Đại sứ Phạm Sanh Châu chuyện chưa kể ở UNESCO

Tự nhận không phải là nhà nghiên cứu văn hóa, cũng không phải là người “có căn, có quả” mà chỉ là một nhà ngoại giao, nhưng Đại sứ Phạm Sanh Châu lại rất có duyên với những di sản văn hóa của Việt Nam trên bình diện quốc tế.

Chia tay Việt Nam sang nhận nhiệm vụ mới tại Ấn Độ, Đại sứ Phạm Sanh Châu đã tiết lộ những chi tiết thú vị trong quá trình chúng ta bảo vệ hồ sơ thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt mà ông đã tham gia trực tiếp.

Để bảo vệ thành công một hồ sơ di sản, ngoài việc “có bột mới gột nên hồ”, điều rất quan trọng là làm sao để chúng ta “mang chuông đi đánh xứ người” thì phải thực sự làm nổi bật được những gì mình có. Một bộ hồ sơ di sản thì vô cùng nhiều chi tiết nhưng chọn gì để kể cho thế giới về Việt Nam, để bạn bè hiểu về nền văn hóa đa dạng, giàu truyền thống nhân văn của chúng ta?

Phạm Sanh Châu

Biểu diễn thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ cho các đại sứ xem tại Phủ Dầy-Vụ Bản-Nam Định. Ảnh: HUY AN.

Đại sứ Phạm Sanh Châu chuyện chưa kể ở UNESCO

Với hồ sơ thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt có đến vài chục nhân vật, mỗi người lại có một góc nhìn khác nhau về một nhân vật đó trong lịch sử, vậy chọn một nhân vật khác nhau trong hồ sơ để giới thiệu với thế giới? Tôi chọn Quan Đệ ngũ Tuần Tranh. Cá nhân tôi, khi nghiên cứu hồ sơ tôi day dứt nhất về ông. Quan Đệ ngũ là Cao Lỗ, một vị tướng tài ba của đất nước Âu Lạc độc lập. Ông là người được An Dương Vương giao cho sứ mạng cầm quân để đánh trả lại 50 vạn quân phương Bắc xâm lược Lạc Việt. Ông là người đầu tiên đánh dấu thắng lợi của cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Sau khi giành được thắng lợi, An Dương Vương giao cho ông xây thành Cổ Loa. Khi xây xong thành, ông làm nỏ thần rất uy lực thời bấy giờ. Bất hạnh thay, ông lại đem lòng yêu Mỵ Châu công chúa. Nàng lại phải lòng Trọng Thủy, làm mất nỏ thần. Đất nước mất vào tay giặc, mọi người nghi ngờ ông tiết lộ bí mật quân sự. Ông bị đày ra vùng biên ải Lạng Sơn. Khi đến nơi, cảm thấy rất đau khổ, muốn chứng minh cho sự tinh triết của mình, ông gieo mình xuống dòng sông Kỳ Cùng (Lạng Sơn ngày nay). Chính vì vậy, với tôi, quan Đệ ngũ là một nhân tài nhưng bị vu oan, một người bất hạnh trong đường tình duyên. Nhưng trên tất cả, khi thác đi, ông vẫn hiển linh một lòng phù trợ, bảo vệ người dân, bảo vệ Tổ quốc.

Trong hàng chầu, có chầu bà Đệ nhị là hóa thân của Mẫu Thượng Ngàn luôn mặc áo xanh. Nhưng chúng ta giải thích nhân vật ấy như thế nào? Dưới con mắt của tôi, bà đại diện cho 3 điều tiêu biểu nhất: Xuất thân từ một dân tộc thiểu số vì bà là người Mán, chồng là người Tày, sau đó bà lại được cai quản vùng rừng núi. Chầu bà Đệ nhị cũng có đóng góp vào công cuộc bảo vệ Tổ quốc. Trong một lần bà hiển thánh vào thời kỳ đầu của nhà Lê, bà phát ánh hào quang để giúp Lê Lợi chạy trốn quân giặc trong rừng núi. Sau đó, bà phù trợ cho nghĩa quân ngày càng mạnh, dẹp tan giặc Minh. Chầu bà Đệ nhị là hình ảnh của thế giới ngày nay nhưng đồng thời cũng là hình ảnh của dân tộc ta. Như thế, chúng ta thấy ở đây rất phù hợp với tiêu chí của thế giới, đó là bình đẳng giới, môi trường, dân tộc thiểu số. Chính vì vậy, với 3 tiêu chí ấy, hình tượng chầu bà Đệ nhị Thượng Ngàn đã đi vào lòng người, đi vào những bạn bè quốc tế.

Với chúng ta, những người dân Việt, chúng ta thấy xuyên suốt trong từng giá hầu là hình ảnh của một dân tộc quật cường như thế. Điều đặc biệt của tín ngưỡng thờ Mẫu là chúng ta cầu cho tín ngưỡng hiện tại. Khác rất nhiều tín ngưỡng và tôn giáo khác, họ cầu cho thế giới mai sau. Chính vì vậy, khát vọng sống, khát vọng thành đạt đã làm cho mọi người có sức mạnh nhiều hơn thông qua tín ngưỡng thờ Mẫu.

Theo Huy An

Báo điện tử Quân đội nhân dân.

 

>>> Nhấn Subscribe để theo dõi các video về Phủ Dầy Nam Định tại kênh: Phủ Dầy Nam Định Official

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *