Mẫu Thượng Ngàn Nhạc Tiên Sơn Lâm Công Chúa

Mẫu Thượng Ngàn Nhạc Tiên Sơn Lâm Công Chúa hay bà Chúa Thượng Ngàn là một trong ba vị Thánh Mẫu được thờ cúng tại điện Mẫu, cạnh đình, chùa của người Việt, chủ yếu ở miền bắc và miền trung Việt Nam. Việc thờ phụng Mẫu Thượng Ngàn là một đặc điểm của tín ngưỡng gắn liền với núi rừng của người Việt. Bà là một nhân vật mang tính truyền thuyết và đóng vai trò quan trọng trong tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ  tứ phủ của người Việt.

sơn tinh công chúa

Nhạc Tiên của Sơn Lâm Công Chúa là ai ?

Nhạc Tiên Sơn Lâm Công Chúa là người con gái đầu tiên của đức vua cha Ngọc Hoàng, vì tính tình thẳng thắn ương ngạnh nên nàng được vua cha giao cho cai quản vùng núi rừng hoang vu vì vậy mà được gọi là Mẫu Thượng Ngàn, trái với Mẫu Thoải là người hay thay đổi nhưng rất nghe lời vua cha nên được giao cai quản vùng sông nước hiền hòa.

Cũng từ ngày Mẫu Thượng Ngàn về vùng núi cai quản thì người dân nơi đây đều được mùa màng bội thu cuộc sống không còn khó khăn, đợt đi săn nào cũng bắt được thú lớn cả, biết gieo trồng cây lương thực vì vậy mà nhân dân hết mực tôn kính ngài, những lời khuyên bảo của ngài đều được họ nhất mực nghe theo.

>>> Xem thêm: Mẫu Thượng ngàn là ai ?

Sự tích về hai lần giáng sinh của Sơn Lâm Công Chúa

Lần giáng thứ nhất của Sơn Lâm Công Chúa

Thu phục Mộc Tinh

Sau khi Mộc Tinh bị Lạc Long Quân đánh đuổi thì chạy về hướng Tây Nam, tại đây nó vẫn giở trò cũ thường xuyên bắt dân trong vùng làm lễ tế người. Sơn Lâm Công Chúa biết chuyện bèn hóa thành một cô gái xinh đẹp để trở thành vật hiến tế hòng bắt được con quỷ này. Quả đúng như dự đoán Mộc Tinh đã xuất hiện dưới hình dạng một con hổ trắng. Nó vừa xông tới định ăn thịt con mồi thì bị ngài chặt mất đầu nên hiện nguyên hình. Khi ngài định vung rìu đốn hạ cây thì Mộc Tinh liền vội vàng xin tha mạng. Nó hứa rằng từ nay sẽ ăn năn hối cải và tặng ngài một hạt giống thần. Nó bảo chỉ cần trồng hạt giống thần kì này xuống đất thì sẽ mọc ra tất cả loại quả ngon hoa lạ trên đời này. Vừa dứt lời Mộc Tinh liền biến mất.

Sơn Lâm Công Chúa bèn đem hạt giống này về trồng, sau một đêm nó lớn thành một cái cây to thật là to, ngọn cây cao tận trời xanh, cành lá xum xuê che phủ một góc trời. Mỗi ngày nó đều mọc ra hàng trăm thứ hoa quả khác nhau ăn mãi không hết. Bà đem những loại quả này giao cho trưởng làng để ông có thể chia cho gia đình những người đã bị Mộc Tinh làm hại. Ngờ đâu con gái trưởng làng lại là người tham lam quyết giữ hết những món ngon vật lạ kia cho riêng mình.Sơn Lâm Công Chúa biết chuyện giận lắm liền làm phép biến cô ta thành con ruồi để suốt phần đời còn lại chỉ có thể ăn đồ thừa của con người.

Con vua Hùng Định Vương và mười hai bà mụ

Thế nhưng, Mộc Tinh không hề hối cải như đã hứa, lần này nó ăn thịt Hùng Vương thứ IX – một vị vua anh minh, thương dân như con. Nó nhân cơ hội này dùng phép hóa thành nhà vua để cai trị nước Văn Lang. Sơn Lâm Công Chúa biết chuyện này có một phần là lỗi của mình nên đã tự nguyện chịu tội. Vua cha bèn đày nàng làm con gái Mộc Tinh để sửa sai được đặt tên là Quế Hoa công chúa. Lớn lên, nàng được ông Bụt ban cho phép thuật nên đã cùng mười hai thị nữ ra sức tu tiên luyện đạo, cứu giúp dân lành.

Lúc bấy giờ đất nước Văn Lang rơi vào cảnh loạn lạc thù trong giặc ngoài do cha bà thường xuyên gây chiến với các nước làng giềng, tìm thú vui từ việc ăn thịt những kẻ chống đối mình. Công chúa Quế Hoa quyết định ra tay diệt trừ kẻ gây ra cảnh đau khổ lầm than này dù rằng người đó có là cha nàng.

Trong một buổi tiệc của nhà vua và các Lạc tướng, Quế Hoa đã xin được cùng mười hai thị nữ đánh đàn nhảy múa góp vui cho mọi người. Điều đặc biệt là chiếc đàn của nàng chỉ có duy nhất một dây khiến mọi người xung quanh đều tò mò thích thú. Khi tiếng đàn của công chúa vừa cất lên thì ai nấy đều cảm thấy thư thái, mọi âu lo đều bị quên lãng, thời gian trôi qua nhanh lúc nào không hay. Tới đêm thứ ba khi tiếng đàn vừa dứt thì Hùng Vương đã hiện nguyên hình thành một con hổ khiến mọi người hoảng loạn bỏ chạy. Mộc Tinh liền xông về phía Quế Hoa định ăn thịt nàng nhưng lần này nó đã dừng lại ngay trước mặt nàng vì dù hổ dữ cũng không thể ăn thịt con mình. Công chúa làm phép hóa dây đàn thành một sợi xích lớn buộc quanh cổ con hổ rồi dẫn nó theo mình.

Từ đó về sau Quế Hoa dạy người dân cách trồng trọt, làm nương rẫy, xây nhà, chăn nuôi và săn bắt thú dữ, còn mười hai thị nữ của bà thì trở thành các bà mụ chăm lo việc sanh đẻ của người dân để không ai phải chịu nỗi đau mất mẹ vì sanh khó giống như bà nữa. Riêng con hổ bà mang theo bên mình thì được bà dùng để trừng phạt lũ tội phạm gian ác đã làm hại dân lành. Khi nhân dân các bản mường đã có cuộc sống no ấm, Mỵ Nương Quế Hoa cùng 12 thị nữ bay về trời trên đám mây ngũ sắc. Từ đó về sau bà được người dân tôn thờ làm Bà Chúa Thượng Ngàn cai quản vùng rừng núi còn mười hai thị nữ trở thành Mười hai Bà Mụ cai quản việc sanh đẻ của trần gian.

Nhận nuôi Sơn Tinh

Một lần khi đang đi dạo trong rừng, Mẫu Thượng Ngàn và mười hai bà mụ phát hiện thấy bên gốc cây có xác một đứa trẻ chỉ còn lại bộ xương khô. Tiếc thương vì cậu bé đã chết khi còn quá nhỏ nên Mẫu Thượng Ngàn đã dùng phép hòa lẫn xương cậu cùng gan hùm, tay gấu, ruột ngựa, mắt phượng, chân voi cùng quả tim của bà để hồi sinh cậu. Mẫu vốn không có con cái gì, lại thấy cậu bé lanh lợi nên đã quyết định nhận cậu làm con nuôi, đặt tên là Sơn Tinh, giao cai quản vùng núi Ba Vì.

Một số dị bản đề cập rằng bà mất trong cuộc chiến giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh. Sau khi mất thì bà trở lại Thiên Phủ sống cùng cha mình nhưng vì quá thương con nên bà đã xin cha được phép trở lại trần gian. Ngọc Hoàng đồng ý bèn cho bà được đầu thai trở lại làm người tích đủ phước đức luân hồi thì mới có thể ở bên con trai mình lần nữa.

Lần giáng thứ hai của Sơn Lâm Công Chúa

Con nhà họ Cao

Lần thứ hai ngài giáng sinh vào cửa nhà họ Cao, một người tù trưởng trên đất Yên Bái. Sau đó nhiều lần ngài hiển linh, dạy dân trồng trọt, làm ăn, lên rẫy làm nương, đi rừng, làm ruộng bậc thang nên được nhân dân suy tôn là: “Bạch Anh Trưởng Quản Đỉnh Thượng Cao Sơn Thần Nữ Cao Mường Sơn Triều“. Sau này ngài lại linh ứng giúp vua Lê Thái Tổ nên được gia phong là “Lê Mại Đại Vương

Trong văn thỉnh mời Đức Thánh Mẫu có hát rằng

Thỉnh mời Đệ Nhị Chúa Tiên
Vốn xưa giá ngự trên đền Đông Cuông
Hình dung nhan sắc khác thường
Giá danh đổi một hoa vương khôn bì
Biết đâu lá thắm thơ bài
Lòng trinh chẳng động một vài giá xuân.

 

Hay như:

“Thỉnh mời Lê Mại Chúa Tiên
Núi Dùm Chúa ngự trấn miền Tuyên Quang”

Làm vợ Hà Văn Thiên

Đông Quang Công chúa là Lê Thị Kiểm. Bà là vợ của ông Hà Văn Thiên, người Tày Đông Cuông được triều đình giao cho cai quản Đông Cuông. Ông Thiên, hậu duệ của Hà Đặc Hà Bổng (trại chủ Quy Hóa) bị hi sinh trong chiến tranh chống quân Nguyên. Ông bà sinh hạ được 1 đứa con trai. Khi ông tạ thế, bà Kiểm cùng con trai ở lại Đông Cuông rồi mất tại đấy. Dân lập miếu thờ ông bên Ghềnh Ngai (hữu ngạn sông Hồng) và thờ hai mẹ con bên tả ngạn, đối diện với miếu. Người mẹ Rừng chung chung, đến đây đã được lịch sử hóa, gắn với lai lịch cụ thể của một con người trần thế.

Làm con Sơn Tinh

Sau khi tích đủ phước đức thì Ngọc Hoàng đã cho phép ngài trở thành Sơn Tinh Công Chúa con gái của Sơn Tinh (tức Đức Tản Viên Sơn Thánh) và Mỵ Nương Ngọc Hoa trong truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh. Khi còn trẻ, Sơn Tinh Công chúa là một cô gái đức hạnh, lại tài sắc vẹn toàn, được cha mẹ đặt tên là La Bình.

Khi Tản Viên và Mỵ Nương, theo lệnh của Ngọc Hoàng Thượng đế trở về trời thành hai vị thánh bất tử thì La Bình cũng được phong là Công chúa Thượng Ngàn, thay cha đảm nhận công việc dưới trần, trông coi tất cả 81 cửa rừng và các miền núi non hang động, các miền trung du đồi bãi trập trùng của nước Nam.

Trở thành chúa tể của miền núi non và trung du, công chúa Thượng Ngàn vẫn luôn luôn chăm chỉ, hàng ngày hết sức làm tròn các trọng trách của mình. Bà bảo ban các loài cầm thú phải biết sống hòa hợp với nhau, dạy chúng đừng ăn những loài quả độc, nấm độc, biết tránh khỏi những cây cối đổ, những cơn lũ quét…

Ngài dạy bảo con người cũng thật chu đáo, tỉ mỉ. Những gì cha bà đã dạy, ngài đều đem ra áp dụng. Khi tiếp xúc với các tù trưởng, ngài cũng học thêm ở họ được nhiều điều. Thế là ngài lại đem những điều hiểu biết mới đi truyền bá ra mãi.

Ngọc Hoàng Thượng đế còn ban tặng cho ngài thêm nhiều phép thuật thần thông, đi mây về gió, và trở thành vị Thánh bất tử để luôn luôn gần gũi, gắn bó với cõi trần, vĩnh viễn ở miền trung du và núi non hùng vĩ. Khi dân chúng sinh sôi nảy nở ra thêm, từ miền núi non và trung du tràn xuống các miền đồng bằng và ven biển, đã mang theo những cách thức làm ăn và phong tục tập quán từ hồi còn ở trong rừng, dưới sự bảo ban dìu dắt của công chúa Thượng Ngàn.

Cùng với nhiều vị thần thánh khác, công chúa Thượng Ngàn vẫn ngày đêm lặng lẽ âm phù cho sự bình yên của mọi người dân nước Việt. Người người tôn sùng gọi ngài là Mẫu, một cách vừa trìu mến gần gũi mà cũng vừa tôn kính.

Hiển linh phù trợ

Người ta cho rằng các chiến công quân sự của nhiều triều đại Việt Nam đều có sự phù hộ của Mẫu Thượng Ngàn Sơn Lâm Công Chúa. Vì thế, các triều đại này, sau khi thắng lợi đều có lễ tạ ơn và có sắc thượng phong cho ngài.

Một truyền thuyết cho rằng hồi đầu thời kỳ khởi nghĩa Lam Sơn, lúc ấy lực lượng nghĩa quân còn yếu, đang đồn trú ở Phản Ấm thì quân Minh kéo đến bao vây. Nghĩa quân người ít chống cự không nổi, phải tan tác mỗi người mỗi nơi. Trong đêm tối, ngài đã hóa phép thành bó đuốc lớn, soi đường cho quân sĩ, tập hợp và dẫn dắt họ đi vào đất Mường Yên, về cơ sở núi Chí Linh. Ánh đuốc thiêng của bà, chỉ quân sĩ của Lê Lợi biết được, còn quân Minh không thể nào nhìn thấy.

Ở Chí Linh, nghĩa quân vừa sản xuất, vừa tập luyện và tập hợp, phát triển thêm lực lượng. Thật gian khổ, lắm phen không còn lương thực, phải lấy củ nâu củ mài thay cơm, nhưng nhờ sự che chở của Mẫu, quân đội của Lê Lợi vẫn ngày một thêm lớn mạnh. Quân Minh nhiều lần đến bao vây cũng đành phải chịu rút về. Từ Chí Linh, quân Lê Lợi tiến vào giải phóng Nghệ An, Thuận Hóa. Sau đó, với những trận thắng oanh liệt ở Tốt Động, Chúc Động, Chi Lăng và cuối cùng, bao vây quân Minh ở Đông Quan để kết thúc cuộc chiến, lập lại hòa bình cho nước Việt.

Nhân dân tôn kính phụng thờ

Mẫu Thượng Ngàn, cũng như nhiều vị thần thánh khác, được nhân dân tôn thờ, và chính là hồn thiêng của sông núi, bao nhiêu đời nay dẫn dắt con cháu vững bước đi lên. Ngài có mặt ở khắp nơi, theo bước chân của dân chúng, khi ở miền rừng núi rồi xuống miền đồng bằng. Vì vậy, ở nhiều nơi người dân lập đền thờ phụng ngài. Tuy nhiên, đại bản doanh của ngài vẫn là vùng núi non và các cửa rừng. Những người đi rừng, muốn được bình yên, vạn sự tai qua nạn khỏi, thường đến cầu xin sự che chở, phù trợ của ngài. Ai muốn săn bắt hay khai thác thứ gì trong rừng, cũng đặt lễ, thắp hương, cầu xin để được ngài chấp thuận. Đôi khi Mẫu Thượng Ngàn cũng được hiểu chính là người Mẹ của Đức Thánh Tản Viên, theo cách hiểu này thì Đền thờ Mẫu Thượng Ngàn tại Đền Mẫu Đợi ở làng Dụ Đại xã Đông Hải huyện Quỳnh Phụ tỉnh Thái Bình để tưởng nhớ công ơn của Mẫu Ma Thị Cao Sơn – người mẹ có công ơn nuôi dưỡng Đức Thánh Tản Viên.

Tuy nhiên, có ba nơi được coi là nơi thờ chính của ngài, gồm:

  • Đền đông Cuông, xã đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái.
  • Đền Bắc Lệ, xã Bắc Lệ, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn.
  • Đền Suối Mỡ, xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang.

Lý giải về tên gọi khác nhau của Mẫu Thượng Ngàn Sơn Lâm Công Chúa

Thánh Mẫu Thượng Ngàn có nhiều tên gọi khác nhau tùy thuộc vào nguồn gốc của Mẫu, địa danh đền của Mẫu, sắc phong của các triều đại phong kiến:

– Mẫu Đông Cuông được gọi theo địa danh Đông Cuông nơi ngôi đền Mẫu ngự.

– Lê Mại Đại Vương theo sắc phong của vua Lê lúc bà hoá phép giúp vua đánh giặc.

– Sơn Lâm Thánh Mẫu theo tên mẹ hoặc Sơn Tinh Công Chúa theo tên con Đức Thánh Tản.

– Mỵ Nương Quế Hoa Công chúa, La Bình công Chúa theo tên gọi của nguồn gốc xuất thân lúc giáng trần.

– Lẫm Cung Thánh Mẫu chính là tên gọi khi hiển thánh tại đền Đông Cuông, Yên Bái.

 

>>> Nhấn Subsciber để xem thêm các video về Phủ Dầy tại kênh Phủ Dầy Nam Định Official 

Có thể bạn quan tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *