Thủ nhang Phủ Quảng Cung một tay gây dựng phủ, đền

Diện mạo Phủ Quảng Cung tại thôn Tiến Thắng, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên cho mãi đến những năm cuối thế kỷ XX, trong tâm trí tôi vẫn chỉ là hình bóng của mấy gian nhà luồng mái rạ, nép ven chiếc ao lớn có bóng tre gai và cây cối rậm rạp quây kín ngay đầu thôn Quảng Nạp, còn gọi là thôn Nấp – theo cách gọi nôm na của người dân trong vùng.

Phủ Quảng Cung

Nghệ nhân dân gian Trần Thị Vân người phục dựng Phủ Quảng Cung ở Ý Yên

Từ những ngày còn học cấp III trường huyện cuối những năm 60 thế kỷ trước, tôi thường theo bà nội đi lễ phủ này mấy lần, thường xuất phát từ chiều, qua hơn chục cây số cuốc bộ từ thị trấn Lâm, đến theo lễ thâu đêm, rồi ra về lúc sáng sớm. Bà tôi bảo: Nơi này thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, thiêng lắm! Nhưng người ta cấm không cho nhang khói, hầu đồng cháu ạ! Những người đang lễ bái như bà cháu ta nơi đây toàn phải vụng trộm thôi mà. Khổ lắm! Tôi theo bà chen chân vào gần hè đền, dưới cái ánh nhập nhoạng của đèn dầu, đền măng xông và không khí mờ ảo của nghi ngút khói nhang. Thi thoảng vọng ra những tiếng xuýt xoa, rì rầm quanh khu vực của một thanh đồng trang phục sặc sỡ, vung tay múa kiếm ngay giữa khoảng trống được trải chiếu trước ban thờ…

Phải đến giữa năm 2005, tôi mới có dịp cùng PGS.TS Trần Lâm Biền trở lại viếng thăm phủ Quảng Nạp. Đang ngơ ngác trước vẻ bề thế, hoành tráng của một cơ ngơi thờ tự như vừa mới hoàn thành chưa lâu, bà Trần Thị Vân, tự giới thiệu là thủ nhang và chủ chính của cơ ngơi này, đã vồn vã ra đón khách: Quý hóa quá! Rước các bác vào phủ viếng thăm. Hôm nay không phải ngày trọng lễ nên vắng khách. Vào đây, ta trò chuyện cho vui…

Bà Vân cười rổn rảng: Tôi nhớ, khi mới về với đất của Mẫu đây năm 2001, tôi đã hân hạnh được đón GS Trần Quốc Vượng và bác Trần Lâm Biền về rồi mà. À, vừa qua, có cháu Bắc, mới làm luận văn tốt nghiệp đại học về Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, được ông Thanh đây đồng hướng dẫn, thày Vượng cho điểm mười, đem một bản luận văn về nhờ tôi dâng lên thánh Mẫu. Luận văn đang đặt cạnh tượng Mẫu đấy. Cháu Bắc có tâm, có công cùng nhà đền sưu tập tư liệu về Mẫu lắm đấy! Bất giác, tôi nhớ lại, vào cuối năm 2003, tôi được mời đồng hướng dẫn đề tài luận văn nghiên cứu tín ngưỡng phụng thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, cho sinh viên Đỗ Duy Bắc, khoa Lịch sử, trường ĐHKH xã hội và Nhân văn Hà Nội. Hôm bảo vệ, GS Trần Quốc Vượng làm Chủ tịch Hội đồng, PGS.TS. Nguyễn Hải Kế phản biện. Thầy Vượng chấm điểm Mười. Và khen sinh viên Bắc nhiều lắm. Anh Bắc sau đó được nhận vào làm cán bộ giảng dạy tại khoa Văn – Sử, trường ĐHSP Đà Lạt… Trần Lâm Biền đại huynh quay sang tôi, khoát tay: Ngồi với bà này thì có mà hết ngày. Bà Vân này giỏi lắm. Một tay gây dựng phủ, đền kia đấy. Thôi, ông ngồi đầy hàn huyên, tôi lên xem lại bức tượng quý trong Cung cái đã! Bà Vân vội xua tay, cười chống chế: Khổ! Giỏi giang cái nỗi gì. Cũng là do Mẫu “điều” tôi về cái đất này ấy mà. Kệ ông lên cung. Tính khí ông này tôi biết, cấm có ngồi yên một chỗ bao giờ…!

Câu chuyện với người thủ nhang đang đối diện tôi tự nhiên lại ngược về quá vãng cách đây mấy chục năm có lẻ… Chiêu vội ngụm nước như để nén tiếng thở dài, bà Vân dịu giọng: Cái số tôi nó lạ lắm. Biết bao việc cứ như có sự sắp sẵn, lần lượt dẫn tôi đi theo. Sinh ra ở làng An Thái, xã Bình Mỹ, huyện Bình Lục, một vùng quê trũng ngập quanh năm. Vào độ vụ chiêm, đi gặt nước dâng ngang ngực. Khổ lắm! Tôi tuổi Tuất, sinh năm 1946, sau cái năm làng tôi biết bao người phải ra đi vì cái đói Ất Dậu ấy mà. Nhà nghèo, lại nuôi con nhỏ giữa kỳ đói kém, còn gì cực hơn. Ông bà thân sinh tôi sau này kể lại, cứ nghĩ ngày ấy không giữ nổi con. Vậy mà… Cũng may, tôi là người có thể chất của con nhà lực điền, cấy cày biết tuốt, thức khuya dậy sớm quần quật suốt ngày. Vừa qua tuổi vị thành niên, tôi xây dựng gia đình với người cùng làng. Cuộc sống nhà nông cứ vậy diễn ra trong ước mong “cơm no, áo ấm”. Rồi bốn đứa con, hai trai, hai gái lần lượt ra đời. Bước vào tuổi trung niên, không hiểu sao, tôi cứ hay ốm vặt, tính khí thất thường. Dặt dẹo nuôi con khôn lớn, tôi đi xem, một thầy đồng xã bên ghé tai thầm bảo: Cô có căn số. Nếu không hầu đồng mở phủ hoặc về công đức cho Thánh Mẫu ở Phủ Dầy thì khổ đấy! Chỉ đi lễ bái “tắc bọp” như hiện nay sẽ không ổn đâu. Nghe lời thầy, tôi bàn với chồng con, rồi khăn gói tìm về Tiên Hương, tự nguyện làm công đức cho vợ chồng ông Đức – vốn đang là thủ nhang nơi đây. Ngót chục năm trời, tôi thành tâm phục vụ cửa Mẫu, chăm nom hương hoa xếp lễ cho khách hành hương. Ông bà Đức thương tôi, sau cái năm 1995 thi thoảng vài tháng lại cho tôi hầu đôi giá. Thấy tôi hầu đẹp, nhập hồn, mọi người đều quý mến. Ông Đức nhận tôi là em kết nghĩa. Những năm đầu ở Tiên Hương cũng cơ cực lắm. Ông bà Đức vừa lo toan kín đáo chuyện nhang khói lễ Mẫu, vừa phải dọn dẹp nhiều gian điện thờ vốn xập xệ, dột nát, được xã lấy làm chỗ chứa phân đạm và thuốc trừ sâu. Mỗi dịp gặp mưa, nước chảy lênh láng ra sân, kèm theo mùi thuốc sâu tưởng như nghẹt thở. Những năm đầu thập niên 1990, chính quyền đã cho hầu đồng, hát văn lại đâu. Thi thoảng, ông bà Đức vụng trộm tổ chức vấn hầu, chính quyền lại đến gây khó dễ. Mãi đến cái năm 1995, chính quyền mới gọi đến truyền lệnh cấp trên, cho phép thử nghiệm mở lại lễ hội Phủ Dầy và thí điểm hầu đồng, cùng với đền Đồng Bằng bên Thái Bình. Lũ con nhang đệ tử như bọn tôi mừng lắm… Kể đến đây, gương mặt bà Vân như sáng ra. Cái nét phúc hậu lại hồng lên trên má, tôn cho ánh mắt thêm xa vợi...

Phủ Quảng Cung

Phủ Quảng Cung

Giục tôi uống nước, bà chép miệng, quệt môi trầu, kể tiếp: Ấy vậy mà, đang trong những tháng ngày ông bà Đức chạy vạy lo tiền nong tu sửa nhà đền, tụ hội các con nhang bản hội khắp nơi về dâng lễ, tổ chức luyện tập các đội cung văn, hầu đồng, thì năm 1999 tôi lại xin chuyển sang công đức cho Phủ Bóng kề cận ngay phía đầu xã Kim Thái này. Ngày ấy, phủ Bóng còn hoang sơ lắm. Khói nhang gần như lạnh tanh. Mảnh đất nhỏ bé hiện tồn ngôi đền cũng khiêm tốn. Mới sang, còn đang “hăng máu”, tôi thấy bình thường. Nhưng vài tháng sau, tôi thấy hiu quạnh. Đêm nằm thao thức, nhớ chồng, nhớ con quá thể. Lại chập chờn trong mơ, Thánh Mẫu hiện về, như thầm nhủ tôi về với đất Mẫu bên phía Ý Yên, gần dòng sống Đáy. Vậy là, qua mấy tháng giời, tôi sau khi lên nhang đèn cho phủ Bóng, lại cắp nón lang thang về vùng chợ Đồi, phủ Nấp, chẳng khác gì người đi điền dã như các ông nghiên cứu bây giờ. Không hiểu sao, mỗi lần bước vào ba gian đền làm bằng luồng, tường đất mái rạ, trong có ban thờ Thánh Mẫu, tôi lại thấy lòng dạ an lành, tâm trí sảng khoái. Trò chuyện với dân làng, mọi người kể cơ man là chuyện, xoay quanh Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Càng nghe, tôi càng như người nhập hồn, thầm reo lên như thể mình tìm được về cố hương bản quán vậy. Thế là, từ đầu năm 2000, tâm trí tôi suốt ngày chỉ hướng về phủ Nấp. Đang chông chênh tìm chỗ “an cư”, đùng một cái, đầu tháng 8 năm 2001, tôi nhận được giấy mời của Chủ tịch UBND xã Yên Đồng Nguyễn Văn Quang, mời tôi đến xã làm việc. Nghĩ là việc hệ trọng, tôi ra Ủy ban xã tìm gặp ông Quang. Chủ tịch xã niềm nở kéo tôi vào văn phòng trò chuyện. Thì ra, mấy tháng qua, nghe nguyện vọng người dân và xem xét nhu cầu sinh hoạt tâm linh trong cộng đồng và cơ ngơi thờ tự trên địa bàn xã, lại nghe người dân kể về lai lịch của tôi, ông Quang có ý muốn mời tôi về làm chủ đề án khôi phục, tôn tạo phủ Nấp và toàn quyền đứng ra đảm trách nhang khói cho di tích tín ngưỡng này. Cứ như có Mẫu run rủi, chẳng cần ngẫm nghĩ gì lâu, tôi đồng ý với ý kiến lãnh đạo xã và đề nghị văn bản hóa các nội dung thỏa thuận đôi bên. Đúng ngày mùng Tám tháng 8, tôi cầm tờ Quyết định của chính quyền địa phương về phủ, mời bà con dân làng đến, chính thức thông báo về trọng trách hệ trọng này trước ban thờ Mẫu cùng dân làng và mong muốn mọi người đồng tâm hiệp lực cùng tôi chấn hưng cho nơi phụng thờ Thánh Mẫu.

Tác giả: GS BÙI QUANG THANH (VIỆN VĂN HÓA NGHỆ THUẬT QUỐC GIA VIỆT NAM)
Nguồn: Báo điện tử Lao động

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *