Hoa man tài mã trong nghi lễ hầu đồng

Trong bài viết này xin giới thiệu tới bạn đọc về nội dung hoa man tài mã trong nghi lễ hầu đồng được chia sẻ từ Thanh đồng Nguyễn Tất Kim Hùng Trụ trì đền Nguyên Khiết – 102 Hàng Bạc Hoàn Kiếm Hà Nội được giới thiệu trong cuốn sách Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ chốn thiêng nơi cõi thực.

Hầu đồng, với các  giá đồng là một hình thức sinh hoạt tín ngưỡng rất phong phú ,đa dạng về nghi thức, nghi lễ, mang đậm bản sắc văn hóa các vùng miền. Do phong tục tập quán của mỗi địa phương khác nhau, nghi lễ của từng sơn môn nhà Thánh, từng đồng thầy, đồng trưởng cũng khác, nên trong khuôn khổ cuốn sách này chỉ xin trình bày những yêu cầu chung nhất đã được các bậc tiền bối truyền lại về hoan man – tài mã trong nghi lễ hầu đồng.

Một hình thái rất phong phú, đa dạng và các giá đồng, về trang phục, về nghi thức, nghi lễ và bản sắc văn hóa các vùng miền, các lễ vật, các đồ vật, các hoa man tải mã, kim ngân tiến lễ… rất phong phú và đa dạng.

>>> Xem thêm:

hoa man tài mã

 

Hoa man tài mã cho lễ cúng phát tấu

Ngựa mũ cúng phát tấu, cúng Ngũ vị sứ giả (tấu trình công văn lên chư Phật, Bồ Tát và tấu trình Tứ phủ) gồm:

  • 5 ngựa nhỏ
  • 5 mũ hia hoặc hài cũng chia 5 màu theo ngựa.
  • Một nghìn vàng hoa chia 5 màu
  • 5 đinh vàng lá

Ngoài ra trong nghi lễ phát tấu có 10 thứ thập vật tiến trình Tiên Thánh mà nhiều người chúng ta không để ý đến vì trong bộ sớ phát tấu đã có 10 bức tranh thập vật tiến trình để thay thế cho mã. Nếu thập vật này làm bằng mã sẽ phải hóa luôn sau khi cúng phát tấu, để sứ giả đem đi tiến trình thỉnh Phật Thánh bao gồm:

  • Long xa (xe rồng )
  • Phượng liễn (kiệu phượng)
  • Thanh sư ( sư tử xanh )
  • Bạch tượng ( voi trắng )
  • Đà mã ( ngựa đi bộ có người dắt )
  • Phi mã (ngựa bay)
  • Đại hình (người đón rước)
  • Bảo tràng (phan phướn rước Phật)
  • Ngân tiền (tiền vàng tiến cúng)
  • Tòng giá (ngựa có lầu trên lưng rước Thánh).

Hình nhân lốt tướng tiến cúng

Bao gồm:

  • 5 hình nhân và 4 lốt tướng. Trong đó, 4 hình nhân nam hoặc nữ theo giới tính của gia chủ bao gồm 4 màu: đỏ cúng Thiên phủ, vàng cúng Địa phủ, trắng cúng Thủy phủ và xanh cúng Nhạc phủ.
  • 1 hình nhân đỏ hoặc cánh sen cúng Thượng Thanh Bản Mệnh Nguyên Thần Chân Quân ( có một số nơi, hoặc một số đồng thầy thì không làm hình nhân này).
  • 1 lốt tam đầu cửu vĩ màu trắng (hình lốt người có 3 đầu đội mũ võ tướng, thân xà có 9 đuôi xòe như cánh quạt, thân mình có vảy 5 sắc nhưng thường bây giờ chỉ làm mầu trắng) đây là Thần tướng bộ hạ của tòa Thủy phủ.

Ngoài ra thời bây giờ, đa phần các nơi đều làm thêm 3 lốt hình xà trên thân cắm cờ màu đỏ, màu xanh và màu vàng. Các lốt là thần tướng bộ hạ của các tòa phủ khi tiến trình.

Tòa mũ Tứ phủ hay “phong vì hình tượng” Tứ phủ

Để thay thế hình tượng các vị Thánh Đế trong Tứ phủ được thỉnh mời giáng hạ mà các ngôi đền không có tượng các vị Thánh ấy.

  • Mũ là hình tượng đầu – bệ mũ và bệ đai là hình tượng thân, có hia gắn 2 bên là hình tượng chân, có vòng ngai bệ mũ có gắn 2 đầu rồng hình tượng tay. 4 mũ bình thiên của bốn vị Vua cha đại diện Tứ phủ được bày nơi cao nhất, trên đỉnh mũ có nóc bình thiên hình vuông, chia bốn mũ màu đỏ, màu xanh, màu trắng và màu vàng.
  • Phong vì tượng là làm tượng thần bằng mã giống kiểu làm ông tiến sỹ giấy tết Trung thu cũng có đầu, có thân người và tay chân nhưng phần mũ trên đầu khác nhau, theo cấp phẩm của từng vị thánh. Nếu điều kiện khó khăn có thể thay mũ và phong vì tượng bằng các bài vị giấy vẫn có giá trị tâm linh như vậy.

Mũ trung thiên màu trắng (có vùng miền lấy màu vàng) mũ có hai vuốt vươn cao, đầu vuốt có tua gù, có vùng làm mũ trung thiên khác một chút. Hoặc phong vì tượng Đức Trung Thiên, đầu đội vòng kim khôi, không mặc áo mà chỉ quấn khố (vì ngài có lên 7 tuổi) cưỡi con bạch trạch (nghê trắng) tay cầm gương bát quái, tay còn lại cầm ruột bạch trạch, ngài ngồi dưới 4 vị vua cha Tứ phủ nói trên.  Hai bên Đức Trung Thiên có mũ hay phong vì quan Nam Tào quan Bắc Đẩu – mũ cánh chuồn đứng màu đỏ (Quan Nam Tào), màu đen (Quan Bắc Đẩu), có nơi làm mũ đỏ, xanh.

Tòa mũ nói trên bầy trong nội đàn, ngoài ra còn tòa mũ ngoại đàn bầy phía trước án ngoại gồm: 1 mũ Chúa Ôn màu trắng là mũ võ tướng có hai vuốt lông chim trĩ uốn cong (có vùng miền lại lấy mũ Chúa Ôn màu vàng).

Phong vì hình tượng Chúa Ôn thì làm tượng thần bằng mã thể hiện một vị võ tướng, mặt rất dữ phải lấy vải đỏ che phần mặt. Hai bên Chúa Ôn bày mũ hay phong vì Quan Đương Niên Hành Khiển, mũ cánh chuồn ngang màu xanh, hoặc các màu theo ngũ hành của năm đó và một bên mũ Đương Cảnh Thành Hoàng màu vàng (tượng trưng hành thổ).

Hàng dướng Chúa Ôn có mũ Ngũ phương Ôn bộ đạo lộ thánh giá là 5 mũ võ tướng có hai đuôi lông chim trĩ thẳng 5 màu: đỏ, xanh, trắng, vàng, đen. Nếu đền rộng có thể bầy 5 bàn 5 phương trên mũ và vàng hoa với các lễ vật chay mặn riêng. Nếu phong vì Ngũ phương Ôn bộ này bằng mã thì phải tạo 5 hình võ tướng mặc áo giáp tướng đội mũ võ tướng tay cầm pháp khí cũng chia 5 màu như trên.

 

Voi ngựa thuyền rồng

Đât là 3 thứ vật cúng cho chư vị Thiên Quan, cụ thể là tiến cúng cho Chúa Ôn và Ngũ phương Ôn bộ hành binh, bày ở ngoài sân đền (tòa Chúa Ôn và Nũ phương Ôn bộ cùng voi ngựa thuyền rồng gọi là ngoại đàn).

  • Voi màu vàng, ngựa mầu đỏ, thuyền rồng màu trắng (và cũng có vùng miền làm Voi vàng- Ngựa trắng- Thuyền rồng vàng, cũng không ảnh hưởng tới nghi lễ thánh).
  • Voi Ngựa Thuyền rồng không nhất thiết phải làm thật to như thời kỳ bây giờ, to hơn cả voi ngựa thật mà chỉ cần làm phép, làm nhỏ Tiên Thánh sẽ biến hóa đồ vật đó phù hợp, và để tránh làm ảnh hưởng tới môi trường xung quanh khi hóa mã.

Tòa mã Sơn Trang

Tòa mã Sơn Trang màu xanh, để tiến cúng tòa Nhạc phủ Thượng ngàn Sơn Trang, bao gồm chủ đạo là chiếc thuyền thoi, quả núi sơn trang và chiếc thuyền mảng.

Trong quả núi sơn trang có hình tượng 1 bà Chúa Thượng Ngàn ngồi trong động, có hai thị nữ tùy tòng hai bên và 12 tiên nàng sơn trang đứng hầu hai bên trên quả núi. Nhưng muốn động Sơn Trang vừa hoành tráng và sinh động nên mới tạo hình tượng bà chúa và các cô đứng riêng ngoài quả núi để thấy rõ hình tướng bà chúa và các tiên nàng. Trong các đền ngày xưa và nay cũng chỉ có 1 tòa động sơn trang chứ không có đến nhiều động sơn trang các màu khác, ngoài màu xanh ra, mà thời nay chúng ta thấy tòa sơn trang tiến lễ có thể 4 màu: đỏ, xanh, trắng, vàng và có thể rất nhiều số tòa mã sơn trang trong một đàn lễ, thực ra là không đúng phép. Người viết khi ra trình đồng gần 30 năm nay, chỉ có 1 thoi, 1 núi, 1 mảng, 1 vỉ hải sảo, nghìn vàng xanh cúng sơn trang mà thánh vẫn thương vẫn thành đồng thánh bóng mà sau này cũng mở phủ cho một số người như vậy rất đơn giản mà Phật Thánh, Tiên chúa vẫn thương họ.

Trong tòa sơn trang còn có thêm một vỉ hải sảo gồm 15 đôi có nơi chỉ có 13 đôi màu xanh cùng nghìn vàng đại xanh, nghìn vàng cô xanh và mấy đinh vàng lá, tiến cúng thượng ngàn.

Ngoài ra trong đàn Tứ Phủ còn có thêm

Mâm hài Tứ Phủ gồm 24 đôi có:

  • 3 đôi hài phượng cúng Tam Tòa Thánh Mẫu
  • 5 đôi hài mũi hài vuông 5 màu cúng Tứ phủ Quan Lớn
  • 4 đôi hài hoa hoặc hài phượng 4 màu cúng Tứ phủ Chầu bà
  • 4 đôi hài dâng cúng Tứ Phủ Quan Hoàng
  • 4 đôi hài dâng cúng Tứ phủ Thánh Cô
  • 4đôi hài cúng Tứ phủ Thánh Cậu

Đều được chia thành 4 mầu: đỏ, xanh, trắng, vàng.

Vàng cúng Tứ Phủ

Vàng cúng phát tấu, cúng Thiên Quan, cúng Sơn Trang thì trên đã nói rõ. Ngoài ra còn có:

  • 4 nghìn vàng hoa đại
  • 4 nghìn vàng hoa nhỏ để cúng vào Tứ phủ

Chia thành 4 mầu: 1 đỏ, 1 xanh, 1 trắng, 1 vàng.

 

Có đền thờ Tứ Phủ mà phối thờ cả Trần Triều đại vương thì bày thêm nghìn vàng đại thiếc vàng và một nghìn vàng cúng vị Thánh thủ đền ngôi đền đấy tùy thuộc vào mầu sắc của vị Thánh đền đấy. Bày 10 đinh vàng lá theo sớ (không dùng tiền xu và tiền địa phủ cúng vào đàn Tứ phủ).

Giấy để gói trứng tứ phủ và giấy làm cầu tứ phủ, giấy phủ chóe nước Tứ phủ chia làm 4 màu.

Áo cúng chúng sinh các màu (có nơi trong lễ cũng cháo nay còn làm thêm 1 mũ Đức Khải Giáo và bày một nghìn vàng hồ và giấy tiền xu, tiền địa phủ kèm vào mâm áo chúng sinh).

Trên đây là đàn mã Tứ phủ trình đồng, tiến căn Tứ phủ. Ngoài ra khi hầu một vấn hầu thường lệ vào các tuần tiệc thì các thanh đồng có thể làm mã theo tâm nguyện của mình tiến cúng Tiên Thánh, ví dụ như cúng tòa nón các giá, hoặc dâng ngựa áo nón các Quan lớn, Quan Hoàng, Thánh Cậu. Hoặc cúng mã vị Thánh nhân dịp ngày đản tiệc hoặc tiến cúng tòa mã sơn trang cầu tài lộc hoặc dâng mũ nón, thuyền bè, kiệu hoa, tráp áo, võng lọng Thánh Mẫu, Thánh Bà, Thánh Cô nào đó do tâm nguyện của thanh đồng trong lễ hầu Thánh.

Trong vấn hầu bình thường thì vàng tiền cúng Tứ phủ chỉ cần: 4 nghìn vàng đại và 4 nghìn vàng nhỏ chia 4 màu: Đỏ, xanh, trắng, vàng hoặc đản tiệc vị Thánh có thể cúng thêm 1 nghìn vàng theo màu sắc vị Thánh đó cho phù hợp. Nếu thanh đồng điều kiện còn khó khăn khi hầu thành tâm tiến dâng 1 nghìn vàng đại và 1 nghìn vàng cô nhỏ chia 4 mầu: Đỏ, xanh, trắng, vàng, kèm mấy đinh vàng lá Thánh vẫn chứng tâm.

Vàng cúng sơn trang trong vấn hầu, cúng 1 nghìn xanh đại và 1 nghìn cô xanh nhỏ cùng vàng lá.
1 nghìn vàng đại thiếc cúng cung Trần triều..
1 nghìn vàng cúng vị thánh thủ đền nếu có màu sắc sao cho phù hợp.

Do điều kiện kinh tế và nhiều lý do khách quan khác mà thanh đồng không thể tu thiết được đầy đủ hoa man, tài mã nhưng vẫn thành kính phụng sự Tiên Thánh, thì các mũ mã hoa nghi nói trên vẫn có thể hoàn toàn thay bằng các bức tranh vẽ dân gian cũng được, ví dụ như hình nhân thay bằng tranh in hình người, ngựa voi thay bằng tranh in ngựa, in voi, tòa sơn trang thay bằng bức tranh vẽ chúa sơn trang và các cô Tiên nàng, mũ Tứ phủ thay thế bằng các bài vị… mà giá trị về tâm linh vẫn như nhau, vẫn như đàn tràng có nhiều mã Tứ phủ, miễn sao thanh đồng phải có tâm thành kính đối với Phật Thánh thì Tứ phủ vẫn chứng minh- vạn linh giám cách, vẫn chấm lính nhận đồng, vẫn khuông phù gia hộ.

Vì mỗi vùng miền quan niệm nghi lễ Tứ phủ trình đồng khác nhau, hoặc tùy theo quan điểm mỗi vị đồng thầy, đồng trưởng khác nhau nên việc cúng tiến hoa man tài mã sẽ có nhiều điểm nghi lễ khác nhau. Nhưng tất cả các thanh đồng chúng ta cũng nên bảo tồn vốn cổ truyền thống của các bậc thanh đồng tiền bối và phát huy các nét đẹp văn hóa theo thời kỳ đương đại mà vẫn bảo đảm giá trị văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu. Thành kính, nghiêm trang, lịch sự và tiết kiệm để hoằng dương tín ngưỡng thờ Mẫu dân gian Việt Nam – sống tốt đời đẹp đạo theo tín ngưỡng tâm linh một cách chân chính- không làm ảnh hưởng tới đời sống gia đình xã hội để đnghi lễ hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam lên tầm cao, xứng đáng khi được UNESCO công nhận Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

tiệc tức phủ tháng 9 âm

Thanh đồng Nguyễn Tất Kim Hùng
Trụ trì đền Nguyên khiết – 102 Hàng Bạc Hoàn Kiếm Hà Nội

 

>>> Xem thêm các video khác về Phủ Dầy Nam Đinh tại kênh  Phủ Dầy Nam Định Official – YouTube

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *