Tiệc Tứ Phủ tháng 10 âm : Tiệc Ông Hoàng Mười Nghệ An

Trong tín ngưỡng Tứ Phủ, tiệc tứ phủ tháng 10 là một trong các tháng quan trọng với các thanh đồng đạo quan, đây là tháng khánh tiệc Ông Hoàng Mười Nghệ An – vị thánh hoàng nổi tiếng nức danh ba miền, ngài là con thứ 10 của vua cha Bát Hải Động Đình. Theo sự sắp xếp của vua cha, ông Hoàng Mười xuống trần gian để giúp dân giúp nước với nhiều chiến công hiển hách được bách tính nhân dân khắp nơi nhang khói phụng thờ.

Ngày 10 tháng 10 âm lịch: Khánh tiệc Ông Hoàng Mười Nghệ An

 

đền Quan Hoàng Mười ở đâu

 

Ông Hoàng Mười Nghệ An – Huyền thoại và di tích lịch sử

Sử xưa ghi lại, Hưng Nguyên là huyện đồng bằng tả ngạn sông Lam nằm ở phía nam tỉnh Nghệ An. Đây là quê hương của nhiều nhân kiệt nổi tiếng đồng thời Hưng Nguyên còn là một vùng đất địa linh có bề dày lịch sử và trầm tích văn hóa đặc trưng của xứ Nghệ. Hưng Nguyên luôn gắn bó mật thiết với quá trình xây dựng và phát triển đất nước có nhiều đóng góp lớn lao về công của, trí tuệ trong công cuộc xây dựng nền văn hóa đất nước; tạo dựng nên những giá trị lớn lao về vật chất, biểu tượng, tinh thần… tạo nền móng vững chắc cho sự phát triển của xứ Nghệ, mà trong đó di tích lịch sử đền Ông Hoàng Mười là một trong những địa chỉ tâm linh nổi tiếng bậc nhất được cả nước quan tâm hướng đến mỗi dịp tháng 10.

Tiệc Tứ Phủ tháng 10: tháng tiệc Ông Hoàng Mười Nghệ An

 

Đền ông Hoàng Mười tại làng Xuân Am xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Đền còn có tên gọi khác là đền Mỏ Hạc hay lấy tên làng là đền Xuân Am, được xây dựng vào thế kỷ 17 dưới thời Lê Trung Hưng. Đền nằm ở vị trí có cảnh quan đẹp. Xung quanh đền là sông Cồn Mộc trong xanh uốn lượn, phía xa xã là ruộng đồng xanh tươi ngắt một màu. Còn bên sau đền là núi Con Mèo, núi Dũng Quyết. Đặc biệt, đền nằm xa làng mạc, lại ở giữa non nước hữu tình, núi quần tụ, cây cối tốt tươi nên tạo nên một vẻ trong lành yên ả.

Theo tín ngưỡng Tứ Phủ, ông Hoàng Mười là con thứ 10 của vua cha Bát Hải Động Đình trên thiên đình. Theo sự sắp xếp của vua cha, ông Hoàng Mười xuống trần gian để giúp dân giúp nước.Tương truyền, Ngài là hoá thân của các vị Lý Nhật Quang, Lê Khôi, Nguyễn Xí, Nguyễn Duy Lạc – là những nhân vật lịch sử gắn bó với Xứ Nghệ, có nhiều công trạng với nước, với dân, có thân thế gần giống như Quan Hoàng Mười.  Và địa phương nơi ông xuống cai quản chính là mảnh đất Nghệ An. Với việc tỏ rõ linh ứng, theo thời gian, hình tượng quan Hoàng Mười được lịch sử hóa và địa phương hóa, tức gắn liền với những nhân vật có thật trong lịch sử. Từ đó, tâm thức dân gian tại vùng Nghệ An ngài giáng xuống và hóa thân làm những vị anh hùng, những danh nhân nổi tiếng và có sự gắn bó mật thiết với đất và người xứ Nghệ.

Tiệc Tứ Phủ tháng 10: tháng tiệc Ông Hoàng Mười Nghệ An

 

>>> Xem thêm:

Hình tượng của người dân về ông Hoàng Mười Nghệ An là vị quan thương dân, gần dân. Điều đó được thể hiện khi chiến tranh loạn lạc ngài xông pha dẹp giặc giữ yên bờ cõi, khi thanh bình ngài dạy dân trồng lúa, trồng dâu nuôi tằm, đắp đê ngăn lũ, làm thủy lợi, cầu cống, đường sá, cưới chợ… giúp nhân dân có được cuộc sống ổn định, ấm no. Chính vì vậy mà ông Hoàng Mười luôn được tôn sùng và kính trọng. Và cho dù hóa thân thành danh nhân nào thì hình tượng ông Hoàng Mười vẫn luôn lung linh, mầu nhiệm, gắn bó và gần gũi với bản lĩnh và khí chất người xứ Nghệ. Bên cạnh đó, ông Hoàng Mười còn là người có xuất thân cao quý, văn võ song toàn, lại hào hoa phong nhã… Cũng có lẽ vì vậy mà ông có tên là “Mười” mang ý nghĩa tròn đầy, toàn diện.

 

Như Giáo sư Vũ Ngọc Khánh có chia sẻ: “Ông Hoàng Mười là nhân vật huyền thoại nhưng lại gần gũi thân quen và được nhân dân quý trọng, tôn sùng, vì ông rất hợp với tâm lý và phong cách xứ Nghệ. Con người đáng trân trọng là có chí nam nhi phải là anh hùng ngang dọc, phải có văn võ, có trí, có dũng. Con người phải biết lo lắng cho cuộc sống bình an của dân chúng, phải biết vì dân vì đời. Nhưng con người ấy không phải là con người ham danh lợi, biết yêu thiên nhiên, thích văn chương, yêu phong nguyệt. Hơn thế nữa, nếu là con người xứ Nghệ thì phải rất tình tứ, biết say cái đẹp, biết đến tình yêu như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ…. Lại phải có đôi nét phóng khoáng nghịch ngợm của Hồ Xuân Hương. Những đức tính ấy, phong cách ấy trong ngũ vị vương quan, thập vị hoàng tử, thập nhị tiên cô đều không có đủ. Vị này có nét này, vị nọ có nét kia, song không ai có đầy đủ tất cả như ông Hoàng Mười“.

 

Hàng năm, cứ đến tháng 10, nhân dân các nơi trong mọi miền tổ quốc đều nô nức về đền ông Hoàng Mười tại làng Xuân Am để dâng nén hương thơm tưởng nhớ đến vị thần “Hộ quốc tý dân”, và cầu mong phù hộ cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, thái bình thịnh trị. Cũng chính vì vậy mà lễ hội của đền vẫn được nhân dân địa phương tiếp nối từ đời này qua đời khác, trở thành một nét văn hóa tâm linh không thiếu trong đời sống tinh thần từ xưa tới nay. Đền ông Hoàng Mười trở thành nơi gửi gắm niềm tin, hy vọng, và chỗ dựa tinh thần của đại bộ phận người dân.

Tiệc Tứ Phủ tháng 10: tháng tiệc Ông Hoàng Mười Nghệ An

 

Hầu giá ông Hoàng Mười

Ông Hoàng Mười Nghệ An được coi là một trong hai vị (bên cạnh Ông Hoàng Bảy) trong Thập Vị Quan Hoàng thường hay về ngự đồng nhất, do ông là người được Vua Mẫu giao đi chấm lính bắt đồng. Những người sát căn ông Mười thì thường hào hoa phong nhã, văn võ song toàn đặc biệt là văn chương rất giỏi.

Khi ngự về đồng, ông thường mặc áo vàng có thêu rồng uốn lượn thành chữ Thọ. Đầu đội khăn xếp thắt lét vàng, kim cài lệch màu vàng kim. Ông ngự về tấu hương rồi khai quang. Sau đó, ông múa cờ chinh chiến, có khi lại ngâm thơ, cũng có lúc ông lại lấy dải lụa vàng như đang cùng người dân kéo lưới trên sông Lam, tượng trưng cho việc kéo tài lộc về cho bản đền. Giống như ông Bảy, ông Mười cũng cầm cây hèo cưỡi ngựa đi chấm đồng. Người ta dâng ông miếng trầu, thuốc lá là những đặc sản quê hương Nghệ An khi ông ngự vui, hò những điệu hò xứ Nghệ mượt mà.

tiệc tức phủ tháng 9 âm

Quan Hoàng Mười vị thánh hoàng linh thiêng nhất đất Nghệ An

Bản văn Ông Hoàng Mười Nghệ An

Cành hồng thấp thoáng trăng thanh,
Nghệ An có đức thánh minh ra đời.
Gươm thiêng chống chỉ đất trời
Đánh Đông, dẹp Bắc việc ngoài binh nhung.

Thanh xuân một đấng anh hùng.
Tài danh nổi tiếng khắp vùng Trời Nam.
Hai vai nặng gánh cương thường,
Sông Lam sóng cả, buồm dương một chèo.

Dựng nền đức Thuấn nhân Nghiêu,
Sóng yên bể lặng sớm chiều thảnh thơi.
Khi Bích động lúc Bồng lai,
Non nhân, nước trí mọi nơi ra vào

Cỏ hoa hớn hở đón chào.
Nhớ xưa Lưu Nguyễn lạc vào Thiên thai.
Trời Nam có đức Hoàng Mười,
Phong tư nhất mực tuyệt vời không hai.

Nền chí dũng, bậc thiên tài,
Văn thao – Võ lược tư Trời thông minh.
Tiêu dao di dưỡng tang tình.
Thơ Tiên một túi – Phật Kinh trăm tờ.

Khi Phong nguyệt, lúc bi từ.
Khi xem hoa nở, khi chờ trăng trong.
Khi Thiếu lĩnh, lúc non Bồng,
Cành cây mắc võng, lòng sông ngự thuyền.

Người Thành thị, khách Lâm tuyền,
Nam thanh nữ tú mình quyền bóng sang.
Phong quang đẹp ý Đức Hoàng.
Khác nào Thu cúc – Xuân lan tới tuần.

Xiết bao bể ái, nguồn ân.
Ban Tài, tiếp Lộc, thi nhân, thi từ.
Cát đằng thuận gió xuân đưa
Xui lòng quân tử đề thơ hảo cầu

Năm ba Tiên nữ theo hầu,
Trăm hoa cài tóc, nhiễu Tàu vắt vai.
Phong hoa tuyết Nguyệt đượm mùi,
Dâng câu thiên bảo chúc lời tăng long

Trần duyên chưa trút được lòng,
Đường mây sớm trở xe hồng thượng Thiên.
Nghe thường hội nghị quần Tiên,
Nghe tin người đến thiên duyên chạnh lòng.

Vân tiên mượn cánh chim hồng,
Xin người soi tỏ tấc lòng cho chăng?
Cầu Ô đem bắc sông Ngân,
Ngồi trong cung Quảng đêm Xuân mơ màng

Bóng trăng soi tỏ canh trường.
Đã cam tấc dạ tuyết sương cùng người.
Thủy tiên dìu dặt đón mời,
Bấy lâu khao khát đầy vơi chạnh lòng.

Vượt bể đào tới ngàn xanh.
Đường Tiên cảnh cũ nặng tình nước non.
Trúc xinh cô Quế cũng giòn
Phù dung yểu điệu – Mẫu đơn não nùng.

Ngày ngày lên núi ngóng trông.
Đỏ hai khóe hạnh chờ mong Đức Hoàng.
Nhớ xưa hẹn ngọc, thề vàng.
Mừng nay tỏ mặt Đức Hoàng tới nơi

Lên núi rồi lại xuống đồi,
Dưới trăng luống những đứng ngồi ngẩn ngơ.
Vào rừng hái lá đề thơ,
Cậy đôi cánh Nhạn tin đưa tới người.

Cõi Trần mở tiệc mừng vui.
Đông về nhớ Đức Hoàng Mười giáng sinh.
Rượu đào kính chúc Thánh minh.
Phong hoa, tuyết nguyệt phẩm bình mấy chương.

Ngẫm câu Thế sự vô thường
Tấc son mượn nước cành dương tưới nhuần
Vắng người vắng cả mùa Xuân.
Nhớ người vì Nước, vì Dân, vì Đời.

Thế gian nhớ miệng Hoàng cười
Nhớ khăn Hoàng chít, nhớ lời Hoàng ban.
Khi phố Cát, lúc đồi Ngang,
Nón kinh vó ngựa, dăm ngàn tiêu dao.

Đường đường cung kiếm anh hào,
Túi thơ, bầu rượu sớm chiều sênh sang.
Hèo hoa chảy hội Tiên hương
Chấm đồng nhận lính khắp miền Đông Tây.

Khi nương gió, lúc cưỡi mây.
Khi rung khánh ngọc khi lay chuông vàng.
Hoàng về gối xếp ai mang,
Hèo hoa ai vác ngựa vàng ai trông.

Lệnh truyền cô Quế, cô Hồng,
Hèo hoa, gối xếp, đèn lồng tay mang.
Cô Lan, cô Huệ xếp hàng,
Gióng yên, dắt ngựa lên đàng vân du.

Thuyền Rồng thấp thoáng chèo đưa,
Tinh kỳ nhã nhạc Hoàng về Nghệ An
Phú chuốc rượu
Bồ đào tửu Linh Sơn tiên nữ cất

Đợi xuân về hội nghị quần tiên
Rượu nồng tiên nữ dâng lên
Tuần sơ dâng tiến án tiền mời Hoàng xơi
Hoàng cúc bôi trung đường tiên tửu

Hằng Nga thiên thượng tuyết thu ba
Tay tiên chuốc chén hoàng hoa
Nhị tuần dâng tiến mới đà thiết thi
Sao thế nhỉ trăng khi mờ khi tỏ

Gớm ghê thay nàng Ngọc Thỏ đa tình
Tay tiên chuốc chén rượu quỳnh
Tam tuần hiến, hỏi ba vạn sáu ngàn ngày là mấy.

Các đoạn thơ phú

Bởi tiền thế tu nhân tích đức
Khiến xui lên gặp bạn tiên cung
Nợ trần hoàn vương vấn chưa xong
Giục lòng khách mơ mòng tưởng nhớ

Nay đến lúc Hoàng về người ở
Thôi thôi đành vĩnh cách trường ly
Nghĩa trăm năm còn bức ca thi
Dâng hoàng tử làm khi tiễn biệt

Một lối lên tiên nhẹ gót trần
Mây trời cỏ đất hội long vân
Ba sinh gặp gỡ say vì cảnh
Một phút mơ màng vạn cảnh xuân

Văng vẳng bên tai cung đàn nguyệt
Vang vang trong động thú chào xuân
Chẳng hay cảnh ấy về đâu tá
Mong tới nguyên đào vẫn chủ nhân

Hoa đào rơi rắc lối thiên thai
Suối tiễn oanh đưa luống ngậm ngùi
Nửa năm tiên cảnh bước trần ai
Ước cũ duyên xưa có thế thôi

Đá mòn rêu nhạt nước chảy hoa trôi
Cánh hạc bay cao vút tận trời
Ngõ hạnh vườn đào xa cách mãi
Ngàn năm thơ thẩn bóng trăng soi

Yên hà lối trước lại lần sau
Nước biếc non xanh thắm một màu
Đàn hát hôm nay êm dìu dịu
Hạt mây này nọ sạch lầu lầu

Cây xưa lối cũ say vì cảnh
Gió mới xuân về chẳng khác xưa
Nhìn tiên cảnh năm xưa còn đứng đó
Hỏi người năm cũ bây giờ đâu.

Hò Nghệ An

Đất lề quê thói Nghệ An
Miếng trầu cau đậu dâng quan Hoàng Mười
Trông hoa lại nhớ đến Người
Đông về lại nhớ Hoàng Mười Nghệ An

Đất Nghệ An có anh hùng hào kiệt
Tiếng Ông Mười lẫm liệt ngàn xưa
Vung gươm lên ngựa đề cờ
Ra tay gìn giữ cõi bờ Việt Nam

Chí anh hùng ra tay giữ nước
Đi tới đâu giặc phải tan ngay
Việt Nam ghi nhớ sử này
Cung cao điện ngọc đêm ngày khói nhang

Khi hội nghị luận bàn việc nước
Hoàng mang tài thao lược hiến dâng
Lĩnh sắc rồng khiển tướng điều quân
Gươm thiêng ba thước,ngựa hồng xông pha

Đò từ Đông Ba đò qua Vĩ Dạ,
Đò từ Đầm Đá tới Phú Vân Lâu
Non xanh nước biếc một màu
Một con đò nhỏ đưa ghế ông về thăm cảnh Nghệ An

Cũng có phen lên ngàn xuống bể
Trở ra về phủ tía lầu son
Cũng có phen ngắm ánh trăng tròn
Khi xem huê nở khi chờ trăng lên

Đường về xứ Nghệ nghĩa tình,
Sông Lam núi Quyết địa linh bao đời,
Tam Kỳ Mỏ Hạc là nơi,
Đền thờ lăng mộ đời đời khói nhang

Nước sông Lam răng trong răng đục
Gạo chợ Chùa vừa trắng vừa trong
Ghế ông tình mặn nghĩa nồng
Điều lành điều dữ sá cùng trần gian

Muối ba năm muối kia còn mặn
Gừng chin tháng gừng hãy còn cay
Ghế ông đây tình nặng nghĩa dày
Xa xôi chăng mấy cũng về đây ngự đồng

Thuyền rồng còn đợi bến sông
Chở các thanh đồng đi hội trong Nghệ An
Cho dù cách trở sông Lam
Có cầu Bến Thuỷ bắc ngang đôi bờ

Dòng sông Lam bên lở bên bồi
Dấu thiêng Hoàng để muôn đời khói nhang
Đất Thiên Bản còn nhớ người trấn thủ
Chốn Phủ Dầy còn ghi tạc chữ công danh
Ông Mười trấn thủ trong thành
Mười ba năm lẻ còn nức danh tướng tài

Thành Huế ơi sông Hương răng núi Ngự
Cầu Tràng Tiền ,Bến Thuỷ đẹp long lanh
Năm cửa ô về tới đô thành
Nam Đàn xứ Nghệ nức danh Hoàng Mười

Đường vô xứ Nghệ loanh quanh
Nơi Ông Mười ngự như tranh hoạ đồ
Ai vô xứ Nghệ thời vô
Qua cầu Bến Thuỷ tới kinh đô Hoàng Mười

Ngắm xem phong cảnh đất trời
Nghệ An mến khách mến người trọng ân
Cỏ cây chưa trút bụi trần
Đường về chẳng biết rằng gần hay xa

Xinh thay hỡi thú yên hà
Đào nguyên ướm hỏi ai là chủ nhân
Đường xa muôn dặm cũng gần
Giáng lâm giá vũ đằng vân ngự đồng

Chim khôn đã phải cẩm lồng
Cau non, cùng với thuốc lá chiều lòng (Hoàng) ăn chơi

Vân du góc bể chân trời
Không đâu lịch sự bằng nơi đền này
Bao giờ Hồng Lĩnh hết cây
Sông Lam hết nước ghế ông đây chưa hết lộc tài

Độ cho đắc lộc tài sai
Thọ khang phú quý trong ngoài hanh thông
Bốn mùa xuân hạ thu đông
Thu Đông tiếp lộc,hạ xuân tiếp tài

Ai mà ăn nói đơn sai
Dù cho của cải cũng để ngoài bể đông
Thương ai chấp lính nhận đồng
Tu nhân tích đức lên công vẹn thành

Ai ơi nên ở cho lành
Kiếp này chưa trọn Hoàng để dành kiếp sau

Nào trời có phụ ai đâu
Sở nguyện như ý sở cầu tòng tâm
Ai mà tích đức tu nhân
Đắp bồi cội phúc thêm phần đề đa

Trăng bao nhiêu tuổi trăng già
Ghế Hoàng bao nhiêu tuổi mà vẫn hào hoa như thuở nào
Trên trời vằng vặc ngôi sao
Trời nam chói lọi anh hào cổ xưa
Thương người dầu dãi nắng mưa
Thương người đi sớm về trưa nặng lòng
Chứng tâm chứng lộc cho đồng
Cho cầu nên ước được gia trung thuận hoà

Các cô quạt nước pha trà
Quần tiên múa hát xướng ca hoạ vần
Cô dâng lên chiếc quạt trầm
Nghiên vàng bút ngọc ân cần khoan thai
Đầu lược giắt, chân giậm văn hài
Cô cả dâng điếu ngự, cô nàng hai theo hầu
Cô ba gối xếp theo sau
Đất lề quê thói cô tư têm trầu Hoàng xơi
Cô năm dâng giá gương soi
Còn cô nàng sáu rượu mời dâng ông
Cô bảy dâng đoá huê hồng
Còn cô nàng tám kiệu rồng rước (ông Mười) lên
Cô Chín múa lượn xênh tiền
Thướt tha yểu điệu khách tiên mơ màng
Cô Mười thỏ thẻ oanh vàng
Tiếng tiêu cô thổi khiến lòng Hoàng nâng nâng
Cô mười một thơ hoạ đôi vần
Dâng ông quý vật kì tân đủ mùi
Cô mười hai sắc nước hương trời
Mười hai cô tiên nữ phò giá Ông Mười lai kinh

Lý nghệ an:

Thuyền ai thả lưới buông câu
Khoan hỡi dô khoan thuyền quan hoàng thập
Dập dìu trên sông sóng nước mênh mông
Hương ngát bay trong đền lòng hoàng thấy nâng nâng
Uy danh sáng soi muôn đời một lòng giữ yên trời nam
Muôn dân bắc nam phụng thờ hoàng độ cho nước non bình an

Lòng hoàng thương đồng còn nhiều gian nan
Nắng mưa không quản xin hoàng chứng cho lòng con
Tâm tư theo cánh nhạn hồng gửi về xứ thiên trời nam
Độ cho phúc lâu giàu bền lộc vô nhà như nước dòng sông lam

Bên dòng sông lam có đền đức Quan Hoàng Mười
Địa linh nhân kiệt vang danh lưu dấu muôn đời
Ngự đồng chơi hào hoa phong nhã
Bao người ngóng trông
Hộ quốc dân an cho mai sau đời đời ấm no

Phúc lai cho thanh đồng ghế ông hằng ghi nhớ mãi
Con cúi xin ông Mười ông về tiếp lộc để đa.

 

Tiệc tứ phủ tháng 10 âm – Lễ hội Đền Ông Hoàng Mười Nghệ An

Lễ hội Đền Ông Hoàng Mười  Nghệ An được hình thành và tồn tại với lịch sử của đền Ông Hoàng Mười từ thế kỷ thứ XVII, thời Lê Trung Hưng nhằm tưởng nhớ và tri ân công đức của Quan Hoàng Mười. Theo bản “Xuân Am thôn tục lệ” hiện đang được lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, các triều đại Phong kiến đều ban sắc phong thần cho các vị thần được thờ phụng tại đây. Triều đình giao cho làng Xuân Am phải có trách nhiệm “tòng tiền phụng sự” các vị thần, được quy định nghiêm ngặt trong bản hương ước của làng. Ngoài các ngày lễ tết, ngày rằm hàng tháng phải cúng bái chu đáo, thì có lễ Tự điển (Tế điển) vào ngày 15 tháng 3 Âm lịch được tổ chức có quy mô lớn đầy đủ các nghi lễ: lễ rước, lễ yết cáo, lễ đại tế, được nhân dân trong làng Xuân Am duy trì thực hành đều đặn hàng năm, coi như ngày hội lớn của làng.

Từ năm 1995, sau khi ngôi đền được phục dựng lại, Lễ hội đền Ông Hoàng Mười có sự thay đổi, nhân dân làng Xuân Am đã tập trung tổ chức lễ hội chính vào dịp ngày 10 tháng 10 Âm lịch (ngày hóa của quan Hoàng Mười, dịp tết cơm mới/tết Trùng thập/tết Hạ nguyên), người dân tin là ngày tròn trịa, viên mãn, mang lại nhiều điều tốt đẹp; ngày 15 tháng 3 chỉ thắp hương, dâng lễ.

Lễ hội diễn ra tại đền Ông Hoàng Mười, nhà thờ họ Nguyễn ở làng Xuân Am, nơi lưu giữ sắc phong. Các nghi lễ chính của hội gồm: Lễ khai quang/mộc dục (ngày 8 tháng Mười), Lễ rước sắc (ngày 9 tháng Mười), Lễ yết cáo, Lễ đại tế, Lễ tạ.

Lễ rước sắc từ nhà thờ họ Nguyễn về đền Hoàng Mười, diễn ra vào chiều ngày 9, do từ thời Phong kiến, sắc phong thần của đền được giao cho dòng họ Nguyễn trông coi, lưu giữ. Khi làng tổ chức hội thì rước sắc ra đền, xong hội lại rước về nhà thờ. Hiện nhà thờ họ Nguyễn lưu giữ 18 sắc phong gốc, trong đó 15 sắc phong còn nguyên bản. Trước năm 1975, khi chưa có đường lớn, lễ rước sắc di chuyển bằng thuyền trên sông Cồn Mộc. Ngày nay, đường thuận tiện nên đoàn rước đi bằng đường bộ. Ban lễ nghi và đội hình nghi lễ là những người trong gia đình không có tang, giữ mình thanh sạch. Đoàn rước gồm cộng đồng làng xã mang theo trống chiêng, cờ quạt, kiệu bành, kiệu long đình, lễ vật…, tập trung tại nhà thờ họ Nguyễn. Ông tộc trưởng họ Nguyễn làm lễ xin rước sắc về đền tổ chức lễ hội, trao sắc và lư hương cho Ban lễ nghi đặt lên kiệu long đình để rước về đền. Lễ rước trang trọng, linh thiêng, đầy âm thanh và màu sắc. Về đến đền, kiệu được hạ xuống sân đền, chủ tế rước hộp sắc vào làm lễ an vị tại Thượng điện.

Sáng ngày 10, dân làng làm lễ đại tế với lễ tuyên sắc và lễ tế. Hộp sắc trong Thượng điện được rước ra Hạ điện, chủ tế mở hộp sắc, lấy hai đạo sắc (1 đạo sắc thời Lê, 1 đạo sắc thời Nguyễn) ra và đọc nội dung. Tuyên sắc xong, sắc phong được để lại hộp và rước vào yên vị như cũ. Sau đó là lễ tế, dân làng và du khách dâng hương.

Buổi tối là lễ tạ quan Hoàng Mười, các vị thần linh đã phù hộ cho hội. Sau đó, sắc lại được rước về nhà thờ họ Nguyễn, cúng báo với thần thánh và tổ tiên lễ hội đã hoàn tất.

Nét đặc sắc của lễ hội đền Hoàng Mười là các hoạt động gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu, đó là diễn xướng nghi lễ hầu đồng. Hầu đồng Quan Hoàng Mười tại Nghệ An có những nét đặc sắc khác biệt với các bài hát chầu văn ca ngợi công danh hiển hách của Quan Hoàng Mười, được cung văn tấu theo lối hát dân ca Nghệ Tĩnh, ngài xuất hiện với phong cách đặc trưng của người con xứ Nghệ, đại diện cho cốt cách, khí phách con người xứ Nghệ: oai hùng, xông pha trận mạc, hào hoa, phong nhã, lãng mạn, yêu văn chương, thơ phú.

Bên cạnh các nghi lễ, lễ hội còn có các trò chơi dân gian như: đua thuyền, kéo co, đánh cờ người, thả đèn hoa đăng…; trưng bày sản phẩm các làng nghề truyền thống; các hoạt động thể thao.

Lễ hội đền Ông Hoàng Mười bảo lưu những phong tục tín ngưỡng và nghi lễ truyền thống; tái hiện lại sự tích, thân thế, công trạng của các nhân vật lịch sử như Quan Hoàng Mười hay Lý Nhật Quang, Lê Khôi, Nguyễn Xí, Nguyễn Duy Lạc, giúp người dân hiểu về lịch sử, truyền thống quê hương qua các hoạt động và phong tục được thể hiện trong lễ hội. Việc lịch sử hóa, địa phương hóa Ông Hoàng Mười thành các nhân vật lịch sử như: Lý Nhật Quang, Lê Khôi, Nguyễn Xí hay Nguyễn Duy Lạc cho thấy sự linh hoạt trong việc thể hiện truyền thống tôn vinh những người có công với quê hương đất nước của cư dân xứ Nghệ, nhắc nhở người đời sau về đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Nghi lễ hầu đồng bảo lưu, nuôi dưỡng hình thức nghệ thuật hát văn, giáo dục thế hệ trẻ về công lao của các anh hùng dân tộc. Lễ hội đền Ông Hoàng Mười đóng vai trò quan trọng trong đời sống sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân nơi đây. Tham gia lễ hội, các trò chơi tập thể là dịp người dân gặp gỡ, giao lưu, thắt chặt tình đoàn kết cộng đồng, chung tay xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn. Lễ hội đền Ông Hoàng Mười còn có vai trò lớn trong đời sống kinh tế của cộng đồng dân cư nơi đây, tạo điều kiện cho người dân có cơ hội nâng cao đời sống vật chất.

>>> Nhấn Subscribe để theo dõi các video về Phủ Dầy Nam Định tại kênh: Phủ Dầy Nam Định Official

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *