Vì sao chợ Viềng “mua may, bán rủi” vào đêm mùng 7 Tết?

(ĐSPL) – Đầu năm đi chợ Viềng “bán được là quý, mua được là may” để cầu mong những may mắn, tốt lành sẽ đến với gia đình và người thân.

Đến hẹn lại lên, cứ vào đêm mùng 7, ngày mùng 8 tháng Giêng âm lịch, Chợ Viềng lại được họp tại Thị Trấn Nam Giang, huyện Nam Trực và xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.

Xuất hiện từ xa xưa và được lưu truyền, gìn giữ cho đến ngày nay, chợ Viềng thu hút du khách ở khắp mọi miền đất nước về tham dự. Chợ Viềng độc đáo ở chỗ, cả người bán lẫn người mua đều không đặt nặng vấn đề mua bán, lời lãi, mà có chung tâm lý “mua may bán rủi” với mong muốn bước sang một năm mưa thuận, gió hòa, làm ăn phát đạt. Người bán và người mua luôn giữ tâm trạng vui vẻ, không chỉ là trao cho nhau món hàng, mà còn là gửi gắm cho nhau chút tình ngày xuân năm mới với mong muốn mang may mắn về nhà.Chợ Viềng Nam Định

Khai hội chợ Viềng Nam Định

Tương truyền, khi cờ mở hành quân đến đất Nam Giang thì ngựa của hai tướng bị hỏng móng phải dừng lại, nhân tiện có làng Vân Tràng nổi tiếng với nghề rèn truyền thống, nên đã nhờ bà con rèn lại móng ngựa và vũ khí mang theo. Trong khi chờ đợi, hai tướng đã ra lệnh cho lính lập đàn loan tin chiến thắng. Biết được, dân chúng ở khắp các xã, thôn lân cận đem trâu, bò về mổ ở làng Vân Tràng ăn mừng…Vậy là từ thuở đó, bà con huyện Nam Trực lấy đêm ngày mồng 7 và sáng mồng 8 tháng Giêng làm ngày hội họp đầu xuân để tưởng nhớ hai vị tướng. Đồng thời, cũng là dịp nông nhàn để bà con trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt và trưng bày, mua bán sản phẩm của các làng nghề truyền thống.

Theo các cụ bô lão giải thích, chữ “Viềng” trong từ chợ Viềng có nghĩa “về”, là “vầy”, sum vầy, hội tụ nhân dân khắp mọi nơi về chung vui.

Trải qua những thăng trầm lịch sử, chợ Viềng ngày nay đã trở thành điểm giao lưu văn hóa cộng đồng, hội tụ tinh hoa sản vật và cũng là nơi đón chuyến xuất hành đầu xuân của khách thập phương về “mua may bán rủi”.

Hàng hóa chợ Viềng được bày bán trong các lều quán che tạm hoặc đặt ở bất cứ khoảng trống  nào đó trong chợ, đúng kiểu chợ phiên của làng quê Bắc Bộ xưa. Sản phẩm được đem ra bày bán ở đây cũng rất phong phú, đa dạng, bất cứ thứ gì cần thiết phục vụ như cầu cuộc sống là chợ Viềng đều bán. Từ các loại cây trồng, vật nuôi đến các vật dụng sản xuất nhỏ của nhà nông, người ta có thể tìm mua ở đây từ cái cày, cái cuốc đến các vận dụng nhỏ như đôi quang thúng, cái đòn gánh, hay những thực phẩm cần thiết như gạo, thịt, quần áo, giày dép… Không chỉ vậy, đến với chợ Viềng, du khách còn có thể tìm thấy ở đây những bộ tế khí, những chiếc lư hương bằng đồng, cùng trăm ngàn thứ vật dụng khác.

Hàng nghìn du khách đổ về chợ Viềng (Nam Định).

Một điều thú vị mà chỉ ở phiên chợ này mới có, đó là tục người bán không hề nói thách và người mua cũng không hề mặc cả. Người ta truyền tai nhau rằng, có thể đi chơi khắp khu chợ từ chiều đến tối, nhưng nếu mua thì nhất định nên đợi qua 0h, rạng sáng ngày mùng 8 thì hãy mua, vậy mới thực sự là mua may cầu lành. Người nông dân thì mua cái liềm, lưỡi cuốc mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu; trẻ con thích thú được người lớn mua cho tò he rồng, phượng… những thứ đồ chơi dân gian không thể thiếu của tuổi thơ.

Du khách đến chợ Viềng để “xin lộc”.

Nóng cùng chiếc bánh nhãn quà quê, thấy lòng ấm hơn khi ngẫm về những nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng ý nghĩa tự bao đời vẫn còn được duy trì.

Minh Hiền (Tổng hợp)

>>> Nhấn Subscribe để theo dõi các video về Phủ Dầy Nam Định tại kênh: Phủ Dầy Nam Định Official

Có thể bạn quan tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *