Sự tích Thánh Mẫu Liễu Hạnh Phủ Dầy (Chép theo dã sử)

Theo dã sử Sự tích Thánh Mẫu Liễu Hạnh xuất hiện vào khoảng thế kỷ 15, được nhiều sử sách chép lại vô cùng tỉ mỉ. Cụ thể như sau.

Sự tích Thánh Mẫu Liễu Hạnh chép theo dã sử.

Tương truyền Thánh Mẫu Liễu Hạnh là công chúa trên thiên đình, là con gái thứ hai của Đức Vua Cha Ngọc Hoàng, vì lỡ tay đánh vỡ chén ngọc mà bị vua cha giáng xuống trần gian 21 năm, đầu thai làm người trần mắt thịt, con gái một gia đình họ Lê ở Nam Định. Trước khi hạ sinh Mẫu, Lê Thái Bà lâm bệnh có mang quá kỳ hạn rồi mà vẫn chưa sinh nở được. Mà Thái Bà lại chỉ ưa hoa thơm quả lạ, trầm đốt, hương xông, chứ không tưởng đến thuốc thang cơm cháo. Trong nhà ngờ có tà ma yêu quái quấy nhiễu, phải mời thầy phù thủy về trừ tà chữa bệnh, nhưng bệnh Thái Bà cứ mỗi ngày một tăng. Các thầy thuốc đều chịu không hiểu Thái Bà mắc bệnh gì.

tiểu sử đức thánh mẫu phủ dầy

Một đêm kia có người bận áo nâu quần trắng, ra dáng đạo nhân, đến nhà Lê Thái Ông yêu cầu xin được vào chữa bệnh cho Thái Bà. Người nhà không cho vào, nhưng khi Lê Thái Ông nghe nói có người đạo nhân đến như vậy, bèn truyền mở cửa mời vào. Người đạo nhân đã dấu sẵn trong tay một cái búa bằng ngọc, vào trong nhà rút búa ra bắt ấn quyết, miệng niệm thần chú mà ném cái búa xuống đất thật mạnh, tức thì Lê Thái Ông thấy hai người lực sĩ mặc áo giáp, đến dẫn giải đi. Cho đến một nơi cửa làm toàn bằng vàng chói sáng, qua cửa ấy lực sỹ đem áo cho  Lê Thái Ông thay, rồi lại dẫn điqua chín tầng cửa nữa thì đến một dinh thự bầy toàn những đồ chân châu báu ngọc ngà vô cùng lộng lẫy.

Liếc mắt nhìn vào, Lê Thái Ông nhìn thấy rõ các quan văn quan võ trên Thiên đình đang chiếu bái Đức Ngọc Hoàng. Trên sân rộng các công chúa và các tiên cô hết lớp này đến lớp khác, đang dâng rượu chúc thọ vua cha, trong khi các quần tiên khác đàn hát tưng bừng. Một tiên cô mặc áo đỏ tức là Đệ Nhị Quỳnh Nương tiên chúa khi ấy hai tay nâng chén ngọc bước gần đến bệ vàng để dâng rượu, vừa quỳ gối xuống thì bỗng đâu sẩy tay làm rơi chén ngọc, chén ngọc vỡ tan tành ngay trước mặt vua Cha. Giữa lúc đang có tiệc vui, triều đình đủ mặt, tội bất cẩn như thế thực không thể tha thứ được.

Đức vua cha Ngọc Hoàng nổi giận, giáng chỉ đầy tiên chúa xuống trần gian trong 21 năm nơi địa giới, không ai dám tâu xin cho tiên chúa một lời nào cả, tiên chúa run lẩy bẩy đành lòng vào quỳ bái biệt Đức Vua Cha rồi lui gót đi ra. Lập tức  sứ giả dẫn tiên chúa về ngả Nam Môn, có một người cầm kim bài đi trước, trên kim bài Lê Thái Ông nhìn rõ một bên có 2 chữ “Sắc Giáng”, một bên có hai chữ “Nam Nam”.

Đến đấy thì Lê Thái Ông chợt tỉnh giấc dậy, mở mắt ra không thấy người đạo sĩ đâu nữa. Mà trong nhà thì sực nức hương thơm, thoảng nghe thì lại thấy có tiếng khóc oe oe của trẻ sơ sinh. Lúc bấy giờ người nhà mới báo Thái Bà khỏi bệnh và sinh hạ một cô gái rất đẹp. Nhớ đến giấc mộng vừa qua, Lê Thái Ông bèn đặt tên cho con gái là Lê Thị Thắng, tên chữ là Giáng Tiên, nghĩa là Tiên trên thiên đình giáng thế.

Nàng Giáng Tiên với Quỳnh Nương Công chúa trong giấc mộng của Lê Thái Ông có phải hai người như một không ? hồi ấy ai cũng tin là như thế. Sau này, sắc đẹp tuyệt vời và sự thông minh khác thế của nàng Giáng Tiên cùng sự kiện nàng Giáng Tiên mất đúng vào năm 21 tuổi nghĩa là hết hạn Quỳnh Nương Tiên chúa phải trở về trời, lại càng làm cho dân chúng ai cũng tin rằng Giáng Tiên tức là Quỳnh Nương tiên chúa trong giấc mộng của Lê Thái Ông là một.

Sau khi Giáng Tiên mất đi rồi, có nhiều người thông minh, có học thức, có danh vọng  mà nhân dân tín nhiệm đã chứng nhận rằng họ đã trông thấy Giáng Tiên khi ẩn khi hiện ở một vài nơi. Có nhiều sự huyền bí lạ lùng xảy ra mà mọi người đều đoán là phép mầu nhiệm của nàng. Rồi có biết bao nhiêu người dốc lòng tin ở phép thần thông biến hóa của nàng, cầu điều gì thấy được điều ấy, tất cả những trường hợp đó đã làm cho nàng Giáng Tiên năm xưa trở nên một vị Thánh tối anh linh, không những một làng hay một tỉnh thờ tự mà số đông dân trong nước đều sùng bái như vậy.

Sự tích Thánh Mẫu Liễu Hạnh giáng hạ lần hai và lần ba.

Dẫu cho cuộc đời ngắn ngủi nhưng nàng đã sớm tha thiết với cuộc sống trần thế, bởi vậy vua cha Ngọc Hoàng cho nàng thêm hai lần đầu thai làm người. Những lần giáng trần này, nàng ngao du sơn thủy giúp người giúp đời, thưởng lãm cảnh đẹp hùng vĩ của đất nước và gặp gỡ, giao lưu với biết bao người, nhất là những tao nhân mặc khách (trong đó có Phùng Khắc Khoan để rồi cuộc gặp gỡ này lưu lại vết tích là phủ Tây Hồ).

Chính trong hai lần tái sinh này, dân gian còn lưu truyền nhiều sự tích về Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Từ việc nàng ủng hộ tiền bạc để đắp đê ngăn lũ, đến xây dựng cầu cống, mở đường mở xá, cùng biết bao công trình giúp cuộc sống của nhân dân thêm phần thuận tiện khác. Thậm chí, nàng còn ra tay làm phép để phù hộ nhân dân đánh đuổi giặc Tàu. Dân gian truyền lại rằng, lần giáng trần thứ ba của ngài là vào lúc Trịnh Nguyễn phân tranh, nhân dân lầm than cơ cực. Nàng đi khắp nơi để cứu nhân độ thế, trừng trị kẻ ác. Bởi thế, nhân dân lập đền thờ ở nơi nàng giáng trần (đền Sòng, Thanh Hóa).

Cũng có tích kể rằng Thánh Mẫu Liễu Hạnh từng mở quán bán hàng cho khách bộ hành ở chân Đèo Ngang. Tiếng đồn về một cô gái xinh đẹp bán hàng nơi heo hút ấy khiến cho bao kẻ tò mò, trong đó có vị hoàng tử đương thời. Vị này tìm đến quán hàng bán nước với ý đồ xấu xa nên đã bị tiên chúa làm cho dở điên dở dại. Để rồi nhà vua nhờ đạo sĩ bắt nàng về hỏi tội nhưng trước khẩu khí của nàng, nhà vua đuối lý nên phải tha mạng, nàng lại được Phật Tổ cứu giúp và được hiệu danh Mạ Vàng Bồ Tát.

Sự tích Quỳnh Nương Tiên Chúa đánh rơi chén ngọc bị giáng trần và hai lần tái thế biến đổi theo trí tưởng tượng của dân gian, theo dòng lịch sử. Huyền thoại từ nàng Giáng Tiên đến Liễu Hạnh công chúa và sau này là Thánh Mẫu Đệ Nhất Thượng Thiên như nhân dân suy tôn, đã được lưu truyền ở nhiều vùng, với nhiều tình tiết kỳ ảo. Từ Phủ Dầy, Nam Định đến Bắc Lệ – Lạng Sơn, Tây Hồ Hà Nội, Phố Cát, Sòng Sơn, Thanh Hóa, Ngọc Trọng – Cố đô Huế và nhiều nơi khác, đâu đâu cũng có di tích đền, phủ nổi tiếng thờ ngài và nhiều lễ hội được tổ chức để suy tôn ngài hàng năm.

Sự tích Thánh Mẫu Liễu Hạnh

Phủ Chính – Phủ Dầy nơi trung tâm gắn liền với Sự tích Thánh Mẫu Liễu Hạnh vị thần chủ của Đạo Mẫu Việt Nam

Trong tín ngường thờ Mẫu của người Việt, ngài được suy tôn là Thánh Mẫu tối cao, tức Mẫu Đệ Nhất Thượng Thiên, được thờ ở ngôi vị chính giữa trong Tam tòa Thánh Mẫu. Trong tín ngưỡng dân gian, ngài lại được nhân dân suy tôn là một trong Tứ bất tử. Sinh ra trong thời xã hội rối ren, tín ngưỡng thờ Mẫu và sự tích nàng Giáng Tiên như là chốn nương tựa của người dân cơ cực, ít nhất là về mặt tâm lý và tâm linh. Ngài chính là hiện thân của sức mạnh nữ quyền, đi ngược lại với giáo lý Nho Khổng với đạo Tam tòng Tứ đức. Cuộc đời trần thế của ngài chính là sự thể hiện ý nghĩa nhất tình yêu cuộc sống với đầy đủ sướng vui đau khổ, sự tự do trong hành động với tư duy phóng khoáng, độc lập. Điều đó giải thích cho sức sống bền bỉ và trường tồn của hình tượng Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh trong tâm thức người dân Việt Nam.

>>> Xem thêm: Tiểu sử Đức Thánh Mẫu Phủ Dầy (chép theo Ngọc phả)

>>> Nhấn Subsciber để xem thêm các video về Phủ Dầy tại kênh Phủ Dầy Nam Định Official 

Có thể bạn quan tâm

5 thoughts on “Sự tích Thánh Mẫu Liễu Hạnh Phủ Dầy (Chép theo dã sử)

  1. VK says:

    Người viết tham khảo bài trên wikipedia và một số kênh thông tin khác để một số chỗ ( nếu sai ) được sửa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *