Lễ kéo chữ trong lễ hội Phủ Dầy còn được gọi là Hoa Trượng Hội là một nét đặc sắc riêng chỉ có ở Phủ Dầy. Hội kéo chữ thường được tiến hành vào hai ngày mùng 7 và mùng 8 tháng 3 âm lịch trong lễ hội Phủ Dầy hàng năm.
Theo các cụ cao liên trong làng kể lại rằng trước khi tổ chức kéo chữ, lý kỳ lý dịch phải lên lễ Mẫu để xin kéo chữ. Cũng có năm người lên Phủ Thông Khê – nơi thờ Mẫu Liễu Hạnh và bà Ngọc Đài để xin chữ xếp, xin được chữ gì thì dán lên bảng gỗ rồi đem treo trước phượng du. Mỗi làng cử từ 20 – 30 thanh niên được gọi là phu cờ, họ thường quấn khăn đỏ, mặc áo vàng, bụng thắt khăn đỏ, quần trắng, chân quấn xà cạp đỏ. Mỗi phu cờ cầm một gậy xếp chữ dài khoảng 4 thước dán giấy xanh, đỏ, trắng, vàng buộc nhiều tua rua, đầu gậy có ngù bằng lòng gà.
Tổng cờ sẽ là người điều khiển các phu cờ. Dưới sự điều khiển của tổng cờ, phu cờ chạy thành hàng một, vòng theo đường quanh hồ trước cửa Phủ rồi trở về sân và đứng vào vị trí đã định hình, hình thành dần cả nét chữ cho đến khi xếp xong. Nhìn từ xa trên đỉnh núi hay ngồi ở phương du cũng đều thấy nét chữ vàng nổi bật trên nền của những màu sắc sặc sỡ trông rất đẹp mắt. Chữ xếp thường là 4 chữ: “Mẫu nghi thiên hạ”, “Quang phục thánh thiện” hoặc “Hòa cốc phong đăng”, “Thiên hạ thái bình”. Người dân Phủ Dầy cho rằng tuỳ theo chữ kéo đầu năm mà năm đó Mẫu sẽ “gia ân” hay “gia uy” cho con nhang đệ tử. Có thể nói đây là một hình thức vừa là lễ nghi, nhưng cũng vừa là trò chơi thể thao quy mô và đẹp mắt thu hút được hàng nghìn người tham gia và cổ vũ tán thưởng.
Dưới đây là một số hình ảnh trong lễ hội kéo chữ Phủ Dầy 2016 vừa diễn ra xin gửi tới bạn đọc được biết thêm về nét đẹp truyền thống này.
Hội Kéo chữ trong Lễ hội Phủ Dầy
Ông Trần Văn Thân, người dân tham gia hội kéo chữ, cho biết: “Đoàn chúng tôi chuẩn bị rất lâu cho hội kéo chữ năm nay, thứ nhất về nhân sự con người ít nhất phải trên 300 tráng sĩ, thứ hai các trang phục, y phục phải đầy đủ, tất cả các bộ chữ vừa phải mang ý nghĩa sức khỏe thể thao vừa mang ý thức tâm linh nhớ công đạo mẫu.”
Tương truyền hội kéo chữ do thái phi Trần Thị Ngọc Đài, người làng Thông Khê (xã Cộng Hòa, huyện Vụ Bản) khởi xướng. Bà vốn chịu ơn cầu tự ở Phủ Dầy có công giúp dân nghèo trong huyện không phải đi phu đắp đê lại cấp phát lương thực cứu đói cho dân. Để tưởng nhớ công ơn của người, hàng năm đến kỳ lễ hội, người dân lại tổ chức kéo chữ để cầu cho mưa thuận gió hòa, ca ngợi công đức của Thánh Mẫu. Màn kéo chữ độc đáo này đã thu hút hàng nghìn người tham gia và cổ vũ, tán thưởng.
Mỗi năm, lễ hội Phủ Dầy thu hút hàng trăm nghìn con nhang đệ tử và du khách khắp nơi về dự bởi nơi đây quy tụ rất nhiều tinh hoa văn hóa ngàn đời của dân tộc, có sự hòa quyện giữa những nghi thức trang trọng cùng những hoạt động văn hóa dân gian sôi nổi, đặc sắc như lễ hội kéo chữ này.
>>> Xem thêm: Phủ Chính Tiên Hương >>> Phủ Bóng Nguyệt Du Cung >>> Phủ Vân Cát
>>> Nhấn Subscribe để theo dõi các video về Phủ Dầy Nam Định tại kênh: Phủ Dầy Nam Định Official – YouTube
Kéo chữ được tổ chức vào những ngày cuối cùng của lễ hội Phủ Dầy tại 2 phủ lớn của Phủ Dầy là Phủ Chính Phủ Tiên Hương và Phủ Vân Cát. Kéo chữ là hoạt động dân gian cổ truyền mang tính nhân văn cao cả, đạo lý uống nước nhớ nguồn đã đi vào câu ca:
“Phủ Dày mở hội tháng Ba
Mồng 5 rước Mẫu cờ hoa rợp trời
Mồng 7 hoa trượng báo ơn
Lừng lẫy đất Việt tiếng thơm muôn đời”