Nguồn gốc hội kéo chữ trong lễ hội Phủ Dầy

Mẫu Liễu Hạnh là một trong Tứ Bất Tử của tín ngưỡng Việt Nam. Ở nhiều nơi trên đất nước ta có nhiều đền miếu thờ Mẫu Liễu. Tuy nhiên, Phủ Dầy ở Kim Thái, Vụ Bản, Nam Định là nơi thờ tự lớn nhất và cũng là nơi phát tích của Mẫu Liễu.

Đây chính là vùng quê mà vào thế kỷ 15, Mẫu Liễu Hạnh nguyên là công chúa Quỳnh Hoa của Ngọc Hoàng đã giáng trần đầu thai và để lại nhiều sự tích về lòng hiếu thuận cho người đời học tập. Xưa kia, vùng đất này có tên là Kẻ Dày cho nên phủ mới mang tên là phủ Dày (theo cách lý giải của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Hồ Đức Thọ).

Nói đến Phủ Dày và hội phủ Dày không thể không nói đến một nét đặc sắc riêng có của nó là tục kéo chữ. Hàng năm, lễ hội được tổ chức vào tháng 3 âm lịch và bao giờ thì ngày kéo chữ cũng là ngày đông người và vui vẻ nhất. Kéo chữ là một hoạt động văn hóa đặc sắc riêng có ở lễ hội Phủ Dày. Tuy nhiên, thời nay nhìn những cây gậy dài buộc hoa lá trên tay những người kéo chữ ít ai có thể hình dung được, nguyên gốc những cây gậy đó là cuốc, thuổng và những nông cụ dùng cho việc đào đất…Hàng trăm nam nữ thanh niên ăn vận trong những trang phục lễ hội, tay cầm một cây gậy dài trang trí bằng dây màu xanh đỏ vào ra nhịp nhàng xếp thành những chữ hán như: Mẫu nghi thiên hạ, quốc thái dân an… Công việc đòi hỏi sự luyện tập công phu tỉ mỉ và sự phối hợp nhịp nhàng của từng người một vì những chữ hán với dấu, nét phức tạp hơn chữ quốc ngữ rất nhiều.Cây gậy dù dài và nặng vẫn được giữ lại trong đội hình kéo chữ vì bản thân nó là vật trang trí mà cũng là một dấu tích văn hóa. Tương truyền rằng, vào thế kỷ 17, ở vùng Kẻ Dày có một người được tuyển vào phủ chúa Trịnh làm phi tần tên là Ngô Thị Ngọc Đài. Bà Ngọc Đài có nhan sắc lại thông minh nên được chúa Trịnh Tráng rất yêu quý. Thời ấy, lũ lụt liên tiếp khiến triều đình cũng lao đao. Dân phu các nơi mỗi năm phải về kinh đắp đê sông Nhị Hà (sông Hồng) hàng mấy tháng trời.

Dân vùng Kẻ Dày ở hạ lưu của sông Nhị cũng bị lụt lội làm cho khổ sở nhưng vẫn phải theo lệnh triều đình lên kinh đắp đê. Họ biết bà Ngọc Đài là người nhân hậu nên cử người đến gặp để xin tiền xin gạo cứu đói. Thấy người dân cùng quê khốn đốn, vương phi cho tiền cho gạo lại dặn dò kế hoạch lao động để xin chúa Trịnh giúp cho. Hôm sau, Vương phi cùng chúa đi xem xét việc đắp đê.

Thấy phu đắp đê ăn cháo loãng và mặc rách rưới, hỏi ra thì là dân phu Thiên Bản (bấy giờ vùng Kẻ Diày thuộc huyện Thiên Bản) ở chấn Sơn Nam, bị vỡ đê, mất mùa nhưng vẫn phải theo lệnh chúa đi phu. Vương phi nghe vậy ứa nước mắt bèn tâu với chúa tình cảnh khốn quẫn của dân quê mong chúa thương tình. Chúa nghe xong đồng cảm hạ lệnh cấp phát lương thực cho dân Thiên Bản về quê lo sửa chữa đê điều ở địa phương.

Hội kéo chữ trong lễ hội Phủ Dầy

Hội kéo chữ trong lễ hội Phủ Dầy

Người dân Thiên Bản mừng rỡ reo hò tạ ơn vương phi. Bà Vương phi cũng vui mừng tiễn đoàn dân phu nghèo khổ và không quên dặn họ vào Phủ Dày tạ ơn mẫu Liễu Hạnh vì nhờ Mẫu phù hộ mà bà được chúa Trịnh yêu dấu. Về đến quê nhà, đám dân phu mang theo của cuốc, thuổng và những công cụ đào đất vào thẳng phủ Dày tạ Mẫu. Nhờ người cầm đầu khéo xếp đặt, những người dân phu đã xếp thành chữ: Thánh Cung Vạn Tuế rồi cúi lạy trước sân phủ để tỏ lòng biết ơn.

Từ đó trở đi, hàng năm đến kỳ lễ hội, người dân lại tổ chức kéo chữ để nhớ lại một tích truyện xa xưa. Qua thời gian, các nông cụ được cải tiến bằng gậy buộc hoa, dây trang trí nhưng ý nghĩa văn hóa thì không thay đổi. Đó là đạo lý uống nước nhớ nguồn trong cuộc sống.

Nguồn: Tiến Đức (tamnhin.net)

>>> Nhấn Subscribe để theo dõi các video về Phủ Dầy Nam Định tại kênh: Phủ Dầy Nam Định Official – YouTube

Có thể bạn quan tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *