Nguyệt Du Cung

Những ai đã về Kim Thái mà chưa đến đền Cây Đa Bóng Nguyệt Du Cung thì coi như chưa đến Phủ Dầy.  Nguyệt Du Cung nằm gần lăng Thánh Mẫu Liễu Hanh. Chẳng biết tự bao giờ trong dân gian truyền tụng câu “Tháng tám giỗ Cha, tháng ba giỗ Mẹ” để nhắc nhở người đời tháng tám về Thiên Trường trẩy hội Đền Trần, tưởng nhớ Quốc công tiết chế Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, tháng ba đến hội Phủ Dầy nơi tôn thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh-người phụ nữ duy nhất của  hàng “tứ bất tử” trong truyền thuyết dân gian nổi tiếng của nước ta.

Nguyệt Du Cung

Cổng phủ Nguyệt Du Cung

Nguyệt Du Cung đã hòa quyện được cả hai yếu tố lễ hội và du lịch mang lại cho khách thập phương những cảm thức về tâm linh và tinh thần văn hóa để có thể linh cảm được những thời khắc giao thoa giữa trời và đất, giữa Thánh Mẫu với con người.

Tương truyền  vào những đêm trăng sáng đầy trời Liễu Hạnh công chúa lại dẫn một đoàn tiên nữ xuống quây quần múa hát bên gốc cây đa. Dân làng thầm lặng dõi theo dần dần nhận ra đây là điềm linh thiêng, linh ứng mới bàn nhau lập miếu thờ dưới gốc cây đa nên thường gọi là đền Cây Đa Bóng hay Phủ Bóng. Sau đó những người thường thấy Tiên Chúa và tiên nữ múa hát dưới trăng lại đặt tên đền là Nguyệt Du Cung.

Thánh Mẫu Liễu Hạnh được vua chúa các triều Lê – Nguyễn vinh phong là Thượng Đẳng Thần – Chế Thắng Hòa Diệu Đại Vương. Trong dân gian, bà được suy tôn là Mẫu Nghi Thiên Hạ – Mã Hoàng Bồ Tát. Một trong bốn vị thánh (Tứ Bất Tử) của dân tộc ta.

Phủ Cây Đa Bóng – Nguyệt Du Cung xưa kia có cây đa cổ thụ và ngôi miếu cổ trên gò đất giữa đồng lúa. Tương truyền: Gò rất thiêng, dân Thiên Bản không ai dám xâm phạm.

Đến Nguyệt Du Cung ta không cảm thấy sự xa xôi, thần bí của thế giới tâm linh với dòng chảy cuộc sống, ngược lại chính từ Nguyệt Du Cung đã khơi dậy sự đồng cảm, đồng điệu với người xưa và trái tim của mỗi con người thực sự rung cảm trước những trang huyền thoại mới. Nghe tiếng đàn, tiếng sáo khi trầm lắng, khi réo rắt, ngắm nhìn những cô gái múa dẻo hát hay… ta cảm thấy như được thấy Thánh Mẫu và các cô tiên múa hát dưới gốc đa từ những ngày nào… Được chiêm ngưỡng cảnh này, một bạn thơ đã viết:

“… Chầu văn câu hát ngàn đời
Mà em tươi trẻ của thời hôm nay
Ánh đèn hay ánh trăng đây
Tiếng em hay tiếng của ngày xa xưa
Điệu đàn, nhịp sáo say sưa
Ngỡ như Thánh Mẫu mới vừa đây thôi
Thánh Mẫu hát, Thánh Mẫu cười
Mở trang huyền thoại giữa đời ngát hoa…”

Nguyệt Du Cung là một công trình kiến trúc khang trang với 4 cung trùng thềm điệp ốc. Phía ngoài sân đền là Tam quan mái cong rất ấn tượng, nổi lên lầu chuông thật uy nghi. Trong đền còn lưu giữ pho tượng Mẫu cổ bằng đồng, cao khoảng 60 cm, đặt tại cung Đệ Nhất. Chiếc trống đồng cổ được đúc theo kiểu trống da, có tang và đai trống, nhưng âm thanh chẳng khác gì trống đồng Đông Sơn. Chiếc trống này được đúc thời Vua Thành Thái, tức năm Giáp Thìn (1904) do tri phủ Nguyễn Hưng Trần Tướng Công cùng phu nhân cống tiến. Trong đền có một số cổ vật quý như đôi chéo có khắc chữ chìm, bát hương lớn bằng sứ cao 50cm, in chìm dòng chữ “Tiên Hương – Nguyệt Du Cung”… Nhìn tổng thể, phủ Bóng là đền to phủ lớn, sự hoành tráng không chỉ ở kiến trúc bề thế, thanh cao và uy linh mà ngôi đền còn có lịch sử lâu đời.

>>> Xem thêm: Phủ Chính Tiên Hương    >>> Phủ Bóng Nguyệt Du Cung    >>> Phủ Vân Cát

>>> Nhấn Subscribe để theo dõi các video về Phủ Dầy Nam Định tại kênh: Phủ Dầy Nam Định Official – YouTube

 

Có thể bạn quan tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *