Đừng đưa Hầu đồng ra chợ, vào quán ăn

Đừng đưa Hầu đồng ra chợ, vào quán ăn

Cách đây hơn 1 năm, tháng 2/2018, Bộ VHTTDL đã có văn bản chỉ đạo các địa phương tăng cường quản lý, triển khai hiệu quả và nghiêm túc Chương trình hành động quốc gia bảo vệ di sản Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, tuy nhiên, cho đến nay, một số hiện tượng biến tướng trong thực hành nghi thức Hầu đồng vẫn còn diễn ra.

Muôn kiểu biến tướng Hầu đồng

Ngày 12/2, Bộ VHTTDL có văn bản số 618/BVHTTDL-DSVH gửi các Sở VHTT/Sở VHTTDL các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương về việc chấn chỉnh hoạt động Hầu đồng trong Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.

hầu đồng
Hầu đồng – một nghi thức trong Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt

Theo đó, văn bản nêu rõ, để triển khai hiệu quả và nghiêm túc Chương trình hành động quốc gia bảo vệ di sản Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã được Bộ VHTTDL công bố, Bộ VHTTDL yêu cầu Sở VHTT/Sở VHTTDL kịp thời kiểm tra, chấn chỉnh các hiện tượng phản cảm, sai lệch với bản chất của di sản văn hóa phi vật thể Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc chỉ tổ chức Hầu đồng ở những nơi có điện thờ Mẫu hoặc di tích thờ Mẫu; không tổ chức nghi lễ Hầu đồng ở khu vực công cộng với tính chất một loại hình dịch vụ du lịch hay ca nhạc đường phố.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, theo phản ánh của nhiều thanh đồng chân chính, xuất hiện việc một số người lợi dụng thực hành di sản, đưa Hầu đồng vào quán ăn, phòng trà, thậm chí là Hầu đồng ở chợ… làm mất đi tính trang nghiêm, vẻ đẹp văn hóa trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam, Tứ phủ của người Việt. Một số người coi đó là hoạt động “có thể sinh lời”, núp bóng di sản văn hóa, họ lợi dụng niềm tin của cộng đồng để phán bừa, tạo hiện tượng “giả căn”, nhằm lôi kéo những người ít hiểu biết tham gia. Bên cạnh đó, xuất hiện cả chuyện ở các vấn Hầu đồng có một số thanh đồng mặc trang phục hở hang và múa theo những điệu nhạc rốc, ráp… rất phản cảm.

Có thanh đồng thì đội chiếc mũ cánh chuồn không ra văn quan, cũng chẳng ra võ. Thậm chí có trường hợp mặc cả áo rằn ri, đi giầy tây, đội mũ tai bèo, đội mũ bảo hiểm… để thực hiện Hầu đồng.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng phải xác định giới hạn được phép và không được phép của từng cá nhân và từng cộng đồng trong thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu

Theo thanh đồng Dương Văn Nguyện (Nam Định), bản thân ông đã xem những cảnh người mặc áo chầu Đệ Nhị và có hát văn, múa và hát trong quán ăn. Khách dự thì mặc áo ngắn quần đùi. Sau đó đi từng bàn xin tiền. Thậm chí, ngay cả ở chợ Đồng Xuân cũng diễn ra nghi lễ Hầu đồng. Thanh đồng Dương Văn Nguyện cho rằng, xảy ra thực trạng này là điều đau lòng đối với những đứa con của Mẫu.

Nhiều thanh đồng có lời truyền phán mang nặng tính dọa nạt trần tục, mục đích làm cho mọi người sợ để dễ dẫn dắt làm những lễ khác, kiếm lợi. Theo lời thầy phán nếu không làm sẽ gặp họa chết người, gia đình li tán, làm ăn thất bát. Nếu là những người còn trẻ thì thường sẽ bị những lời phán như: không lấy được chồng, thi cử không đỗ hoặc ốm đau… Đó là làm sai lệch đạo Mẫu. Đó là những người đội lốt tín ngưỡng để làm lợi cho bản thân.

Làm sao để gạn đục khơi trong

Thanh đồng Nguyễn Thị Hiền- Thiên Phúc tự, xã Trung Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An bày tỏ: “Tôi không đồng ý với những người đang lợi dụng tín ngưỡng để thực hiện Hầu đồng mọi nơi như hiện nay. Chỗ nào cũng hầu, hầu phải ở Tam tòa thánh Mẫu, Tứ phủ bản linh, hầu để sáng tâm, sáng dạ chứ không phải chỗ nào cũng hầu, rồi có người hầu phải tiền. Còn hát văn, biểu diễn sân khấu hóa thì lại là một lẽ khác. Nếu biểu diễn trên sân khấu nghiêm túc để quảng bá giá trị văn hóa thì được, nhưng cũng phải giữ nét nghiêm túc, không được lợi dụng, phô trương, không thể đưa ra quán ăn, không được nhảy nhót hở hang, lợi dụng tín ngưỡng”.

Thanh đồng Nguyễn Thị Hiền bày tỏ không đồng tình với những người làm biến tướng Hầu đồng

Thanh đồng Trần Thị Huệ thì chia sẻ, bản thân những người thực hành nghi lễ Hầu đồng như chị luôn tuân thủ nghi thức và quy tắc của tín ngưỡng. Chị Huệ cho biết, vừa qua, có dịp cùng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam sang Hàn Quốc giao lưu văn hóa, khi thực hiện nghi thức Hầu đồng, chị yêu cầu nghiêm ngặt về không gian thực hành. Phải trong nhà, có nơi để chị đặt bát nhang, ban thờ. Khi hầu là phải quay mặt về phía ban thờ, chứ không phải là quay mặt về phía khán giả, quay lưng lại ban thờ như người ta vẫn biểu diễn. Chị Huệ cho rằng, mỗi thanh đồng cần thực hành nghiêm túc, chuẩn mực theo nghi thức thờ Mẫu thì sẽ hạn chế được tình trạng biến tướng, thực hành sai, dẫn đến hiểu sai di sản tốt đẹp của cha ông.

Để hạn chế sai lệch, biến tướng trong việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, theo nhiều nhà nghiên cứu, cần phải có những quy định, thậm chí là bộ luật phù hợp để xử lý những vi phạm. Bên cạnh đó, phải xác định giới hạn được phép và không được phép của từng cá nhân và từng cộng đồng trong thực hành tín ngưỡng này.

Theo TS Luật học Nguyễn Ngọc Mai, Viện nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam các thanh đồng chân chính, thực hành nghiêm cẩn Tín ngưỡng thờ Mẫu cần liên kết lại thành lập một hội, có thể là Hội Thanh đồng Đạo quán của Việt Nam, trong đó, bầu lên các đồng thầy, người có uy tín trong giới, để có thể hướng dẫn các thanh đồng thực hành theo đúng giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu. Từ đó, cũng có những quy định mang tính răn đe với những thanh đồng làm sai, làm trái tín ngưỡng thờ Mẫu./.

Hà An (Báo điện tử Toquoc.vn).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *