Quy hoạch phân khu xây dựng quần thể Phủ Dầy

Quần thể Phủ Dầy là kiến trúc tín ngưỡng truyền thống thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh, một trong “Tứ bất tử” của tín ngưỡng Việt Nam. Quần thể Phủ Dầy có ba công trình kiến trúc chính liên quan chặt chẽ tới mẫu Liễu Hạnh là Phủ Chính Tiên Hương, Phủ Vân Cát và lăng bà Chúa Liễu. Ngoài ra, còn có một di sản văn hóa phi vật thể độc đáo gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt là Hầu bóng và hát Chầu văn.

  • Phủ Dầy cũng đã được xếp hạng Di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia từ năm 1975.
  • Tháng 12/2012, nghi lễ Chầu văn của người Việt ở tỉnh Nam Định và Hà Nam đã được Bộ VH, TT và DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
  • Và ngày 1/12/2016, di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Để bảo tồn và phát huy giá trị của quần thể Phủ Dầy, huyện Vụ Bản đã nỗ lực hoàn thiện mô hình công tác quản lý di tích và lễ hội.

Tuy nhiên, công tác bảo tồn, phát huy giá trị hệ thống di sản văn hóa Phủ Dầy đang phát sinh những tồn tại trong quá trình đô thị hóa, xây dựng phát triển kinh tế gắn với công cuộc xây dựng NTM hiện nay, chịu áp lực từ nhiều yếu tố xã hội như chuyển dịch cơ cấu kinh tế việc làm, dân số, sinh kế của người dân xung quanh, tốc độ đô thị hóa nhanh cộng với thiếu kinh nghiệm, kiến thức về tín ngưỡng, ảnh hưởng không nhỏ đến việc bảo tồn hiện trạng các di tích, gây ra nhiều tiêu cực trong tổ chức lễ hội.

Do đó, việc xây dựng quy hoạch phân khu xây dựng quần thể Phủ Dầy là hết sức cần thiết góp phần bảo tồn được các di tích lịch sử, định hướng xây dựng phát triển các hạng mục hạ tầng dịch vụ xã hội tốt hơn để mở rộng du lịch văn hóa tâm linh ở tỉnh ta.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Xây dựng đã phối hợp với Cty CP Kiến trúc đầu tư và Thương mại Việt Nam (Hà Nội) tiến hành khảo sát các di tích lịch sử, giá trị văn hóa tín ngưỡng của khu vực nhằm xây dựng quy hoạch phân khu xây dựng quần thể Phủ Dầy.

Hiện tại, Phủ Dầy có tất cả 18 di tích đền, phủ, lăng, chùa, đình, miếu… phân bố tại khắp các thôn xóm, tập trung tại hai thôn Tiên Hương và Vân Cát của xã Kim Thái. Ngoài ra, các địa phương lân cận còn một số di tích liên quan đến lễ hội Phủ Dầy như Chùa Dần, Chùa – Phủ Thông (xã Trung Thành), Chùa Gôi (Thị trấn Gôi), Phủ Giáp Ba (xã Quang Trung).

Các di tích này được xây dựng rải rác trong khu dân cư. Dựa trên kết quả nghiên cứu địa bàn, tham khảo tư liệu lịch sử, phân tích hiện trạng kỹ lưỡng, quy hoạch đã phân khu vực thành 5 khu chức năng nhằm bảo tồn di sản, kiểm soát phát triển định cư nông thôn và đầu tư khai thác giá trị lịch sử du lịch trong tương lai.

Khu vực lập quy hoạch có quy mô khoảng 498,4ha nằm trên địa giới hành chính của 3 xã: Kim Thái, Minh Tân và Tam Thanh. Trong đó, xã Kim Thái chiếm phần lớn diện tích với 444,93ha; xã Minh Tân là 25,05ha và xã Tam Thanh là 22,22ha. Ranh giới khu vực được xác định là

  • Phía bắc giáp Quốc lộ 38B và xã Cộng Hòa,
  • Phía nam giáp Thị trấn Gôi.
  • Phía đông giáp thôn Xuân Bảng (xã Kim Thái);
  • Phía tây giáp sông Sắt.

Trong đó, khu trung tâm có trọng tâm là Phủ Tiên Hương gồm dân cư các xóm 1, 2, 3 thôn Tiên Hương là nơi tập trung dày đặc các hoạt động văn hóa xã hội được coi là khu vực lõi của Phủ Dầy.

  • Khu phía bắc sông Tiên Hương với tâm điểm là quảng trường Cửa Bắc gồm dân cư xóm 4 chủ yếu phát triển mới theo hình thức hỗn hợp thương mại dịch vụ.
  • Khu phía tây gồm dãy núi Tiên Hương và không gian mở ra phía sông Sắt được ví như trục xương sống trong cấu trúc cảnh quan toàn khu, chủ yếu phát triển các điểm du lịch sinh thái riêng biệt.
  • Khu phía nam chủ yếu là dân cư các thôn, xóm: Tiền, Cầu, Uông.
  • Khu phía đông gồm dân cư thôn Vân Cát và xóm Trại.

Theo chuyên gia ngành Xây dựng, với quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 khu vực Phủ Dầy được đề xuất như trên sẽ đảm bảo tôn chỉ, định hướng coi toàn bộ khu vực là môi trường bảo tồn và phát triển tiếp nối các giá trị lịch sử văn hóa cũng như cảnh quan sinh thái đặc sắc với 3 đặc trưng là Trung tâm thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt xưa và nay; khu vực bảo tồn quần thể di tích gắn với di sản văn hóa phi vật thể đại diện của quốc gia và nhân loại; khu vực trọng điểm phát triển du lịch văn hóa – lễ hội – tâm linh, gắn với thưởng ngoạn thắng cảnh tiêu biểu của huyện Vụ Bản nói riêng và tỉnh ta nói chung.

Quần thể Phủ Dầy

Tổng thể quy hoạch Quần thể Phủ Dầy

Ngoài định hướng không gian kiến trúc dựa trên cấu trúc định cư hiện hữu, khu vực Phủ Dầy cũng được tính toán các hệ thống giao thông kết nối đối ngoại và mạng lưới giao thông tĩnh, bãi đỗ xe, đường bộ, khu thương mại dịch vụ, đặc biệt là khu vực bảo vệ di tích. Đối với các khu vực bảo vệ di tích, ban quản lý thực hiện bảo vệ theo quy định quản lý “đất di tích, tôn giáo, tín ngưỡng”. Trong khu vực này, chỉ cho phép xây dựng với mục đích bảo tồn. Việc cấp phép xây dựng phải thông qua hội đồng đánh giá của ngành Văn hóa, tùy từng hạng mục di tích theo quy định.

Đối với khu vực bảo vệ di tích khác, việc xây dựng phải tuân thủ các khống chế về kiến trúc cảnh quan theo quy chế quản lý kiến trúc của quy hoạch này và các quy chế kiểm soát hoạt động xây dựng cụ thể. Việc cấp phép xây dựng phải thông qua hội đồng đánh giá của huyện Vụ Bản. Riêng đối với các di tích do làng xóm dựng lên và đã bảo tồn thành công suốt thời gian qua bởi các cơ chế truyền thống nên giao lại cho cộng đồng tự quản, Nhà nước chỉ cần khuyến khích và giám sát tính văn hóa, tính công lợi của các thiết chế tự quản mà cộng đồng tái thiết từ hương ước truyền thống.

Hệ thống hạ tầng kỹ thuật như giao thông, chiếu sáng, cấp thoát nước, cao độ nền, cấp điện, thông tin liên lạc, quản lý chất thải rắn, môi trường đều được quy định rõ trong quy hoạch nhằm đảm bảo hạn chế tối đa việc triển khai xây dựng ảnh hưởng đến các di tích lịch sử, phù hợp với nhu cầu phát triển của khu vực Phủ Dầy đáp ứng tốt nhu cầu tâm linh của người dân xung quanh và khách thập phương đến tham quan và chiêm bái. Các công trình đầu mối phải được cân nhắc tối ưu về vị trí đảm bảo đấu nối hạ tầng tốt với các yếu tố nằm ngoài ranh giới quy hoạch như sông Sắt, trạm bơm cung cấp nước, trạm xử lý nước thải trong khu vực. Về trình tự thực hiện, quy hoạch chủ trương thực thi theo 3 giai đoạn, phát triển từ trung tâm và 3 cửa ngõ chính từ phía quốc lộ.

Với quy hoạch tổng thể khu vực Phủ Dầy, các sở, ban, ngành cũng kiến nghị mở rộng nghiên cứu các đề án, dự án khảo cứu, nghiên cứu, thiết kế bảo tồn hệ thống di tích lịch sử và các công trình tôn giáo tín ngưỡng có giá trị cốt lõi trong bảo tồn, phát huy giá trị của Phủ Dầy. Từng bước thiết kế cảnh quan các khu vực công viên di tích, tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về giá trị từng làng cổ trong khu vực qua các đồ án quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị hoặc đề tài khoa học để có biện pháp bảo tồn, phát huy giá trị cụ thể cho từng thôn, xóm. Với tầm nhìn định hướng lâu dài, triển khai quản lý chặt chẽ, đúng đắn với các di tích lịch sử, Phủ Dầy sẽ phát huy hết giá trị lịch sử văn hóa hướng tới danh hiệu Di tích quốc gia đặc biệt, làm đẹp thêm cho quê hương Nam Định văn hiến.

Đức Toàn / baonamdinh.com.vn

>>> Xem thêm Đường đi lễ hội Phủ Dầy, Vụ Bản Nam Định

>>> Xem thêm các video khác  về Phủ Dầy Nam Định tại kênh Phủ Dầy Nam Định Official – YouTube

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *