Nghi lễ cúng vào hè tìm về những nét truyền thống chân quê

Nghi lễ Cúng vào hè là một trong những nghi lễ quan trọng mỗi dịp xuân qua hè sang, thường được tổ chức vào ngày 1/4 âm lịch tại các đền, miếu trong xóm, làng ở những miền quê bắc bộ , với ước nguyện  một năm mưa thuận gió hòa, chín tháng hè dịch bệnh tiêu tan, vạn sư bình yên.

Lễ Cúng vào hè là gì ?

Nghi lễ Cúng vào hè là một trong những nghi lễ quan trọng mỗi dịp xuân qua hè sang, thường được tổ chức vào ngày 1/4 âm lịch tại các đền, miếu trong xóm, làng ở những miền quê bắc bộ , với ước nguyện  một năm mưa thuận gió hòa, chín tháng hè dịch bệnh tiêu tan, vạn sư bình yên.

Chuẩn bị lễ cúng vào hè

Thông thường để chuẩn bị cho lễ cúng  vào hè cần qua các giai đoạn sau:

Giai đoạn 1: Chuẩn bị kinh phí cho lễ cúng vào hè.

Nguồn kinh phí được các gia đình trong xóm tự nguyện đóng góp tùy tâm mà không ấn định, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít. Số tiền được thu về cho một người phụ nữ nhiệt tình có trách nhiệm nhất trong xóm, người được bà con tín nhiệm giữ và phân bổ chi phí cho việc sắm lễ. Sau khi số tiền đã thu được gần đủ thì các bà các mẹ lại họp lai bàn bạc và phân cử nhau đi chợ mua  sắm đồ lễ và mời thầy cúng về lễ.

Giai đoạn 2: Chuẩn bị đồ lễ cúng vào hè.

Đồ lễ vào hè cũng đơn giản không cầu kì  nhưng chính bao gồm hai phần  lễ thần và lễ chúng sinh.

– Lễ thần là lễ quan ôn, quan đương niên là  vị thần cai quan trong một năm làng xóm đó. Lễ vật gồm có ngựa, vàng mã, hương nến, hoa quả. Ngoài thanh bông hoa quả, người ta còn chuẩn bị hai mâm lễ mặn có đủ rượu thịt.

– Lễ chúng sinh gồm đủ loại hoa quả, lương thực, ngũ cốc như oản quả, bánh tẻ, bỏng ngô, khoai lang luộc, chuối, dưa, bánh kẹo, cháo trắng, kèm theo ít vàng mã và tiền lẻ đặt trong một cái nong hoặc cái nia trước ban thờ thần.  Lễ vật cúng chúng sinh là những vật phẩm dân dã gần gũi cuộc sống đời thường thể hiện sự tôn trọng nghề nông và các sản phẩm do chính bàn tay người nông dân làm ra. Còn cháo trắng có ý nghĩa biểu trưng cầu mát, tức là cầu sự “hợp” giữa Thiên – Địa – Nhân và sinh loài trong sinh hoạt cộng đồng.

Giai đoạn 3: Bày biện lập hương án và lễ cúng vào hè.

Nơi diễn ra lễ cúng vào hè ở xóm thường được tổ chức dưới ngôi miếu hoặc khu có bóng mát như cây đa cây muỗm cổ thụ của xóm. Chọn ngày lễ vào hè thông thường nằm trong khoảng từ ngày mùng một đến ngày mùng năm tháng tư âm lịch. Việc bày biện ban lễ do thầy cúng hoặc một người thông thạo lễ bái được mời cúng chỉ đạo sắp xếp theo một trật tự nhất định.

Từ sớm, các bà các mẹ đã có mặt tại nơi diễn ra buổi lễ. Điều cảm nhận được từ mỗi buổi lễ này đó là sự xẻ chia, gắn kết. Ai cũng làm việc với một tinh thần phấn khởi vui vẻ. Người lớn đã vậy còn bọn trẻ cũng háo hức ra trò. Chúng tíu tít rủ nhau ra chơi ở chỗ gốc đa. Khoái nhất là khi được bà, mẹ nhờ hái những chiếc lá đa còn tươi nguyên trên cành xuống để làm bồ đài. Chúng khéo léo chọn những chiếc lá lành lặn gấp một mép lá lại, khoanh tròn sau đó gài phần nhọn vào mép lá cừa gấp, dùng một nan tre dài gài lại cho khỏi bung rồi cắm suốt hai bên dọc đường. Cháo trắng trong nồi nấu chín để nguội, được múc ra các bát nhỏ bày la liệt trong nong. Múc cháo cúng cũng phải có kiểu chứ không phải múc bừa. Mỗi bát cháo chỉ được múc một lần gồm một muôi nhỏ đổ gọn trong lòng bát cháo. Sau khi múc cháo lễ xong, một người phụ nữ khéo léo chia nhỏ số cháo còn lại vào các bồ đài lá đa đã được cắm sẵn hai bên đường. Số cháo còn lại chia đều vào bát tô, đồ đựng của các gia đình trong xóm. Cuối buổi lễ, mọi người cùng thưởng thức bát cháo trắng ngay dưới gốc đa già cổ thụ thật vui vẻ, yên bình. Còn bát cháo của nhà ai thì mang về nhà đó chia cho các thành viên trong gia đình mỗi người một chút ăn lấy khước.

Đối với lũ trẻ nhỏ, chúng ít quan tâm đến lễ bái mà chỉ chơi đùa quanh đó, khi nào thầy cúng kết thúc bài lễ chúng sinh của mình, được lệnh cả bọn cùng nhau “cướp” đồ lễ trên các nong cúng chúng sinh rồi chia nhau thưởng thức thật rôm rả.

Việc tham gia tổ chức lễ vào hè ở quê tôi là “đặc quyền” của các bà, các mẹ chứ cánh nam giới không hề xuất hiện trong buổi lễ này.

Giai đoạn 4: Kết thúc buổi lễ cúng vào hè

Lộc trên mâm lễ được chia nhỏ thành các xuất và gửi về theo hộ gia đình. Phần lộc phát không nhiều có khi chỉ là một quả dưa chuột, một phẩm oản xôi, có khi chỉ là một miếng khoai hay mẩu ngô luộc, một quả chuối… Tuy nhiên gia đình được nhận phần lộc ấy đều cảm thấy rất vui mừng vì họ tin rằng gia đình họ sẽ gặp nhiều điều may mắn. Chính vì vậy người làm nhiệm vụ chia lộc cũng phải hết sức cẩn thận để không thiếu lộc một gia đình nào.

Lễ Cúng vào hè

Lễ vào hè là được diễn ra vào lúc tiết nông đã nhàn, thời tiết chớm vào hạ. Bởi vậy lễ vào hè là một tín ngưỡng mà người xưa muốn gửi vào đó một mong cầu thời tiết thuận hòa, sức khỏe cho mọi người, vạn vật được yên ổn, không có dịch bệnh, mùa màng tươi tốt, cuộc sống sung túc đủ đầy…

Ngày nay cái lễ vào hè đối với người lớn chúng tôi không còn huyền bí như xưa nhưng nó vẫn vô cùng trang trọng thiêng liêng. Và chúng tôi hiểu thêm ra một điều, ngoài những mong cầu đó là cả một ý thức về tinh thần đoàn kết, làng xóm thuận hòa, và ý thức cộng đồng gắn bó bền chặt.

Lễ cúng vào hè là một biểu hiện của lễ tục văn hóa lành mạnh, một nét văn hóa truyền thống của người dân ở làng quê ViệtNam. Ngày nay khi cuộc sống của dân làng đã khấm khá hơn, ngày lễ vào hè quê tôi thường được chọn vào ngày thứ bảy hoặc chủ nhật đầu tháng tư để các gia đình trong xóm tổ chức một bữa liên hoan chung. Trong buổi liên hoan, có đại diện các gia đình cả nam và nữ đều tham gia. Đây là cơ hội để mọi người trao đổi trò chuyện và rút kinh nghiệm cách ứng xử giao tiếp, tình làng nghĩa xóm.

Dù ai đi ngược về xuôi

Tháng tư ngày lễ về chơi với làng.

Câu ca truyền đến bây giờ để nhắc nhở mỗi người tập tục truyền thống tốt đẹp của làng xóm quê hương. Cứ như vậy tháng tư âm lịch hàng năm làng xóm quê tôi lại tổ chức Lễ cúng vào hè.

>>> Xem thêm các video khác về Phủ Dầy Nam Định tại: Phủ Dầy Nam Định Official – YouTube

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *