Sơn Tinh Công Chúa là sắc phong của Cô Đôi Thượng Ngàn, cô vốn là con Vua Đế Thích trên Thiên đình, thường ra vào hầu cận bơ tòa Vua Mẫu trong điện ngọc, nơi tiên cảnh. Sau cô giáng sinh xuống đất Ninh Bình làm con gái nhà một chúa đất ở chốn sơn lâm, khi hạ sinh, Cô Đôi Thượng Ngàn rất xinh đẹp da trắng, tóc xanh mượt mà, mặt tròn, lưng ong thon thả.
“Dâng văn cô đôi thượng ngàn
Sơn tinh công chúa lai loan ngự về
Hầu vua hầu mẫu tam tòa
Tay tiên gót ngọc vào ra sớm chiều”
Sơn Tinh Công Chúa là ai ?
Sơn Tinh Công Chúa tức Cô Đôi Thượng Ngàn là vị thánh cô thuộc hàng Tứ phủ Thánh Cô trong hệ thống thần linh tứ phủ. Cô được thờ ở nhiều di tích đền và phủ ở phía bắc Việt Nam và được ca ngợi trong những ca khúc hát văn nổi tiếng mang tên “Cô Đôi Thượng Ngàn”.
Sau này cô quyết chí đi theo hầu Đức Diệu Tín Thuyền Sư Lê Mại Đại Vương (chính là Mẫu Thượng Ngàn, Bà Chúa Sơn Trang) học đạo phép để giúp dân. Rồi khi về thiên, cô được theo hầu cận ngay bên cạnh Mẫu Thượng Ngàn được Mẫu ban truyền cho vạn phép, giao cho cô dạy người rừng biết thống nhất về ngôn ngữ (nên có khi còn gọi là Cô Đôi Đông Cuông), cũng có người cho rằng cô về theo hầu cận Chầu Đệ Nhị. Lúc thanh nhàn cô về ngự cảnh sơn lâm núi rừng ở đất Ninh Bình quê nhà, trong ba gian đền mát, cô cùng các bạn tiên nàng ca hát vui thú tháng ngày trên sườn dốc Bò, có khi cô biến hiện ra người thiếu nữ xinh đẹp, luận đàm văn thơ cùng các bậc danh sĩ, tương truyền cô cũng rất giỏi văn thơ, làm biết bao kẻ phải mến phục.
“Chắp tay bái lạy cô ngàn
Sơn Tinh Công Chúa giáng đàn chứng đây
Trần gian hồ dễ ai hay
Mời cô lai giáng đền này chứng minhHiệu cô là Sơn Tinh Công Chúa
Mặt tròn vành nguyệt má in phấn hồng
Da cô trắng tựa tuyết đông
Tóc dà dà biếc lưng ong dịu dàng
Chân cô đưa nhởn đưa nhang
Bước nào bước ấy tiên nàng nguyệt nga”
Sơn Tinh Công Chúa cũng là tiên cô cai quản kho lộc Sơn Lâm Sơn Trang, người trần gian ai nhất tâm thì thường được Cô ban thưởng, nhược bằng có nợ mà không mau trả lễ cô lại bắt đền nặng hơn.
Sơn Tinh Công Chúa rất hay ngự về đồng, vì danh tiếng cô lừng lẫy ai ai cũng biết đến, đệ tử cô đông vô số và cô cũng hay bắt đồng. Trong đại lễ khai đàn mở phủ người ta thường dâng lễ vàng cây lên 5 tiên cô là Cô Đôi, Cô Bơ, Cô Sáu, Cô Chín và Cô Bé, trong đó Cô Đôi thường là giá cô ngự về đầu tiên (mở khăn cho hàng cô) để chứng lễ. Khi cô về ngự thường mặc áo lá xanh hoặc quầy đen và áo xanh (ngắn đến hông), trên đầu có dùng khăn (khăn von hoặc khăn vấn) kết thành hình đóa hoa, cũng có một số nơi dâng cô áo xanh, đội khăn đóng (khăn vành dây) và thắt lét xanh, hai bên có cài hai đóa hoa. Cô về đồng thường khai cuông rồi múa mồi, múa tay tiên hái tài hái lộc cho đồng tử.
>>> Xem thêm: Sự tích về Cô Bé Cấm Sơn và đền Cấm thờ cô
Phụng thờ Cô Đôi Thượng Ngàn Sơn Tinh Công Chúa
Vì Cô hầu cận bên Mẫu Đông Cuông nên đền cô cũng được lập gần Đền Đông Cuông, trong đền thờ Cô Đôi và Cô Bé Đông Cuông, cách đền chính khoảng 500m, trước cửa đền có giếng nước quanh năm trong mát. Nhưng chính đền của cô lại là Đền Cô Đôi Thượng Ngàn tại xã Nho Quan, Ninh Bình (qua rừng quốc gia Cúc Phương) thuộc làng Bồng Lai. Một số địa điểm thờ phụng Sơn Tinh Công Chúa.
Đền Cô Đôi Thượng Ngàn nằm ở thôn Bồng Lai, xã Văn Phương, Nho Quan, Ninh Bình. Đền được xây dựng từ thời Trần và được trùng tu nhiều lần, đến nay có kiến trúc theo kiểu chữ Nhất gồm 3 gian mái phẳng lợp ngói vảy. Đền thờ Cô Đôi còn có tên gọi là Miếu Thượng hay Đền thờ Mẫu Thượng Cô Đôi Bồng Lai. Tương truyền, Bà có công lao giúp dân đánh quân giặc Tống. Trong đền còn thờ Chầu Quỳnh và Chầu Quế theo hầu Mẫu. Gian bên hữu của đền thờ Trần Hưng Đạo còn gian bên tả thờ Chúa Sơn Trang và thập nhị tiên nàng. Đền còn giữ sắc phong của Vua Khải Định phong cho Cô Đôi Thượng Ngàn là Thượng đẳng thần.
Phủ Châu Sơn nằm ở xã Phú Sơn, Nho Quan, Ninh Bình. Lễ hội phủ Châu Sơn diễn ra vào ngày 12 tháng 11 âm lịch hàng năm tại xã Phú Sơn, huyện Nho Quan. Lễ hội được tổ chức nhằm tôn thờ, tưởng nhớ Sơn Tinh Công Chúa. Tương truyền, Sơn Tinh Công Chúa là con vua Đế Thích trên thiên cung. Bà giáng sinh xuống trần gian, vùng đất Ninh Bình ngày nay, làm con gái một chúa đất chốn sơn lâm, sau này bà theo hầu Lê Mại Đại Vương chính là Mẫu Thượng Ngàn học đạo phép để giúp dân.
Đình Mỹ Hạ ở Gia Thuỷ, Nho Quan vốn là nơi thờ Đinh Tiên Hoàng và Dương Vân Nga cũng có phủ thờ Cô Đôi Thượng Ngàn.
Đền Bồng Lai ở trong động Thiên Thai, khu vực núi Đầu Rồng, thị trần Cao Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình.
Đền thờ Cô Đôi ở gần đền Đông Cuông, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, Yên Bái.
Đền Đôi Cô, phường Nông Tiến, thành phố Tuyên Quang thờ phụng và ngưỡng vọng cô đôi Thượng Ngàn và cô bơ Thoải Cung.
Đền Đôi Cô – Cầu Má nằm trên Km15 quốc lộ 2A, thuộc xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên, Hà Giang thờ cô đôi Thượng Ngàn và cô bơ Thoải Cung.
Đền thờ Cô Đôi Thượng Ngàn ở Sa Pa đang xây dựng mở rộng thêm, miền thượng ngàn từ Lào Cai đến Sa Pa có rất nhiều đền thờ các Cô (Cô bé Tả Van, cô Đôi Thượng Ngàn…)
Bản văn Sơn Tinh Công chúa
Dâng văn cô đôi thượng ngàn
Sơn tinh công chúa lai loan ngự về
Hầu vua hầu mẫu tam tòa
Tay tiên gót ngọc vào ra sớm chiều
Môi son má phấn mỹ miều
Tiêu giao một thú hữu tình bao la
Quảng bình thanh hóa vào ra
Lẵng hoa cô quẩy dáng người thướt tha
Đông cuông tuần quán bảo hà
Dạo chơi lũng cú tà pình sa pa
Xuân về đồi núi nở hoa
Chân quán xà cạp vô qua ninh bình
Cô đôi càng nhìn đồi núi càng xinh
Cô chơi bốn mùa gió mát trăng thâu
Hoa thơm cỏ lạ mây mầu ấm êm
Vận thú rừng sim ao cá
Đọn măng giang măng nứa măng tre
Có bạn tiên đủng đỉnh ra về
Nón tiên hải xảo lãng khuê ngạt ngào
Sớm sông lô tối cô vào tuần hạc
Bạn tiên ngồi đàn hát líu lo
Rượu tăm hiến đủ ba vò
Cơm lam thịt kính khế chua măng vầu
Hoa cẩm chướng trà mi đua nở
Đóa mận đào rực rỡ phô hương
Đêm đêm dạn dầy tuyết sương
Mà sao cô đôi trên non có một mình
Rừng thu trăng gọi hòa bình
Hoa phô sắc thăm bên hình thác reo
Nước suối lượn qua đèo róc rách
Ngôi đền thờ tùng bách phất phơ
Ngoài bể nam cá lượn lửng lờ
Trên ngàn chim liệng cứ ngẩn ngơ từng đàn
Đội ngư phường đua chèo bẻ lái
Vượt lên hình thác thác cái ghềnh con
Thác chèn bắc nhịp hò khoan
Phố lu trai ngút cô lại sang chơi đền và
Nón tu lở áo hoa đủng đỉnh
Đàn ngũ âm tang tính tình tang
Đêm thanh mắc võng giữa ngàn
Bạn tiên hội họp khúc đàn reo ca
Phép tiên biến hiện núi giùm vô qua
Tức thời cô về tới ỷ la
Đi tới đèo kẻng lại ra công đồng
Tay tiên múa lượn khúc rồng
Non bồng chốn ấy yên viên vui vầy
Mây thấp thoáng trăng cao lặng lẽ
Ánh sao trời khéo vẽ cảnh tiên
Nhớ ơn cô bản mường ghi nhớ
Lập đền thờ cô thượng tối linh
Bài sai tối thiểu lục cung
Nàng ân nàng ái vốn dòng
Tính cô hay măng trúc măng gia
Măng tre măng nứa cơm lam chè gừng
Tính hay sim mái đi tìm
Thiều quang sáng tỏ núi đồi
Trời một bầu xuân sắc tốt tươi rườm rà
Lên trên ngàn lắm quả nhiều hoa
Cô đôi đốt đuốc vào ra sớm chiều
Chiếc gùi mây nặng trĩu lưng đeo
Nón tiên hải xảo mỹ miều xinh tươi
Con dao thoai tui vóc bên người
Vin cành hái quả nói cười líu lo
Hái đào lê cam quýt nhãn dừa
Bạch lê hồng thị vải thiều chanh dây
Trời một bầu phong nguyệt vô biên
Lên rừng hái qủa đào tiên cô đem về
Trên ngàn xanh cam quýt xum xuê
Tay tiên bẻ lá vin cành hoa thơm quả ngọt hái dành đời sau
Chân cô đã bước tới đâu
Gieo mầm nhân nghĩa bắc cầu kim hoa
Cô đẹp như sao bắc đẩu sông ngân hà
Đôi tay lấp lánh như là ánh sao băng
Cô đẹp như tố nữ trong cung hằng
Xe loan thánh giá hồi cung.
Căn Cô Đôi Thượng Ngàn Sơn Tinh Công Chúa
Người có duyên cơ sâu dày với nhà thánh ắt sẽ có căn với một trong các vị thánh. Những người mang căn vị thánh nào thì mang dáng dấp vị thánh đó. Khi đó, người nào nặng căn thì sẽ phải lập đàn mở phủ thờ nhà ngài. Nếu không sẽ bị ngài quở phạt. Bởi nghĩa vụ của phận tôi con nhà thánh là phải phụng sự nhà ngài cả đời. Một năm bắc ghế hầu đồng hai lần, tuần tiếc tiệc gì cũng phải lễ cha, lễ mẹ.
Với những người mang căn Cô Đôi Thượng Ngàn Sơn Tinh Công Chúa, thường họ sẽ có khả năng xem bói, chữa bệnh và bắt đồng. Và giống như Cô Đôi, họ cũng mang ngoại hình xinh đẹp cùng tính cách thông minh, nhanh nhẹn, cốt cách thanh cao của bậc nhà tiên thánh.
>>> Nhấn Subscribe để theo dõi các video về Phủ Dầy Nam Định tại kênh: Phủ Dầy Nam Định Official
Có thể bạn quan tâm
Kế hoạch tổ chức chợ Viềng xuân năm 2025 – Phủ Dầy Nam Định
Năm 2025, chợ Viềng Phủ Dầy Nam Định theo truyền thống được tổ chức vào...
Đại hội Hội Bảo vệ và phát huy di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” tỉnh Nam Định nhiệm kì II (2024-2027)
Ngày 7/12, tại Phủ Chính Phủ Dầy, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản (Nam Định),...
Phủ Chính Phủ Dầy thành kính tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một mất mát vô...
Khải Thánh Từ Phủ Dầy thờ Thánh Tổ, Thánh Phụ sinh ra Đức Thánh Mẫu thần chủ
Khải Thánh Từ Phủ Dầy tức Đền Khải Thánh, tục hiệu Phủ Tổ ở Giáp...
Đền Công Đồng Phủ Dầy
Đền Công Đồng Phủ Dầy là một ngôi đển nguy nga, bề thế, cung phủ...
Đền Giếng Phủ Dầy (Thủy Tiên Từ) thờ Mẫu Thoải – Cô Chín
Đền Giếng Phủ Dầy (Thủy Tiên Từ) dân thường gọi là đền Mẫu Thoải –...
Lễ rước Mẫu thỉnh kinh Phủ Chính hội Phủ Dầy năm 2024
Tiếp nối chương trình Lễ hội Phủ Dầy năm 2024, sáng ngày 14/4, (tức mùng...
Liên hoan nghệ thuật hát Chầu Văn tại Lễ hội Phủ Dầy năm 2024
Trong khuôn khổ các hoạt động Lễ hội Phủ Dầy năm 2024, sau lễ khai...