sắc tộc người như trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. Đặc biệt là về vai trò và sự tôn thờ người Mẹ. Mẹ thiên nhiên. Mẹ loài người.

Sức lan tỏa và bám rễ sâu bền của tín ngưỡng trong thờ Mẫu Tam phủ xuất phát từ chính khát vọng rất đời của người dân luôn hướng tới cầu mong được dày Phúc, nhiều Lộc, trường Thọ, được sống một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, tiến bộ và hòa đồng với thiên nhiên, với cộng đồng. Không chỉ là ước vọng, cuộc sống đời thường, tinh thần yêu nước, thương nòi, truyền thống uống nước nhớ nguồn được tâm linh hóa, được thấm sâu trong tâm thức mỗi người dân Việt.

Các nhân vật, dù là lịch sử hay huyền thoại, được phối thờ trong Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ đều rất uy dũng, nhân từ, đức đức độ, có công với nước, với cộng đồng. Qua đó

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ cũng dung hòa các sắc thái văn hóa, tôn giáo, các nhân vật biểu tượng của các dân tộc, tạo nên bức tranh văn hóa rất nhiều sắc màu, củng cố nền tảng phát triển, đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc, thắt chặt nghĩa tình đồng bào cùng, khơi dậy hồn thiêng sông núi.

Tôi đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các nghệ nhân, nỗ lực của tỉnh Nam Định, các địa phương có di sản và cả cộng đồng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của di sản cũng như trong quá trình nghiên cứu, lập hồ sơ đề cử di sản với UNESCO.

Tôi cũng xin trân trọng cám ơn UNESCO, các Tổ chức quốc tế, các quốc gia bè bạn đã dành cho Việt Nam sự hợp tác, giúp đỡ quý báu trong phát triển kinh tế, xã hội, trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa; và đặc biệt là đã ủng hộ, vinh danh di sản rất đặc sức này của Việt Nam, của nhân loại.

Kính thưa các vị đại biểu,

Thưa đồng chí, đồng bào,

Việc “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là niềm vinh dự, tự hào; khẳng định những giá trị và đóng góp của văn hóa Việt Nam đối với nền văn hóa chung của nhân loại.

Cùng với niềm vinh dự đó là trách nhiệm phải bảo tồn, phát huy di sản tốt hơn. Trách nhiệm không chỉ với tổ tiên người Việt, với nền văn hiến Việt Nam mà còn với cả thế giới, với nền văn minh nhân loại. Trách nhiệm không chỉ của Nhà nước, của các cơ quan, tổ chức mà đặc biệt quan trọng là của cả cộng đồng, nhất là những người thực hành, truyền dạy tín ngưỡng.

Với trách nhiệm và lòng tự hào ấy, tất cả chúng ta cần thực hiện thật tốt, thật hiệu quả Chương trình hành động quốc gia nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Cần để Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ được thực hiện, được trao truyền đúng với ý nghĩa, bản sắc rất tốt đẹp, rất đặc sắc vốn có. Không để bị làm sai lệch, biến tướng; bị làm tầm thường hóa, thương mại hóa.

Xin chúc quý vị đại biểu, các vị khách quý, các nghệ nhân cùng toàn thể đồng bào, đồng chí sức khỏe, hạnh phúc. Chúc sự nghiệp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đạt được nhiều thành tựu, để nền văn hiến Việt Nam rạng danh muôn thủa.

 Xin trân trọng cảm ơn!

Trên đây là toàn văn bài phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại buổi lễ, Phó Thủ tướng nhấn mạnh sự ghi danh Di sản Văn hóa của UNESSCO đối với “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là niềm tự hào của Nam Định, của các địa phương đã cùng bảo tồn, phát huy di sản này.

 

>>> Xem thêm: Tứ Phủ Chầu Bà gồm những ai ?      >>> Quan Lớn Tuần Tranh

>>> Nhấn Subscribe để theo dõi các video về Phủ Dầy Nam Định tại kênh: Phủ Dầy Nam Định Official – YouTube

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *