Các ngày khánh tiệc Tứ phủ tháng 3 âm

Có thể nói tháng 3 là tháng quan trọng nhất đối với mỗi người con của Mẫu, trong bài viết này xin cung cấp danh sách các ngày khánh tiệc Tứ Phủ tháng 3 âm lịch. Thông tin các ngày tiệc Tứ Phủ Công Đồng, lễ hội trong tín ngưỡng thờ Mẫu và Trần Triều trong tháng 3 âm lịch hàng năm.

Lễ hội Phủ Dầy – nơi trung tâm thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu lớn nhất cả nước.

Các ngày tiệc Tứ Phủ tháng 3

Ngày 02/03 tiệc Cô Bé Cửa Suốt
Ngày 03/03 khánh tiệc Đức Quốc Mẫu Phủ Dầy Liễu Hạnh Công Chúa (Mẫu Đệ Nhất Thượng Thiên – Thánh Mẫu Thần Chủ)
Ngày 06/03 tiệc Vương tử Đệ Nhị Trần triều Hưng Hiến Đại Vương
Ngày 07/03 tiệc Cậu Bé Đồi Ngang
Ngày 09/03 khánh tiệc kỵ nhật Chầu Quỳnh
Ngày 14/03 khánh tiệc kỵ nhật Chầu Đệ Tứ Khâm Sai
Ngày 15/03 khánh tiệc kỵ nhật Chầu Quế
Ngày 17/03 tiệc Chầu Tám Bát Nàn

>>> Xem thêm: Nội dung chương trình lễ hội Phủ Dầy 2023

Khánh tiệc Đức Quốc Mẫu Phủ Dầy – Liễu Hạnh Công Chúa

“An Thái thôn quê đất Phủ Dầy, An Thái thôn quê,
Mẫu giáng sinh vào cửa nhà Lê cải Trần”
Theo sử sách còn lưu giữ, Mẫu giáng sinh tại làng An Thái huyện Thiên Bản nay là thôn Tiên Hương, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định vào một đêm trăng rằm tháng 8 năm Đinh Tỵ (1557) nguyên hiệu Lê Thiên Hựu nguyên niên, triều vua Lê Anh Tông.Thân phụ của Mẫu là Lê Công Chính và thân mẫu là Trần Thị Phúc. Cao cao Tổ thuộc dòng dõi họ Lê trong Thanh Hóa, ở ẩn ra ngoài làng Kẻ Dầy, đổi sang họ Trần, tới đời thứ 3 thì lại đổi về họ Lê (Lê Công – Lê Đức Chính). Sau này con cháu mang dòng họ Trần Lê.
Phủ Chính Phủ Dầy nơi thánh Mẫu Liễu Hạnh giáng sinh.
Thân phụ đặt tên Mẫu là Lê Thị Thắng, tên riêng của Mẫu là Giáng Tiên vì ngài đẹp như tiên giáng trần. Nàng Giáng Tiên hồi bấy giờ thật là một người con gái hoàn hảo, có nhan sắc thông minh, nết na, lại tài giỏi về nữ công, âm nhạc, thi phú.
Những lúc nhàn rỗi, Giáng Tiên thường dạo chơi ra vườn gẩy đàn ngâm thơ. Hiện vườn ấy hãy còn di tích, lại đằng sau Phủ Chính bây giờ, khuê phòng của Mẫu cũng chính là khu vực cung cấm trong Phủ.
Trải qua “tam sinh, tam hóa” với nhiều công lao, suốt bao đời nay Mẫu là biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam tài sắc vẹn toàn, công dung ngôn hạnh. Với tấm lòng hiếu nghĩa thủy chung, trung trinh đức độ, cầm kỳ thi họa, thiện tâm cứu thế, ban lộc giúp đời, thần thông biến hóa, diệt ác trừ gian, giúp dân giúp nước, Mẫu đã được nhiều các triều đại phong kiến ban sắc phong với nhiều mỹ tự “Thượng thượng đẳng tối linh thần, Chế thắng hòa diệu Đại Vương, Mã vàng Bồ Tát…” là bậc Mẫu Nghi Thiên Hạ, được nhân dân tôn kính là một trong bốn vị Thánh Tứ bất tử trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam.
Nam mô Thiên tiên Thánh Mẫu đai từ tôn, cung chúc thánh thọ vô cương, thánh cung vạn tuế !

Khánh tiệc Chầu Đệ Tứ Khâm Sai

Ngày 14/3 tiệc Chầu Đệ Tứ Khâm Sai
“Quê hương An Thái xã danh
Có Chầu Đệ Tứ hách danh dõi truyền
Khâm sai đệ tứ tuỳ tòng
Chiêu tài tiếp lộc gần xa cho đồng
Kiêm tri tứ phủ công đồng
Mẫu ban coi sóc đền rồng thiên thai.”
Chầu Đệ tứ khâm sai là vị thánh chầu giữ quyền khâm sai tứ phủ, được sắc phong Chiêu Dung công chúa. Ngài giáng sinh ở làng An Thái, trấn Sơn Nam (nay là thôn Tiên Hương, xã Kim Thái, Vụ Bản, Nam Định) cận kề bên Thánh Mẫu, nên đền chính thờ Thánh chầu là ở Phủ Dầy.
Khi về ngự đồng, ngài trong trang phục màu vàng màu đặc trưng của địa phủ. Trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Tứ phủ, Chầu Đệ tứ không chỉ giữ quyền khâm sai mà còn giữ sổ Tứ phủ, cai quản bản mệnh của thanh đồng.

Khánh tiệc Chầu Quỳnh và Chầu Quế

Bên cạnh Chầu Đệ Tứ Khâm Sai, Chầu Quỳnh và Chầu Quế là hai vị thánh chầu thân cận nhất hầu cận kề bên Đức Thánh Mẫu thần chủ. Theo gia phả dòng họ Trần Lê còn lưu giữ tại Phủ Nội (Phủ Dầy), nhị vị thánh Chầu đều thuộc dòng họ Trần Lê tại thôn An Thái (nay là thôn Tiên Hương, xã Kim Thái, Vụ Bản, Nam Định). Chầu Quỳnh có tôn lăng tại xứ Chợ Sại và Chầu Quế tôn lăng tại xứ Đồng Sau đều thuộc thôn Tiên Hương, Phủ Dầy.

Các chầu được đặc biệt phối thờ bên cạnh Đức Thánh Mẫu trong cung cấm tại Phủ Chính Phủ Dầy (khu vực cung cấm và khu vườn phía sau tại Phủ Chính ngày nay cũng chính nơi là khuê phòng và khu vườn sinh thời của Mẫu khi xưa vẫn thường ra gẩy đàn làm thơ).

Chầu Quỳnh và Chầu Quế được thờ trong cung cấm Phủ Chính Phủ Dầy bên cạnh Đức Thánh Mẫu

Theo các thần tích còn lưu truyền tại Phủ Dầy thì hai Chầu anh linh, hiển hách, cùng Mẫu thường biến hiện, rong chơi khi sơn lâm rừng xanh núi đỏ, lúc vào nam ra bắc, khi giáng phúc trừ tai, lúc lại thẳng tay trừng trị kẻ gian ác, ban tài tiếp lộc cho người hiền lương. Chính vì vậy nơi đâu có đền, phủ thờ Mẫu thì nơi đó có thờ nhị vị thánh Chầu hầu cận hai bên. Nhị vị Thánh Chầu được Mẫu ban giao giữ sổ sách Tam tòa, coi sóc chốn nội cung Phủ Mẫu.

Theo gia phả còn lưu các ngày huý kỵ :
– Ngày 3/3 Âm lịch kỵ nhật Đức Thánh Mẫu.
– Ngày 9/3 Âm lịch kỵ nhật Chầu Quỳnh
– Ngày 14/3 Âm lịch kỵ nhật Chầu Đệ Tứ Khâm Sai
– Ngày 15/3 Âm lịch kỵ nhật Chầu Quế

>>> Nhấn Subscribe để theo dõi các video về Phủ Dầy Nam Định tại kênh: Phủ Dầy Nam Định Official – YouTube

Có thể bạn quan tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *