Tiểu sử Đức Thánh Mẫu Phủ Dầy (chép theo Ngọc phả)

Chép theo ngọc phả thời tiểu sử Đức Thánh Mẫu Phủ Dầy thực là giản dị không có chút gì là huyền bí cả. Đức Thánh Mẫu Phủ Dầy giáng sinh đêm trăng rằm tháng 8 năm 1557 (năm Đinh Tỵ – Lê Thiên Hựu đệ nhất tức đời vua Lê Anh Tông) tháng Thìn, ngày Dần, giờ Dần. Năm 1577 (năm Đinh Sửu) không bệnh mà mất.

Thân phụ Ngài là Lê Công Chính và thân mẫu Ngài là Trần Thị Phúc.

Cao cao Tổ thuộc dòng dõi họ Lê ở trong Thanh Hóa, ở ẩn ra ngoài làng Kẻ Dầy, đổi sang họ Trần, tới đời thứ 3 thì lại đổi về họ Lê (Lê Công – Lê Đức Chính). Sau này con cháu mang dòng họ Trần Lê.

Lê Công đặt tên Ngài là Lê Thị Thắng, tên riêng của Ngài là Giáng Tiên vì ngài đẹp như tiên giáng trần.

Lê Công là một nhà nho, phong lưu, sung túc, người ở xã Tiên Hương, có đủ vật lực cho con gái theo đòi bút nghiêng , thi thư kinh sử, may vá thêu thùa. Nàng Giáng Tiên hồi bấy giờ thật là một người con gái hoàn hảo, có nhan sắc thông minh, nết na, lại tài giỏi về nữ công, âm nhạc, thi phú.

Những lúc nhàn rỗi, Giáng Tiên thường dạo chơi ra vườn gẩy đàn ngâm thơ. Hiện vườn ấy hãy còn di tích, lại đăng sau đền thờ Mẫu ở xã Tiên Hương bây giờ.

tiểu sử đức thánh mẫu phủ dầy

(Cung cấm thờ Đức Thánh Mẫu Phủ Dầy tại Phủ Chính – Phủ Dầy Nam Định)

Các bài thơ của nàng Giáng Tiên soạn còn truyền lại được bốn bài vịnh xuân, hạ, thu đông (xem thêm bài viết Văn thơ của Đức Thánh Mẫu Phủ Dầy)

Năm 19 tuổi thì Giáng Tiên xuất giá kết hôn cùng với Trần Đào Lang. Đào Lang là con nuôi một ông quan hưu trí họ Trần ở thôn Vân Đình cũng thuộc xã Tiên Hương. Tục truyền rằng ông quan họ Trần ấy đã nhiều tuổi mà không có con, một hôm ra dạo mát vườn hoa tìm được một cậu bé, ai đem bỏ ở gốc cây đào, bèn đem về nuôi và đặt tên là Đào Lang.

Nàng Giáng Tiên về nhà chồng, trên thuận dưới hòa, nức tiếng là người hiền phụ. Đước một năm sinh hạ được một giai đặt tên là Lê Nhâm, năm sau nữa lại sinh thêm được một gái tên Lê Cổn.

Sau khi lấy vợ, Đào Lang tỏ vẻ hơi trễ nải việc học hành. Nhân lúc canh khuya dệt vải, nàng Giáng Tiên làm một vài thơ có 28 vị tinh tú để răn đức lang quân. Đào Lang cũng họa một bài có 28 vị sao, và sau khi ấy trở nên rất chăm chỉ.

Giữa lúc gia đình đang sống trong cảnh yên vui, đầm ấm, trên có cha mẹ già, dưới có hai con thơ, vui vầy sum họp thì thương ôi nàng Giáng Tiên tự nhiên vô bệnh mà mất. Nàng mất năm 1577 (năm Đinh Sửu), giờ Dần ngày mùng 3 tháng 3, khi ấy mới vừa 21 tuổi, mộ táng ở xứ Cây Đa xã Tiên Hương, hiện nay lăng của ngài vẫn còn ở đấy. Năm 1938, người trong họ Đào chi và những người tín ngưỡng Đức thánh Mẫu ở trong Trung Kỳ đã hưng công đóng góp xây dựng thành một ngôi lăng mộ Đức Thánh Mẫu Phủ Dầy nguy nga tráng lệ.

>> Xem thêm: Lăng mộ Thánh Mẫu Liễu Hạnh

(Nội dung bài viết chép theo cuốn Hội Phủ Dầy – Sự tích Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh Công Chúa – Tác giả Phạm Quang Phúc (tri huyện Vụ Bản biên tâm năm 1942) – Nhà xuất bản Thế Giới ấn bản năm 2021)

>>> Nhấn Subsciber để xem thêm các video về Phủ Dầy tại kênh Phủ Dầy Nam Định Official 

One thought on “Tiểu sử Đức Thánh Mẫu Phủ Dầy (chép theo Ngọc phả)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *